Hồ Chí Minh là người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta. Trong công tác xây dựng đảng, Người đặc biệt coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Hồ Chí Minh gọi tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức của Đảng, là nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng Đảng Cộng sản thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân, vừa phát huy sức mạnh của tập thể phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng đã đề ra.
Hồ Chí Minh cho rằng dân chủ và tập trung là hai mặt có quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau trong một quá trình tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dân chủ vừa là bản chất, vừa là động lực, mục tiêu của xã hội mới mà Đảng ta lãnh đạo nhân dân xây dựng nên. Dân chủ trong Đảng là tất cả đảng viên đều được tự do bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề trong sinh hoạt đảng để góp phần thống nhất về quan điểm, chủ trương trong lãnh đạo, chỉ đạo; để xây dựng nghị quyết, đưa được nghị quyết vào cuộc sống. Vì vậy, dân chủ phải đi đến tập trung, là cơ sở của tập trung. Phải tránh dân chủ theo kiểu tùy tiện, phân tán, vô tổ chức, dân chủ hình thức. Những kiểu dân chủ như thế là rất nguy hại, làm suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi tổ chức đảng.
Về tập trung, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong Đảng phải thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động. Biểu hiện của tập trung là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên… Tập trung trên cơ sở phát huy dân chủ chứ không phải tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền.
Hiểu và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh, thống nhất trong tư tưởng và hành động “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”(1).
Tập trung dân chủ phải được quán triệt và thực hiện trong từng đảng viên, trong các tổ chức đảng để Đảng ta hoàn thành sứ mệnh lịch sử của một Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, cùng với nguyên tắc tập trung dân chủ, Người còn đề cập tới nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đây là biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ trên phương diện lãnh đạo, quản lý.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung”(2). Theo Hồ Chí Minh thì một người dù tài giỏi đến mấy cũng không thể nào thấy hết mọi mặt của một vấn đề, càng không thể thấy hết được mọi việc, hiểu hết được mọi chuyện. Vì vậy, để lãnh đạo được sát, đúng cần phải có sự tham gia ý kiến của nhiều người. Nhiều người thì nhiều kiến thức, người thấy mặt này, người thấy mặt kia, do đó hiểu được toàn diện, mọi vấn đề. Khi tập thể đã bàn bạc kĩ lưỡng, kế hoạch đã được định rõ thì giao cho một người phụ trách chính. Làm như vậy thì kế hoạch mới được thực hiện đầy đủ, tránh dựa dẫm, chồng chéo nhau, công việc mới đạt kết quả cao. Khi đánh giá công việc mới có cơ sở để biểu dương những người làm giỏi, phê bình những người làm kém, mới xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân. “Lãnh đạo mà không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không có cá nhân thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”(3).
Thấm nhuần Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập đến nay luôn luôn tuân thủ và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, hoạt động và sinh hoạt đảng. Chính điều đó đã tạo nên sức mạnh để Đảng ta khi mới 15 tuổi với 5.000 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân ta làm Cách mạng Tháng Tám thành công. Cùng với sức mạnh đó Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những chiến công hiển hách đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, và hiện nay đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải luôn hiểu rõ bản chất và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng chính là làm cho Đảng ta luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trung thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, góp phần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.
..........................................................
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.553.
(2), (3). Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.505.
Nguyễn Khánh Ly
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An