Ở nước ta hiện nay, đội ngũ cán bộ nữ được tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của sự nghiệp xây dựng đất nước. Phong trào phụ nữ đã có bước phát triển, các tầng lớp phụ nữ tỏ rõ có năng lực, phẩm chất, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và công tác, đạt những thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đội ngũ cán bộ nữ đã có bước trưởng thành rõ rệt. Số lượng và chất lượng cán bộ nữ phát triển không ngừng. Trong các cấp uỷ đảng và ở các vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở đều có cán bộ nữ tham gia.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều cấp uỷ đảng chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ, chưa thực sự coi cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ, chưa thấy hết tiềm năng, vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ nữ nên việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chính sách đối với cán bộ nữ chưa đầy đủ, còn có biểu hiện định kiến, khắt khe, cầu toàn, chưa quan tâm đến yếu tố giới nên đội ngũ cán bộ nữ phát triển chưa vững chắc, mất cân đối, thiếu đồng bộ, phân bố không đồng đều ở các địa phương, các lĩnh vực. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ, chính quyền còn thấp, nhất là ở cơ sở.
Nghiêm trọng hơn, hiện nay, tình trạng buôn bán phụ nữ qua biên giới, nạn bạo hành trong gia đình mà nạn nhân là phụ nữ đang gây nhức nhối trong xã hội. Đó là biểu hiện của sự bất bình đẳng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới vị trí, vai trò của người phụ nữ, đặc biệt là trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), coi chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ nữ là một nhiệm vụ quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa số dân, đến từng gia đình trong cộng đồng xã hội.
Chính vì thế, những tư tưởng của Người về công tác phụ nữ trong xây dựng CNXH cần được quán triệt một cách sâu sắc và toàn diện, nhằm giúp cho mọi người có nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của phụ nữ. Qua đó, các cấp uỷ đảng đề ra nhiều biện pháp cụ thể hơn, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy hết tiềm năng của mình. Đồng thời, đối với phụ nữ Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước, đây là một dịp tốt nhằm ôn lại và thực hiện những di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng nhân dân cả nước hoàn thành các nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.
Mấy nét chính trong tư tưởng của Người về công tác phụ nữ
Thấm nhuần truyền thống văn hoá dân tộc đồng thời tiếp thu sâu sắc Chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh rất hiểu và đặc biệt quan tâm đến vai trò, vị thế của người phụ nữ trong phong trào cách mạng. Người không chỉ nêu lên tình cảnh khổ nhục của người phụ nữ dưới chế độ thực dân phong kiến mà còn chỉ ra khả năng cách mạng của họ.
Trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập (12 tập), trong tổng số 1.941 bài nói và viết, đã có nhiều bài Người nhắc đến phụ nữ. Trong bài Phụ nữ Phương Đông, Người viết: “Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bảo vệ đất nước chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Phụ nữ Ấn Độ vùng lên chống sự đô hộ của Anh. Phụ nữ Trung Quốc tham gia cuộc cách mạng năm 1912. Phụ nữ Triều Tiên đã và đang đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc. Phụ nữ Nhật Bản đã buộc Chính phủ phải huỷ bỏ đạo luật cấm phụ nữ tham gia đời sống chính trị và v.v.
Trong đời sống kinh tế những “bông hồng” của phương Đông bắt đầu tỏ cho chủ nghĩa tư bản thấy ở họ có những chiếc gai nhọn. Những cuộc bãi công của nữ công nhân ở các nhà máy và xưởng dệt lụa không còn là hiện tượng hiếm nữa”.
Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người đã chỉ ra rằng cách mệnh Pháp dạy cho chúng ta, đàn bà và trẻ con cũng giúp làm việc cách mệnh được nhiều.
Trong tác phẩm này, Người cũng dành một phần nói về “Phụ nữ quốc tế”. Trong đó, Người nói: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia. Cách mệnh Pháp có những người như cô học trò Sáclốt Coócđây rút dao đâm chết người tể tướng hung bạo, như bà Luy Misen ra giúp tổ chức Pari Công xã. Khi Nga cách mệnh, đàn bà ra tình nguyện đi lính; sau tính lại lính cách mệnh đàn bà chết hết 1854 người. Nay cách mệnh Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế, cũng vì đàn bà, con gái hết sức giùm vào. Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà, con gái công nông các nước”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN,1995, t.2, tr.288).
Người nêu gương chiến đấu của bà Trưng Trắc và kêu gọi: như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết cách mệnh. Huống chi bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!
Người nói với đại biểu phụ nữ các nước rằng: lúc kháng chiến, chị em phụ nữ hăng hái tham gia. Từ ngày dân Việt Nam tranh được chính quyền, phụ nữ đều ra sức gánh vác công việc. Nào giúp đỡ chiến sĩ, tăng gia sản xuất. Nào chống nạn mù chữ, tham gia tuyển cử, Tuần lễ vàng, Đời sống mới, v.v, việc gì phụ nữ cũng hăng hái.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của mình, Người luôn quan tâm tới các phong trào của phụ nữ. Dù bận trăm công ngàn việc khác nhau, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc vẫn dành thì giờ tham dự nói chuyện tại các hội nghị và đại hội của tổ chức phụ nữ, ít nhất Người cũng gửi thư căn dặn với tấm lòng của một người Cha, người Bác thân yêu trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Nhiều chị em là cán bộ lãnh đạo, là anh hùng, chiến sĩ thi đua trong lao động và chiến đấu, là dũng sĩ từ tiền tuyến lớn miền Nam… đã được Người ân cần đón tiếp, tặng hoa và quà, được ăn cơm hoặc xem văn nghệ cùng Người.
Hồ Chí Minh luôn khẳng định: lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Người tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Người nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Đó cũng là lời khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ là rất to lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Cần có kế hoạch thiết thực trong việc giúp đỡ phụ nữ
Trong nhiều bài viết, bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức phải tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động.
Trong Thư gửi Hội nghị Nông dân cứu quốc toàn quốc lần thứ hai, Người kêu gọi Hội Nông dân cứu quốc phải thiết thực, tổ chức rộng rãi và chặt chẽ nhất là kết nạp thanh niên và phụ nữ nông thôn vào hội làm cho hội đông thêm, mạnh thêm và hăng hái thêm.
Khi nói chuyện tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc, Người chỉ ra rằng sau này công tác giáo dục phần nhiều phải do phụ nữ đảm nhiệm. Muốn phụ nữ đảm nhiệm, thì phải bồi dưỡng cho phụ nữ.
Nói chuyện tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất, Người nhắc nhở: “đoàn thể phụ nữ, cơ quan phụ trách cần chú ý dìu dắt, giúp đỡ hơn nữa để nhiều chị em có thể thay cho nam giới trong công việc buôn bán”.
Nói chuyện tại Hội nghị Các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, Người căn dặn: từ nay, các cấp đảng, chính quyền địa phương, khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa.
Người quan tâm đến những phụ nữ có con nhỏ và để tạo điều kiện cho họ lao động sản xuất, Người đã chỉ ra: muốn cho người mẹ sản xuất tốt thì cần tổ chức tốt những nơi gửi trẻ và những lớp mẫu giáo.
Người rất quan tâm đến phụ nữ các dân tộc thiểu số, Người nhắc nhở đảng uỷ các cấp ở miền núi cần phải ra sức phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ, cần phải đào tạo và giúp đỡ cán bộ phụ nữ các dân tộc.
Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo.
Như vậy, trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm, nhắc nhở Đảng và Nhà nước cùng các tổ chức chính trị - xã hội phải tạo điều kiện để phụ nữ tham gia đóng góp sức nhằm xây dựng CNXH thành công ở nước ta.
Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhưng cũng có yêu cầu cao đối với phụ nữ. Người luôn khuyên bảo chị em phải tự cố gắng vươn lên để khẳng định mình chứ không phải chờ Đảng, Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách.
Người kêu gọi:
Chị em phụ nữ nông thôn THI ĐUA góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt.
Chị em công nhân và công chức THI ĐUA làm tròn nhiệm vụ của mình.
Chị em trí thức THI ĐUA góp phần vào việc phát triển văn hoá.
Nữ thanh niên tuỳ theo cương vị của mình, THI ĐUA học và hành, xung phong trong mọi công việc.
Người chỉ rõ cấp trên có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng của phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên.
Nói chuyện tại Hội nghị Cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, Người nói: Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, Người khen ngợi phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước. Nhưng phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng CNXH.
Tại Hội nghị Phụ nữ lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua toàn thành phố Hà Nội lần thứ hai, Người chỉ rõ: “Hiện nay, trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải:
Gắng học tập chính trị, học tập văn hoá, kỹ thuật.
Nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa.
Hăng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình.
Đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hoà bình thế giới" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.89).
Nói chuyện tại Hội nghị Các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, Người phê bình: “Phụ nữ ta còn một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”.
Người căn dặn: tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH. Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hoá, kỹ thuật.
Trong Hội nghị Cán bộ phụ nữ miền núi, Người căn dặn chị em phải cố gắng học tập. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được.
Người luôn khuyến khích chị em tự mình cố gắng vươn lên khẳng định mình. Điều đó thể hiện sự quan tâm, thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm của một vị lãnh tụ luôn theo sát, cổ vũ các phong trào của phụ nữ.
Đấu tranh cho quyền bình đẳng nam nữ
Theo Hồ Chí Minh, công tác phụ nữ trong xây dựng CNXH, một trong những nội dung quan trọng là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Người chỉ rõ: “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng, v.v. đều nhằm mục đích ấy”.
Trong bài Phải thật sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ, Người viết: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng CNXH thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Hiến pháp và pháp luật của nước ta đã quy định rõ điều đó”.
Người nhắc nhở là phải kính trọng phụ nữ. “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ”.
Những lời dạy đó của Người thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đồng thời cũng tỏ rõ rằng Người luôn đấu tranh để cho phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới.
Gắn sự nghiệp giải phóng phụ nữ với sự nghiệp xây dựng CNXH. Trong Hội nghị Cán bộ thảo luận dự thảo Luật hôn nhân và gia đình, Bác nói: “Bây giờ toàn dân ta ai cũng muốn xây dựng CNXH. Muốn xây dựng CNXH phải làm gì? Nhất định phải tăng gia sản xuất cho thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ.
Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người.
Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng CNXH chỉ một nửa”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.523).
Trong xây dựng CNXH, phụ nữ phải được giải phóng khỏi những tàn dư của hủ tục, định kiến hẹp hòi của tư tưởng phong kiến; vươn lên đóng góp sức mình xây dựng CNXH.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ. Người luôn đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ, yêu cầu Đảng, Chính phủ và các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hoạt động, nghiêm khắc nhắc nhở chị em phải cố gắng tự vươn lên trong học tập và công tác. Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm phát huy khả năng của phụ nữ trong công cuộc xây dựng đất nước.
Phụ nữ Việt Nam ta đã luôn làm theo lời dạy của Người, cố gắng học tập, công tác và đang dần khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Trong 4 kỳ đại hội toàn quốc của Đảng gần đây đều có cán bộ nữ tham gia Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư. Nhiệm kỳ khoá X, số Uỷ viên Trung ương là nữ có 16/181 người, chiếm tỷ lệ 8,83%. Trong các cấp chính quyền, phụ nữ cũng đã có mặt ở tất cả các vị trí lãnh đạo, cương vị phó chủ tịch nước, phụ nữ vẫn duy trì trong cả hai khoá. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội tăng từ 18,5% ở khoá IX lên 26,2% ở khoá X và 27,3% ở khoá XI. Đặc biệt, phụ nữ giữ cương vị chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội tăng nhanh từ 22,2% ở khoá IX lên 33,3% ở khoá X và đến khoá XI có tỷ lệ khá cao 40%. Tỷ lệ đảng viên nữ tăng đều theo từng năm. Năm 1994 chỉ có 16,4% đảng viên nữ. Năm 1999 có 19,3%; nếu năm 2002 là 21,7% thì năm 2005 tỷ lệ này là 25%. Điều đó nói lên vai trò của phụ nữ ngày càng quan trọng.
Người phụ nữ hiện đại trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá rất cần sự quan tâm của gia đình và xã hội. So với nam giới, phụ nữ đã bị chi phối nhiều thời gian và công sức vào công việc gia đình. Thực hiện bình đẳng giới đã tạo điều kiện khích lệ phụ nữ vươn lên trong mọi lĩnh vực. Phụ nữ ngày nay về cơ bản không còn bị ràng buộc bởi những định kiến, những quy ước lạc hậu, cổ hủ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, ở nông thôn, phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi bởi đời sống còn khó khăn, nhận thức của gia đình cũng như thôn xóm còn hạn chế về quyền bình đẳng nam nữ. Vì vậy, phát huy tính tích cực của tổ chức hội phụ nữ ở nông thôn để chị em có điều kiện giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm là điều vô cùng cần thiết.
Tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia trên mọi lĩnh vực của xã hội, đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Phụ nữ chiếm một nửa dân số, phụ nữ là người nuôi dạy trực tiếp các thế hệ tương lai của đất nước. Nếu như người phụ nữ được học hành, được nâng cao kiến thức về mọi mặt sẽ tác động tích cực tới chất lượng thế hệ tương lai. Phụ nữ có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt hay không, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào người chồng trong mỗi gia đình. Chỉ khi nào có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của gia đình thì người phụ nữ mới có điều kiện hoàn thành mọi công việc với hiệu quả cao nhất.
Nguyễn Thị Bích Thúy
Khoa Xây dựng Đảng
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV