Tấm gương rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng và tự học suốt đời của Hồ Chí Minh là một mẫu mực về những giá trị chân, thiện, mĩ, là sự hội tụ tinh hoa văn hoá tư tưởng, đạo đức của dân tộc và nhân loại. Từ lúc thiếu niên đến phút cuối từ biệt thế giới này, từ thuở hàn vi với thân phận của một người dân mất nước, lầm than nô lệ, luôn bị bọn mật thám đế quốc theo dõi, bị tù đày, bị xử án tử hình vắng mặt đến lúc đứng trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Người vẫn luôn trọn vẹn, son sắt thuỷ chung trước sau như một với chính mình vì dân vì nước, vì lợi ích cách mạng. Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc và ai cũng được học hành.
Hồ Chí Minh căn dạy chúng ta đạo đức cách mạng không tự nhiên có, không từ trên trời sa xuống, mà do tu dưỡng bền bỉ hằng ngày để phát triển, củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tự học tập nâng cao trình độ, phải thường xuyên liên tục, diễn ra suốt đời người, nhất là cán bộ đảng viên trên mỗi cương vị chức trách được giao, không bao giờ được thoả mãn dừng lại, không tự ti giấu dốt, không kiêu ngạo huênh hoang, lên lớp rao giảng tư tưởng đạo đức cho người khác trong khi thái độ, hành vi của chính mình không thể làm gương.
Trong cơ chế thị trường, không ít cán bộ đảng viên, trong đó có cán bộ đảng viên là giảng viên, đã tìm mọi cách để lách luật, cố ý làm trái pháp luật, quy định và kỉ luật ngành, tạo mối quan hệ những người có chức có quyền để tâng bốc, xu nịnh làm hư hỏng cán bộ, nhằm có cơ hội chui sâu, leo cao, thu vén cá nhân... Cần nhất quán nhận thức rằng, cơ chế điều chỉnh thái độ hành vi của con người trước hết là các quy phạm trong quan hệ đạo đức trước khi pháp luật và kỷ luật điều chỉnh thái độ hành vi của họ… Trong đó, thường xuyên tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi cá nhân như rửa mặt hàng ngày, nhằm điều chỉnh thái độ hành vi của mình là một nội dung rất quan trọng và cần thiết. Người đứng vị trí lãnh đạo, quản lí giáo dục, thực hành giảng dạy cho học viên, cho cấp dưới nếu không thường xuyên tự giác rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu, tự đào tạo để nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là cán bộ giảng viên trong ngành sư phạm, sẽ có lúc tự mình đứng trên luật pháp, tự cho mình quyền được làm trái quy định, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái luật, vi phạm kỉ luật Đảng, kỉ luật ngành và phẩm chất đạo đức, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước mặt quần chúng, không phải cứ viết chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến”[1]. Sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cá nhân một cách thường xuyên là ở cái tâm, tích cực tự giác học hỏi nâng cao trình độ kiến thức mọi mặt cho bản thân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, trước hết ở thái độ tự giác của mỗi người không phụ thuộc vào tổ chức, vào các cuộc thi tìm hiểu, các phong trào thi đua, không chờ tổ chức hoặc người khác nhắc nhở, mà phải tự biết xấu hổ và gột rửa bản thân mình bằng thái độ, hành vi chuẩn mực mọi lúc mọi nơi. Trong tính tự giác, đòi hỏi đời sống đạo đức đó phải được thường xuyên tu dưỡng rèn luyện và thực hành liên tục, coi nó như là nguồn năng lượng sống. Tự trau dồi tu dưỡng rèn luyện, làm cho mình trong sạch, là cơ sở tiếp nhận một cách rất tự nhiên những gì tốt đẹp của cuộc sống, có thể chuyển hoá năng lượng tự thân của mình sang người khác, cảm hoá, giáo dục người khác bằng lời nói, việc làm cụ thể, thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị đạo đức cách mạng.
Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng ta triển khai sâu rộng hơn trong nhiệm kỳ qua và vẫn còn tiếp tục trong nhiều năm tới trên con đường hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Điều này đã góp phần quan trọng bổ sung, phát triển nhiều giá trị cuộc sống, nhất là giá trị tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục được phổ biến, giáo dục sâu rộng, thấm sâu trong nhận thức và tình cảm mọi người. “Đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của đạo đức trong đời sống xã hội; trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức của mỗi người… đem lại lợi ích cho mình, cho quê hương, đất nước… thấy rõ hơn cuộc vận động về đạo đức không thể là một phong trào, làm một lần là xong mà phải kiên trì, tiến hành lâu dài…”[2].
Trong những năm qua, thông qua nhiều phương thức tuyên truyền, giáo dục gắn với nhiệm vụ giáo dục đào tạo, trách nhiệm chính trị, đạo đức của đội ngũ đảng viên, cán bộ, giảng viên của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP. Hà Nội đã có chuyển biến tiến bộ rõ nét trong thái độ tinh thần tự học hỏi phấn đấu vươn lên, có quyết tâm cao hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; lối sống, phương pháp sư phạm, tác phong sinh hoạt và công tác trong quan hệ ứng xử đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ đã góp phần giúp mỗi khoa, phòng tốt đẹp hơn, mối quan hệ giữa cán bộ, giảng viên với học viên ngày càng được củng cố, phát triển. Những quan hệ tốt đẹp giữa giữa cấp trên, cấp dưới, giữa đồng chí đồng nghiệp, tình thầy trò được thắt chặt, gắn bó. Sức lan toả trong mỗi tấm gương đạo đức cán bộ đảng viên và giảng viên có ảnh hưởng tích cực trong nhận thức, tình cảm và phương pháp học tập, công tác đối với cán bộ, học viên, nhân viên của toàn trường ngày một tốt hơn...
Tuy nhiên, tính tự giác rèn luyện, tự tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, tự giác học tập nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một số cán bộ giảng viên ở trường chưa được thường xuyên, thực hành giữa nói và làm chưa thật hiệu quả, nói nhiều làm chưa nhiều, chất lượng chuyên môn có mặt ít được chú trọng trong tự bồi dưỡng; phương pháp, tác phong sư phạm có đồng chí chưa tốt, chưa thật sự khoa học; chất lượng, hiệu quả học tập, công tác chưa cao, giải quyết quan hệ cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, thầy trò, gia đình, có lúc, có nơi chưa tốt; vẫn còn biểu hiện chân trong, chân ngoài, không tự giác, thiếu cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện. Trong khi vẫn có người nhận thức chưa đầy đủ tư tưởng chỉ đạo, mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Yêu cầu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạnglà yêu cầu khách quan, cụ thể và rất cấp thiết trong điều kiện hiện nay. Để đạt được yêu cầu đó, nhất thiết phải tiếp tục nâng mức độ thường xuyên liên tục tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực hơn trong học tập, công tác, cuộc sống trong mỗi khoa, phòng, các chi bộ đảng và của toàn đảng bộ nhà trường. Tôi xin đề xuất một số lưu ý sau:
Một là, đẩy mạnh giáo dục, nêu cao tính tiền phong gương mẫu, tự giác trong các tổ chức đảng, các khoa, phòng, lớp học, từng cán bộ giảng viên và trong từng gia đình, từng con người về thường xuyên tu dưỡng rèn luyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cụ thể trong mỗi tổ chức đảng, nhất là thái độ tinh thần trách nhiệm cá nhân trong tự giáo dục, tự đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Thực hiện đúng quan điểm học đi đôi với hành, học tập đạo đức của Người thì phải gắn chặt với việc thực hành tu dưỡng rèn luyện thường xuyên và phấn đấu không ngừng để làm theo tấm gương đạo đức ấy. Nếu học mà không hành, nếu nói mà không làm thì coi như chưa học, không kiên trì và có ý chí quyết tâm thường xuyên tu dưỡng trau dồi phẩm chất đạo đức, rèn luyện tác phong lối sống hằng ngày.
Hai là, thường xuyên liên tục tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập phấn đấu theo tấm gương đạo đức Bác Hồ là phải có kế hoạch cụ thể, thiết thực, chú ý đến chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục học tập và làm theo là phải tranh thủ tác động vào nhận thức, tâm tư tình cảm và ý chí quyết tâm hành động bền bỉ của mỗi người. Thông qua sự kiên trì tự giáo dục đào tạo mà lan tỏa đến với tất cả mọi người trong cơ quan, đơn vị, gia đình, trong môi trường giáo dục, công tác ở đơn vị cơ sở. Thấu triệt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trước hết là cho bản thân, gia đình, cơ quan đơn vị mình rồi mới nói đến cho dân tộc, đất nước. Khi làm bất cứ việc gì và dù ở cương vị nào cũng đều phải nghĩ đến và phải tự soi mình vào tấm gương đạo đức của Người để có thái độ và hành vi đúng. Mỗi người phải tự thấy những chỗ thiếu hụt, khiếm khuyết của mình tự có kế hoạch sắp xếp học kết hợp với hành một cách nghiêm túc, không ngừng tu dưỡng rèn luyện, kiên quyết khắc phục những sai phạm yếu kém để vươn lên.
Ba là, cuộc vận động lớn sẽ liên tục và tiếp diễn phải kiên trì, bền bỉ, thường xuyên liên tục không ngừng, nghỉ. Mỗi cá nhân, tổ chức phải có kế hoạch cho mình để thực hành đạo đức, nhất là trong nhận thức tư tưởng, trong thái độ cư xử, trong lối sống, nếp sống sinh hoạt cá nhân ở cơ quan, đơn vị và gia đình. Làm theo đạo đức Bác Hồ thì nhiều nhưng không nên tham nội dung, học đến đâu phải thực hành đến đó. Trước hết, học ở Người đức tính kiên trì, nhẫn nại tu dưỡng rèn luyện suốt đời, học tập suốt đời, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Quan trọng nhất của đạo đức là biểu thị thái độ hành vi trong đời sống hiện thực, được thể hiện trong học tập, lao động, trong lãnh đạo, chỉ huy, ứng xử với mọi người, với tập thể và cộng đồng xã hội, nhất là nơi mình sống và công tác. Tổ chức đảng các cấp phải tiến hành đồng bộ các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, quản lí, giám sát, kiểm tra việc thực hiện của cán bộ, đảng viên, duy trì thường xuyên tự tu dưỡng, phấn đấu học tập, rèn luyện đạo đức và năng lực công tác của cá nhân, có cơ chế để quần chúng giám sát hành vi, thực thi đời sống đạo đức và tự học tập nâng cao trình độ của cán bộ đảng viên ở nơi ở và nơi làm việc.
--------------------------------------
[1] . Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H.2000, tr.552.
[2] . Tạp chí Cộng sản số 820 (2-2011), Tô Huy Rứa, “Phát huy kết quả bước đầu, khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong những năm tới”, tr.63-64.
ThS. Nguyễn Danh Phú
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội