Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi hội tụ và tỏa sáng văn hóa Việt Nam. Nhân cách văn hóa của Người không chỉ làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam mà còn khắc sâu trong trái tim bạn bè thế giới. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người không chỉ là dịp để người Việt Nam lĩnh hội và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, tìm về chuẩn mực đạo đức mà còn là cơ hội để sửa mình, học làm người, làm cán bộ, học để phụng sự nhân dân, để xây dựng đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác hằng mong ước.
Hằng năm, mỗi độ Tháng Năm về, muôn triệu trái tim Việt Nam cùng chung nhịp đập hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi hội tụ và tỏa sáng văn hóa Việt Nam, tưởng nhớ ngày sinh của Bác - một người cộng sản vĩ đại, anh hùng dân tộc kiệt xuất, chiến sĩ quốc tế lỗi lạc đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, nhân dân, vì độc lập, tự do của các dân tộc, hòa bình và công lý trên thế giới. Người đã đi xa nhưng nhân cách văn hóa của Người không chỉ làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam mà còn khắc sâu trong trái tim bạn bè thế giới.
Bác sinh thành trong gia đình có nền nếp gia phong mẫu mực, hiếu học, nhân nghĩa của vùng đất xứ Nghệ giàu truyền thống lịch sử văn hóa - nơi đã sản sinh những hiền tài của đất nước. Quê hương, gia đình, đặc biệt là nhân cách của người cha - Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, được hầu trà, bê tráp cho các bậc cha chú, luận bàn việc nước, đàm đạo chính sự và những bài học “vỡ lòng” từ các thầy trong nhóm “Tứ hổ Nam Đàn”… đã ảnh hưởng, nuôi dưỡng và sớm giác ngộ tinh thần yêu nước, hình thành nhân cách người thanh niên Nguyễn Tất Thành - lãnh tụ kiệt xuất Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Chứng kiến nước mất, nhà tan và rất nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp theo khuynh hướng khác nhau thất bại, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi “đêm trường nô lệ”. Năm 1911, Người đã rời cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định sang phương Tây để tìm con đường giải phóng dân tộc. Sau quá trình bôn ba khắp bốn biển năm châu, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu chuyển biến trong nhận thức và tư tưởng. Người tìm thấy trong Chủ nghĩa Mác - Lênin phương pháp biện chứng, con đường đánh đổ ách thống trị đế quốc, giải phóng đất nước, dân tộc Việt Nam. Người nhận thức:“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta”. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Do đó, Người nói: “Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”[1]. Người đã là một học trò xuất sắc, kế thừa và phát triển lý tưởng của những người thầy lên tầm cao mới, góp phần phát triển văn hóa nhân loại. Nhà thơ Liên Xô, Ô-xíp Man-đen-xtam đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là nền văn hoá tương lai... Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”[2]. Bác đã được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa kiệt xuất.
Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhân dân Việt Nam, đồng thời Người cũng đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng những người cùng khổ và bị áp bức trên toàn thế gian. Người đau xót trước cảnh những người dân nghèo quê hương gầy guộc, rách rưới, khổ đau sống lầm lụi khiếp đời nô lệ. Và, cũng với nỗi đau đó, Nguyễn Ái Quốc đã khóc khi nhìn thấy những người nô lệ da đen ở bờ biển Đa-ca bị bọn thực dân giết hại, hoặc khi nghe tin một người da trắng Ai-len yêu nước bị chết trong nhà tù của bọn thực dân. Người đã khóc khi nghe tin đồng bào bị quân thù giết hại, khi nghe tin nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong chiến đấu. Tình cảm của Người đối với nhân loại được nhà thơ Tố Hữu viết:“Bác ơi! Tim Bác mênh mông quá/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người luôn luôn có các phương pháp tinh tế và phù hợp để giải quyết những vấn đề cụ thể, cứng rắn và kiên định về nguyên tắc nhưng mềm mại và uyển chuyển trong giải pháp, thận trọng nhưng kiên quyết, bình tĩnh nhưng khẩn trương, sâu sắc lý luận nhưng rất thực tiễn… là những biểu hiện biện chứng trong nhân cách văn hóa của Người. Năm 1945, khi vận nước đứng trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Người luôn dĩ bất biến ứng vạn biến, lãnh đạo Đảng và Nhân dân thực hiện thành công sách lược hòa để tiến. Trong bối cảnh lịch sử đầy biến động cách ứng xử khoan nhưng không nhu, nhẫn nhục nhưng không khuất phục đã tôn cao thêm nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh.
Hình ảnh nhân cách văn hóa lớn Việt Nam tỏa sáng trong con người giản dị Hồ Chí Minh được bạn bè thế giới nghiêng mình kính phục. Trong cuốn “Đối diện với Hồ Chí Minh” xuất bản tại Pa-ri, năm 1970, ông , J. Xanh-ten-ni, đại diện của Chính phủ Pháp ký Hiệp đinh Sơ bộ (6-3-1946) kể lại: Buổi làm việc cuối cùng về tinh thần và lời văn của Hiệp định kết thúc. Lễ ký được tiến hành. Hồ Chí Minh đã suy nghĩ thận trọng, nhưng cũng rất khẩn trương và quyết đoán. Để đổi lấy hòa bình, dân tộc Việt Nam đã nhân nhượng. Một trong những cố gắng cuối cùng, đêm 19-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp một thỏa thuận để cứu vãn hòa bình. Trong cuốn“Một nền hòa bình bị bỏ lở”, J. Xanh-ten-ni viết: Quả thật nước Pháp không đánh giá đúng tầm cỡ ông Hồ Chí Minh, không hiểu vai trò của ông và sức mạnh mà ông có trong tay. Với tầm nhìn chiến lược, nhân cách văn hóa lớn, Người đã cùng dân tộc Việt Nam viết nên bản hùng ca Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” năm 1954.
Năm 1965, Mỹ đưa quân và vũ khí trang bị ồ ạt xâm lược Việt Nam, Người đã kêu gọi: “Này, Tổng thống Giôn xơn - Người hãy công khai trả lời trước nhân dân Mỹ và thế giới câu hỏi này: Ai đã phá vỡ Hiệp nghị Giơ-ne-vơ – là Hiệp nghị bảo đảm độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, phải chăng quân đội Việt Nam sang xâm lược nước Hoa Kỳ hay chính phủ Mỹ đã đem quân đội Hoa Kỳ đến xâm lược Việt Nam và giết hại người Việt Nam. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa chúng ta kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác kính yêu, nhân dân Việt Nam đã anh dũng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán không khoan nhượng những quan điểm đối lập không có lợi cho sự nghiệp cứu dân, cứu nước của những người cùng thời, nhưng trong mối quan hệ cá nhân, sự hành xử đúng mực và có tình của Người đã khiến họ vị nể và kính trọng. Trong lịch sử, hiếm có những nhân vật chính trị lớn, có tên tuổi mà không có kẻ thù riêng như Hồ Chí Minh. Đối với những người cùng chính kiến, những đồng chí, Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng kiệt xuất. Với những người khác chính kiến, thậm chí đối địch, thì Hồ Chí Minh là một nhân cách với nhiều phẩm chất trong sáng và cao thượng.
Là người đứng đầu quốc gia, một lãnh tụ thiên tài nhưng đời sống thường ngày của Người vô cùng giản dị. Một người nước ngoài sau khi thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội đã tâm sự: Nơi đây không có chỗ cho sự xa hoa và, cũng không có chỗ cho sự tầm thường. Đó chính là một nhân cách văn hóa lớn - nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh. Trong điếu văn, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nghẹn ngào khi tiễn Bác về cõi vĩnh hằng: Dân tộc ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa Việt Nam.
Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng hệ thống tư tưởng, quan điểm và tấm gương đạo đức sáng ngời của Người luôn song hành cùng dân tộc. Năm 2007, Đảng ta đã phát động Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cuộc vận động đã và đang đi vào chiều sâu và có sức sống, sức lan tỏa rộng lớn. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người không chỉ là dịp để người Việt Nam lĩnh hội và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, tìm về chuẩn mực đạo đức mà còn là cơ hội để sửa mình, học làm người, làm cán bộ, học để phụng sự nhân dân, để xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Bác hằng mong ước.
[1] Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện nghiên cứu tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, H.1996, tr.152.
[2] GS. Song Thành (chủ biên): Hồ Chí Minh tiểu sử, NXB Lý luận chính trị, H.2006, tập 8, tr.130.
Thiếu tá Đặng Tuấn Long
Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Hà Nội