Là một nhà tư tưởng kiệt xuất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, Hồ Chí Minh chẳng những đã phát hiện ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà còn dành cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột và nô dịch của chủ nghĩa tư bản, đế quốc và thực dân, để đem lại quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc cho tất cả mọi người. Đó là lý tưởng, mục tiêu cao cả, thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo cách mạng, chủ nghĩa nhân văn cộng sản của Hồ Chí Minh. Người suốt đời thực hành lý tưởng và mục tiêu ấy với một động cơ và lẽ sống cao thượng, với một nghị lực phi thường vượt qua mọi gian lao và thử thách trong cuộc đấu tranh chống cường quyền và bạo ngược, nêu cao bản lĩnh và dũng khí vì tự do và nhân phẩm con người.
Sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chí Minh là ở chỗ, chứng thực rằng, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”. Đó là quy luật của muôn đời mà cũng là chân giá trị của lịch sử đấu tranh cách mạng thời hiện đại. Đó còn là tri thức cốt yếu nhất, đáng tin cậy và có sức thuyết phục lớn nhất của mọi tri thức khoa học xã hội - nhân văn thể nghiệm trong đấu tranh chính trị, làm nên một chất lượng nhân văn hiện đại của văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, văn hóa chính trị Việt Nam. Trong cuộc đời mình, Người đã dường như dành hết trí lực và tâm lực, cả nỗ lực và tinh lực của mình cho thực hành đoàn kết, đại đoàn kết trong dân, trong Đảng, từ dân tộc đến quốc tế. Người đã đề cập đến vấn đề hệ trọng và thiêng liêng này trong Di chúc, ở đó có cả tư tưởng và tâm trạng, có cả niềm tự hào, tin tưởng mà cũng xen lẫn cả lo âu và những nỗi đau lòng. Riêng điều ấy thôi cũng đủ làm hiển hiện tầm vóc vĩ đại và cao thượng của Hồ Chí Minh, cũng đủ tỏa sáng một phương diện cốt yếu của văn hóa và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Đây chính là nền tảng sâu xa, bền vững nhất để tạo dựng chủ kiến và chủ thuyết Hồ Chí Minh về dân chủ và pháp quyền, về chính thể dân chủ cộng hòa và quyền làm chủ của nhân dân.
Sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chí Minh còn ở chỗ, Người với tầm nhìn xa trông rộng, nói như Chế Lan Viên, đó là “tầm mắt đại dương” đã không chỉ thấy sự cần thiết phải giải phóng cho dân tộc mà còn trù tính và hành động để phát triển dân tộc Việt Nam. Muốn giải phóng phải làm cách mạng đến nơi, phải có Đảng cách mạng chân chính dẫn đường, Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt, lại phải giữ chủ nghĩa cho vững, và người cách mạng vì nước, vì dân thì phải biết hy sinh, phải ít lòng ham muốn vật chất, đủ sức mạnh, bản lĩnh và dũng khí để đánh bại chủ nghĩa cá nhân. Để phát triển, phải không ngừng chăm lo xây dựng chính thể dân chủ, thực hành dân chủ rộng rãi, phải phát triển sản xuất, kinh tế, làm cho dân có ăn, có mặc, có nhà ở, được học hành, tiến bộ. Lo lợi ích công bằng, chính đáng cho dân, làm điều lợi, tránh điều hại cho dân, phải chống bằng được quan liêu, lãng phí, tham ô là những kẻ thù của dân, của cách mạng. Lại phải nâng cao dân trí, làm cho dân từ chỗ thất học, tăm tối, dốt nát do giặc thực dân gây ra đến chỗ có học vấn, học thức, phát triển giáo dục, khoa học, văn hóa để dân ta nhất định phải trở thành một dân tộc thông thái, xã hội Việt Nam làm một xã hội văn hóa cao. Đó là chỗ đi tới của CNXH.
Phát triển dân tộc, do đó theo Hồ Chí Minh là đưa dân tộc ta từ độc lập dân tộc, tiến bước tới dân chủ và xây dựng thành công CNXH. Đó là một tư tưởng chiến lược tổng quát, vạch ra con đường phát triển của Việt Nam. Muốn vậy, trước hết phải có con người XHCN, đức là gốc, tài là quan trọng, đức đảm bảo cho tài, tài để thực thi cái đức lớn, cái đạo lý, đạo nghĩa lớn nhất là vì dân, suốt đời tận tụy phục vụ dân, làm cho dân có tự do và hạnh phúc trong một nước có độc lập và chủ quyền. Với Hồ Chí Minh, chân lý không chỉ là khoa học mà còn là đạo đức. Cái gì tốt cho dân, lợi cho dân, cái đó là chân lý. Phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý lớn nhất. Làm đầy tớ, công bộc của dân là lẽ sống cao thượng nhất.
Hồ Chí Minh kiên trì, bền bỉ thực hành chân lý ấy suốt đời và cũng suốt đời chăm lo giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên công chức cùng thực hành chân lý ấy mà Người luôn nêu gương, làm gương cho tất cả mọi người noi theo. Người đúc rút thành phương châm và phương pháp, coi gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất. Ở đây tinh tế và sâu sắc biết bao, khi Người nhận ra, sức mạnh tự bảo vệ của Đảng, của Nhà nước, của chế độ bắt nguồn từ sức mạnh đạo đức khi cầm quyền. Mọi sự tha hóa dẫn đến suy đồi thể chế và đổ vỡ cả sự nghiệp, phải trả giá đau đớn mà lịch sử đã chứng kiến càng cho thấy sức tỏa sáng của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Trong học thuyết giải phóng và trong chủ thuyết Phát triển Hồ Chí Minh còn thấm nhuần sâu sắc triết lý nhân sinh và triết lý hành động của Người. Tất cả quy tụ vào một chữ “Dân” mà thôi. Chắt lọc cái tinh túy của triết lý phương Đông và nâng cao tầm tư tưởng của truyền thống dân tộc, noi theo gương sáng của ông cha ta từ bao đời nay trong dựng nước và giữ nước, Người thấu hiểu “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “dân là gốc của nước”, cho nên suốt một đời, Người đã chăm lo phát triển sức dân, bồi dưỡng sức dân và tiết kiệm sức dân. Triết lý ở đời và làm người đòi hỏi phải thân dân và chính tâm. Người đã tựa vững từ nền tảng truyền thống ấy để vượt lên, để phát triển xa hơn, vượt qua giới hạn của ý thức hệ truyền thống mà đạt tới chất lượng mới của thời đại mới, từ thân dân tiến tới dân chủ, từ chính tâm trong giới hạn chật hẹp của tu dưỡng tâm tính cá nhân theo mẫu nhân cách hiền nhân quân tử bề trên trong đạo thánh hiền, mà xác lập các chuẩn mực đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, coi đó là nguyên tắc của đạo làm người của người cách mạng.
Bởi thế, lý luận hay học thuyết dân chủ của Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng. Trong hàng trăm, hàng nghìn câu nói của Người về dân chủ đều luôn luôn nổi bật vai trò chủ động, tích cực của dân, đều luôn luôn nhất quán với tinh thần trọng dân gắn liền với trọng pháp. Nhà tư tưởng Mác-xít sáng tạo đồng thời là nhà cách mạng của thời đại mới, Hồ Chí Minh rành mạch và tường minh trong những khẳng định sau đây:
- Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trên thế giới không có sức mạnh nào mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân.
- Dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân.
- Thực hành dân chủ rộng rãi sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn.
- Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương là do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng, đều ở nơi dân ...
Người còn nhấn mạnh, trong một nước dân chủ thì nhân dân là chủ. Cán bộ, đảng viên cũng như nhiệm vụ của chính quyền ta và đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân. Dân đã có quyền làm chủ thì cũng phải thi hành nghĩa vụ của người chủ. Đây là những tóm tắt cô đọng nhất bản chất của dân chủ và quyền làm chủ, có giá trị như những định nghĩa kinh điển về dân chủ. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ, dân là chủ thể gốc của quyền lực. Dân ủy quyền cho Nhà nước để Nhà nước thực hiện quyền lực nhân dân, phụng sự lợi ích, nhu cầu và cả ý chí của dân. Đảng cũng chỉ vì dân mà tồn tại. Nhân dân phải chủ động xây dựng Đảng và Nhà nước tham gia vào công việc quản lý, kiểm tra giám sát, góp ý, phê bình, giúp đỡ để cho đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được đúng đắn, hợp với tình hình, hợp với lòng dân, ý dân, cũng để cho tổ chức bộ máy được trong sạch, vững mạnh, luật pháp, thể chế, kỷ luật, kỷ cương được nghiêm minh và thi hành có hiệu quả, để cho cán bộ đảng viên công chức phải luôn luôn ghi nhớ, thực hành hai chữ dân chủ chứ đừng biến thành “quan chủ”, là đầy tớ công bộc trung thành, tận tụy của dân chứa không được lên mặt “quan cách mạng”.
Dân chủ và quyền làm chủ của dân phải trở thành một giá trị thực tế chứ không phải một lời nói suông. Dân chỉ biết đến dân chủ, công bằng, bình đẳng khi dân được ăn no, mặc ấm. Độc lập tự do phải tranh đấu mà có được thì phải làm sao cho dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Đã tranh được tự do độc lập rồi mà dân vẫn đói rét, cực khổ, lạc hậu thì độc lập tự do cũng chẳng để làm gì. Thiết thực đến như vậy cho nên chúng ta phải làm ngay, làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, được học hành tiến bộ, được tự do đi lại, được chăm sóc sức khỏe, được hưởng quyền tự do, hạnh phúc mà họ xứng đáng được hưởng. Tầm nhìn và hành động Hồ Chí Minh là như vậy. Người đòi hỏi, phải phấn đấu hy sinh đến cùng để dân thực sự có quyền tự do dân chủ, có hạnh phúc. Phải yêu dân, kính dân, lại phải gần dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân, tin dân và làm tất cả những gì có lợi, mưu lợi cho dân, tránh tất cả những gì gây hại cho dân, dù chỉ là một cái hại nhỏ. Phải để cho dân tỏ rõ thái độ thẳng thắn của mình, góp ý phê bình xây dựng cho Nhà nước của mình, cho công chức của mình. Là công dân của một nước độc lập, có tự do, dân chủ thì dân phải được “mở mồm ra”. Đó là dân chủ thực chất để làm chủ thực chất, không hình thức giả dối, cũng không phù phiếm giả tạo.
Chống lại mọi khuyết tật, mọi thói xấu xa, hư hỏng, lợi dụng địa vị, quyền hành của nhà nước và người của nhà nước thì phải dựa thẳng vào dân, phát huy mọi tính chủ động, tháo vát, sáng kiến, trách nhiệm của dân. Có lỗi phải thật thà nhận lỗi và công khai sửa lỗi trước dân, không được xa dân, khinh dân, ghét dân, không tin dân, coi thường dân. Đó là căn nguyên và chứng bệnh của quan liêu. Kẽ hở này dẫn tới tham nhũng. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nguyên nhân của quan liêu, tham nhũng không chỉ từ những khuyết lỗi của thiết chế, thể chế mà còn từ đạo đức công chức yếu kém, kỷ luật công vụ xộc xệch, làm biến chất dân chủ và các tổ chức công quyền. Người cho rằng, muốn chống được quan liêu tham nhũng thì phải ra sức thực hành dân chủ, dựa vào dân từ cơ sở, cũng như có đánh bại được giặc nội xâm là chủ nghĩa cá nhân thì mới xây dựng thành công CNXH.
Để thực hiện và thực hành dân chủ, để đảm bảo và không ngừng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao sức mạnh của luật pháp, của pháp chế và pháp quyền. Do đó, muốn có dân chủ, muốn thực sự tôn trọng quyền làm chủ của dân phải xây dựng nhà nước pháp quyền, trong đó luật pháp là tối thượng, phải làm cho pháp luật có sức mạnh của “thần linh pháp quyền”, tất cả mọi người, từ Chủ tịch nước đến mọi người dân phải tuân thủ luật pháp, bình đẳng trước pháp luật. Để bảo vệ dân, giữ vững chế độ, pháp luật phải nghiêm minh, nền hành chính công phải minh bạch, phải nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Người là bản “Quốc lệnh”, trong đó ghi rõ thưởng phạt công khai, công bằng, nghiêm minh. Mọi tội lỗi gây ra làm phương hại tới dân, tới chế độ dân chủ, Người đều ghi mức án cao nhất là tử hình.
Trọng dân nên phải trọng pháp và trọng pháp là để trọng dân, theo nghĩa phục vụ dân, bảo vệ dân, bảo vệ cái thiện và sự lương thiện, trừng trị cái ác, cái xấu, hại dân, hại nước.
Xây dựng chính thể dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội dân chủ để nhân dân là chủ và làm chủ, Hồ Chí Minh đã công phu chỉ đạo xây dựng Hiến pháp, hoàn thiện luật pháp, chú trọng hành pháp của các cơ quan Chính phủ, tính công bằng, nghiêm minh, quang minh chính đại, thiết diện vô tư của ngành tư pháp, kết hợp đức trị với pháp trị, sớm có chủ trương chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa công chức và nền hành chính công vụ, cải cách và đổi mới thường xuyên tổ chức bộ máy cùng với nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống công quyền, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phép nước theo các chuẩn mực dân chủ. Tất cả đều vì lợi ích, quyền lực của dân. Một nhà nước mạnh, có thực lực và thực quyền phải chú trọng vào lập pháp, hành pháp và tư pháp, đề cao luật pháp dân chủ và tiến bộ, bảo vệ quyền cơ bản của công dân, đảm bảo tốt dân quyền để thực hiện đầy đủ nhân quyền, không chỉ tôn trọng quyền sở hữu tài sản của công dân mà còn trọng nhân cách con người. Xây dựng một nhà nước mạnh thì phải chú trọng sự trong sạch của bộ máy, tính liêm khiết của công chức, phải là một chính phủ hành động, trọng công việc thực tế. Công chức phải thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy, mẫn cán, hết lòng, hết sức phục vụ dân, tuyệt đối trung thành với chính phủ, kính trọng, lễ phép với dân chúng. Do đó, trong chính thể dân chủ cộng hòa, địa vị cao nhất là dân, quyền lực cao nhất cũng là của dân, nhà nước vừa mạnh về luật pháp, vừa giỏi giang thông suốt trong quản lý, lại phải đảm bảo đạo đức công chức và công vụ cũng như văn hóa nơi công sở thực sự là văn hóa dân chủ. Hễ chính phủ không còn xứng đáng với lòng tin cậy của dân thì dân không cần đến nữa, dân đuổi chính phủ đi, tức là bãi nhiệm. Đủ thấy, Hồ Chí Minh chú trọng pháp quyền nhân nghĩa, chính trị dân chủ, đoàn kết và thanh khiết đến thế nào. Nhân dân làm chủ bằng nhà nước của mình, đó là một kênh chủ yếu và quan trọng trực tiếp nhất. Từ Quốc dân Đại hội ở Tân Trào lịch sử, trong những ngày sôi động của Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ ta đã thấy hình bóng của một nhà nước dân chủ đang định hình. Từ chính phủ lâm thời, ngay sau lễ Tuyên ngôn Độc lập đã bắt tay ngay vào công việc quản lý, làm tất cả để lo cho cuộc sống của dân, tập trung sức chống giặc đói, chống giặc dốt đi liền với xây dựng chính thể, củng cố nền tảng sức mạnh là lòng dân để sẵn sàng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự do non trẻ mới ra đời. Từ Chủ tịch Chính phủ đến các vị bộ trưởng, thứ trưởng và công chức các cơ quan theo lời kêu gọi của Bác Hồ, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo nuôi dân. Sự kiện này đã đi vào lịch sử như một nét đẹp cao quý của chế độ dân chủ được lòng dân nhất, cũng vì thế dân hết lòng ủng hộ Chính phủ, ai ai cũng một lòng, một chí, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ. Rõ ràng dân chủ và pháp quyền nhân nghĩa theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh đã khơi dậy động lực vĩ đại của nhân dân, của dân tộc, tạo ra sức mạnh đánh bại mọi kẻ thù.
Đảng lãnh đạo và cầm quyền sao cho Nhà nước mạnh, có thực lực và thực quyền để nhân dân làm chủ. Đó là trách nhiệm nặng nề và sứ mệnh vẻ vang của Đảng. Hồ Chí Minh đứng đầu Đảng và Nhà nước 24 năm liền (1945-1969) là người thấu hiểu hơn ai hết quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, giữa Nhà nước với dân, cũng tức là giữa cán bộ, đảng viên, công chức với công dân và nhân dân của mình. Người đã viết ra 12 điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947) chỉ vẻn vẹn 456 chữ thôi mà tỏ rõ cả một chủ thuyết về Đảng cầm quyền, tiêu biểu cho đạo đức và văn minh . Thông điệp mà Người nhắn gửi chúng ta được nói rõ ngay từ điều đầu tiên, Đảng là một tổ chức cách mạng, phục vụ giai cấp, dân tộc, nhân dân và nhân loại. Vào Đảng để phấn đấu hy sinh cho lý tưởng phụng sự Tổ quốc và nhân dân chứ không phải mưu danh cầu lợi, Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Cho đến Di chúc 1.000 từ để lại mang ý nghĩa của một đại tổng kết về lý luận cách mạng và trù tính bao điều hệ trọng cho tương lai, trước sau cũng chỉ vì dân, vì dân chủ và quyền làm chủ của dân. Người nói cùng Đảng, cùng dân, từ biệt thế giới này Người không có gì phải ân hận, Người chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ nhân dân nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa. Trí tuệ ấy, đạo đức và nhân cách ấy làm xúc động triệu triệu con người, là gương sáng đẹp đẽ, lớn lao, cao thượng cho muôn đời noi theo.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và quyền làm chủ của dân gắn liền làm một với thực hành, biến tư tưởng thành hiện thực. 65 năm trong lịch sử chính thể dân chủ cộng hòa với Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của dân, với Chính phủ do dân ủy thác quyền hành và hành động vì dân đã tỏ rõ giá trị, ý nghĩa và sức sống của những tư tưởng cao quý đó của Người.
Gs,Ts. Hoàng Chí Bảo. Hội đồng Lý luận Trung ương
Nguồn: Báo Cần Thơ điện tử