Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam chìm đắm trong “đêm trường nô lệ”, nhân dân Việt Nam sống rên xiết dưới gót giày của quân xâm lược. Một số phong trào yêu nước của các sĩ phu phong kiến thức thời và trí thức Tây học diễn ra mạnh mẽ nhưng đều thất bại. Sự thất bại này là do thiếu đường lối cứu nước khoa học và cách mạng nên không phát huy được nội lực, ý chí độc lập, khát vọng tự do của dân tộc.
Trong bối cảnh lịch sử ấy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết định đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đúng đắn cho nhân dân Việt Nam.
Khi học ở Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành tiếp cận lịch sử, văn hóa, văn minh phương Tây, quan tâm tìm hiểu các cuộc cách mạng tư sản diễn ra ở Hà Lan, Anh, Mỹ và nhất là cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789. “Tự do - bình đẳng - bác ái” là những ngôn từ đẹp đẽ và cũng là khát vọng đặc biệt hấp dẫn đối với Người. Đó là quyền sống chân chính của mỗi dân tộc, mỗi con người nhưng sao các nước văn minh phương Tây lại xâm chiếm và nô dịch phương Đông qua chiêu bài khai hóa văn minh? Với nhãn quan chính trị sắc bén vượt thời đại, Nguyễn Tất Thành quyết định ra nước ngoài - sang phương Tây, nước Pháp - nơi mở đầu cuộc cách mạng tư sản điển hình, lại là nước đang cai trị Việt Nam để tìm hiểu.
Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba, nhận làm phụ bếp trên con tàu A-mi-ran La-tu-sơ Tơ-rê-vin của hãng Năm Sao rời cảng Nhà Rồng đi Mác-xây (Pháp). Hơn mười năm sau, chính Nguyễn Tất Thành với tên mới là Nguyễn Ái Quốc đã trả lời nhà báo, nhà thơ Nga Ô-xip Man-den-stam rằng: Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ “Tự do - bình đẳng - bác ái”. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi.
Chuyến đi lịch sử của Nguyễn Ái Quốc sang phương Tây khác xa với các vị tiền bối. Cụ Phan Bội Châu ra nước ngoài với 3.000 đồng do Duy Tân hội quyên góp. Cụ Phan Châu Trinh đến Pháp bằng chiếc vé mời của Hội Nhân quyền Pháp. Với Nguyễn Ái Quốc, ra nước ngoài chỉ với hai bàn tay trắng cùng tinh thần yêu nước, thương dân và với một trí tuệ thiên tài, một nghị lực phi thường, một ý chí quyết tâm tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.
Bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu những cuộc cách mạng thế giới đã giành thắng lợi như cách mạng tư sản Mỹ năm 1776, cách mạng nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789 và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Người rất khâm phục tinh thần cách mạng ở những nước này nhưng thấy không thể đi theo cách làm của họ. Bởi vì, theo Người: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(1).
Năm 1917, Người trở lại Pháp tham gia phong trào công nhân Pháp. Tháng 11 năm đó, diễn ra một sự kiện rung chuyển thế giới, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử xã hội loài người: Cách mạng tháng Mười Nga giành thắng lợi, đưa học thuyết cách mạng của C.Mác từ sách vở trở thành hiện thực đầu tiên, đưa cách mạng thế giới bước sang thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Ba năm sau, tại Thủ đô Pa-ri diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Nguyễn Ái Quốc và Chủ nghĩa Mác-Lênin qua Bản Sơ thảo lần thứ nhất “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo của Đảng xã hội Pháp. Luận cương của V.I.Lênin đã chỉ ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc, nên “Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(2).
Giữa năm 1923, Người rời Pháp sang Liên Xô. Ở đây, Người tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm hiểu kinh nghiệm cuộc Cách mạng Tháng Mười và tham gia vào Quốc tế Cộng sản. Trong cuốn sách Đường Kách mệnh, Người viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(3). “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(4). Và “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”(5).
Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời nước Nga Xô viết trở về Quảng Châu - Trung Quốc trên cương vị và nhiệm vụ mới: phiên dịch cho đồng chí Bô-rô-din - cố vấn Liên Xô bên cạnh Chính phủ Quốc dân đảng, vừa phụ trách mục tuyên truyền của tờ báo Ca-non Ga-zet-te bằng tiếng Anh của Trung ương Quốc dân đảng. Về gần Tổ quốc là điều kiện thuận lợi để Người truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Người tiếp xúc với những thanh niên yêu nước hăng hái nhất trong nhóm Tâm tâm xã như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong... Trên cơ sở đó, tháng 5-1925, Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự giúp đỡ tận tình của các đồng chí Trung Quốc, Hội bí mật đưa một số thanh niên trong nước sang Quảng Châu tham gia các lớp học chính trị; ra tờ báo Thanh niên in bằng giấy sáp, bí mật gửi về nước để truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào đấu tranh của công nhân và quần chúng nhân dân. Qua đó, Người tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một đảng mác-xít ở Việt Nam.
Cuối năm 1929, đầu năm 1930, ba tổ chức cộng sản lần lượt ra đời ở Việt Nam đã khẳng định bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng Việt Nam. Song một nước có ba tổ chức cộng sản cùng hoạt động sẽ không tránh khỏi sự phân tán về lực lượng và tổ chức, không thống nhất về tư tưởng và hành động. Trước yêu cầu lịch sử đặt ra, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam - Hội nghị từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930 tại Hương Cảng - Trung Quốc.
Hội nghị thông qua Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Cương lĩnh đã chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi chủ nghĩa thực dân Pháp và phong kiến tay sai, giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày. Lần đầu tiên cách mạng Việt Nam có một cương lĩnh chính trị phản ánh được quy luật khách quan của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế thời đại. “Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình”(6).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, liên tiếp giành nhiều thắng lợi.
Năm 1939, đại chiến thế giới II bùng nổ, quân Pháp đầu hàng phát-xít Nhật. Chúng cấu kết chặt chẽ với nhau đàn áp phong trào cách mạng và tăng cường bóc lột nhân dân thuộc địa, làm cho nhân dân Việt Nam “một cổ hai tròng”. Các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương… liên tiếp diễn ra nhưng bị dìm trong bể máu, nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng và hàng ngàn quần chúng ưu tú đã bị bắt, giết hại và tù đày…
Được sự nhất trí của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc rời Mát-xcơ-va với nhiệm vụ đến Trung Quốc để công tác trong Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về tới cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu, đánh giá đặc điểm tình hình, từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, tại Khuổi Nậm-Pác Bó-Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Hội nghị đặt nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”. Vì vậy “bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”(7). Đây là sự chuyển hướng quan trọng nhất về chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng, đồng thời đáp ứng đòi hỏi, nguyện vọng của nhân dân là giành độc lập dân tộc, thoát khỏi ách nô lệ. Tư tưởng này không những khắc phục quan điểm không đúng về đấu tranh giai cấp, mà còn tạo điều kiện cho tư tưởng giải phóng dân tộc của Bác tiếp tục phát triển, đem lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.
Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh - một chủ trương mang tính chiến lược, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhằm đoàn kết hết thảy các lực lượng yêu nước trong một mặt trận để cứu nước, giải phóng dân tộc. Ở Lào cũng thành lập mặt trận Ai Lao độc lập đồng minh và Cam-pu-chia thành lập mặt trận Cao Miên độc lập đồng minh… thể hiện rõ nét chính sách “dân tộc tự quyết”, hợp với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, giai cấp, các dân tộc Đông Dương, hợp với cuộc đấu tranh chung của toàn thế giới chống phát-xít xâm lược, bảo đảm cho cách mạng Đông Dương thành công.
Trước sự biến đổi sâu sắc của tình hình thế giới và trong nước, bên cạnh việc dự báo thời cơ khởi nghĩa, Đảng và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đưa ra một sách lược cần kíp là chuẩn bị lực lượng và đưa Đảng vào hoạt động bí mật. Bên cạnh Mặt trận Việt Minh, các đội Cứu quốc quân I, II, III, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời. Dù non trẻ, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng đã liên tiếp đánh thắng hai trận Phai Khắt và Nà Ngần. Cùng với chiến thắng đó, những thắng lợi của Cứu quốc quân, các đội du kích, tự vệ ở các địa phương đã góp phần củng cố, mở rộng khu căn cứ cách mạng Cao-Bắc-Lạng, Thái-Hà-Tuyên và động viên toàn dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.
Chiến tranh thế giới II bước vào giai đoạn kết thúc. Ngày 9-5-1945, phát-xít Đức đầu hàng đồng minh. Đêm 13-8-1945, ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 - hiệu triệu toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(8). Lúc này Bác đang ốm nặng. Ở lán Nà Lừa đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, cả dân tộc muôn người như một vùng lên “chớp thời cơ ngàn năm có một” giành chính quyền về tay mình.
Ngày 15-8-1945, phát-xít Nhật đầu hàng đồng minh. Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8, Thừa Thiên Huế giành được chính quyền, vua Bảo Đại thoái vị và nộp ấn kiếm cho cách mạng. Ngày 25-8, nhân dân Sài Gòn-Gia Định giành được chính quyền… Hành động vùng dậy “lay trời chuyển đất” của hàng triệu quần chúng, tạo nên một ưu thế áp đảo, giáng một đòn quyết định vào tất cả cơ quan đầu não của bọn việt gian, làm tê liệt mọi sự kháng cự của các thế lực thù địch, chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra trang sử mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi đầu tiên của một nước thuộc địa nửa phong kiến do đảng cộng sản lãnh đạo, là thắng lợi của đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi này đã tạo ra thế và lực mới, quyết định tiến trình đi lên của dân tộc Việt Nam; là nền tảng vững chắc đoàn kết, huy động sức mạnh của cả nước đồng lòng chung sức làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; anh dũng kiên cường, bền bỉ đấu tranh hơn hai thập kỷ, quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa xuân năm 1975, thu non sông về một mối, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
______
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 2, tr.274. (2) Sđd, tập 10, tr.127. (3) Sđd, tập 2, tr.268. (4) Sđd, tập 9, tr.314. (5) Sđd, tập 10, tr.128. (6) Sđd, tập 10, tr.9. (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, NXBCTQG, H.2000, tr.55, tr.536. (8) Sđd, tập 3, tr.554.
Phạm Thị Nhung
Trường Sỹ quan Lục quân 2