Những người làm công tác dân vận rất may mắn khi được thừa hưởng di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác này. Suốt đời hy sinh cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước, hạnh phúc cho nhân dân, cho nên Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính vì thế, ngoài những quan điểm tư tưởng về Dân rải rác trong các bài nói, bài viết, bức điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết riêng hẳn một bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật ngày 15-10-1949, ký bút danh X.Y.Z. Bài báo chỉ dài có hơn 900 chữ, nhưng đã khái quát một cách sâu sắc, súc tích, ngắn gọn, đầy đủ những vấn đề liên quan đến công tác dân vận: thể chế Nhà nước ta (cơ sở lý luận và thực tiễn công tác dân vận), định nghĩa “dân vận là gì?”, ai là những người làm công tác dân vận và dân vận phải thế nào?
Gần 70 năm qua, kể từ sau khi bài báo “Dân vận” ra đời, công tác dân vận đã có cơ sở vững chắc, luôn luôn đi đúng hướng, đúng đối tượng, đúng phương pháp, đạt hiệu quả cao trong quá trình tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phong trào cách mạng của Đảng. Tuy nhiên, cho đến nay, do nhiều nguyên nhân, mặc dù Đảng, Nhà nước ta ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định, chính sách, pháp luật về công tác vận động quần chúng, nhưng công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác dân vận hiện nay: “Việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận còn chưa kịp thời, kém hiệu quả; chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, thành phần dân cư, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân...để có chủ trương, chính sách phù hợp. Việc thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận chưa kịp thời, nhất là cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận chưa được quan tâm đúng mức. Một số chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, nhiều bức xúc chưa được giải quyết; quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”. Đáng chú ý là một số hạn chế, khuyết điểm nói trên có nguyên nhân từ việc không quán triệt, thực hiện đến nơi đến chốn những nhiệm vụ, nội dung rất cụ thể, rõ ràng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra trong bái báo “Dân vận”. Chẳng hạn, “việc giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng”, “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân” ở nhiều nơi đã bỏ qua hoặc làm chưa tốt. Không phải ở đâu, chỗ nào “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (...) đều phụ trách dân vận”. Một “khuyết điểm to” ở nhiều nơi chẳng những không được sửa chữa, khắc phục cho nó “nhỏ” hơn đi so với thời kỳ 1949 mà ngược lại nó “to” hơn, trầm trọng hơn nhiều. Đó là ở nhiều nơi “xem kinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.
Đặc biệt, trong bài báo “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra tiêu chuẩn của “Những người phụ trách dân vận” cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Có thể hiểu các tiêu chuẩn đó là gì? Phải chăng là:
“Óc nghĩ” thể hiện trí tuệ của cán bộ dân vận. Muốn vận động được quần chúng, nhân dân thì cán bộ phải hiểu biết đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; cần hiểu lý luận cách mạng và thực tiễn cách mạng nước nhà. Người cán bộ dân vận cần phải có năng lực tổ chức, tập hợp dân chúng để thực hành những công việc mà Đảng, Chính phủ giao cho. Người đi giáo dục, trước hết phải được giáo dục.
“Mắt trông” có nghĩa là phải có con mắt quan sát thực tiễn. Không thể “nhắm mắt nói mò” càng không thể ngồi một chỗ rồi “phán”. Có một vấn đề mà cán bộ quan liêu hay mắc phải là, vì bệnh thành tích cho nên có khi cấp dưới “làm thì láo, báo cáo thì hay”, cho nên người cán bộ có trách nhiệm với dân cần luyện cho mình có con mắt tinh đời để biết được đâu là sự thật, đâu là giả được “bày binh bố trận” để che mắt cấp trên. Cần luôn luôn nhớ rằng, “trăm nghe không bằng một thấy”.
“Tai nghe” là quan trọng. Khi cán bộ xuống thực tế thì nghe những ai? Rõ ràng là phải nghe những người có trách nhiệm trong cấp ủy, chính quyền các cấp báo cáo. Đồng thời, điều quan trọng nhất thiết không thể bỏ qua là cần phải nghe được tiếng nói của quần chúng, nhân dân. Điều này dễ thì thật là dễ nhưng cũng thật là khó. Cán bộ làm thế nào tiếp cận được với dân thường, với “thấp cổ bé họng” trong khi họ bị “bổ vây” tầng tầng lớp lớp cán bộ địa phương cơ sở. Khi tiếp cận được rồi thì làm sao “khéo” gợi chuyện, “khéo” khai thác để dân chúng nói ra những điều bức xúc về những điều xung quanh. Người dân thường “trông mặt mà bắt hình dong”, không phải với cán bộ nào họ cũng sẵn sàng nói ra tâm tư tình cảm, nguyện vọng của mình đâu!
“Chân đi” là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ. Họ không thể ngồi một chỗ để viết báo cáo, ra mệnh lệnh, cũng như ngày nay không thể “ngồi trong phòng lạnh” để xây dựng nghị quyết, chính sách. Cán bộ cần phải thường xuyên sâu sát cơ sở, thực tiễn, gắn bó với nhân dân thì khi về xây dựng nghị quyết, chính sách mới sát dân. Khi đã có nghị quyết, chính sách đã ban hành lại cần phải đi xem nghị quyết ấy, chính sách ấy có vào cuộc sống hay không, người dân có tiếp thu, ứng dụng nổi hay không. Không phải chỉ đi những chỗ quen thuộc, dễ dàng, những nơi cán bộ địa phương, cơ sở đã “chọn sẵn”, bố trí sẵn rồi mà phải xuống những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo, đi đến cả chỗ yếu kém, cả chỗ tốt... thì mới có “bức tranh” toàn diện. Nhiều khi đi đến những chố không cần báo trước.
“Miệng nói” ở đây không nhất thiết phải có bài có bản, “con cà con kê”, “tràng giang đại hải”, không phải để khoe kiến thức của mình, không nói những điều người dân không biết, không hiểu gì mà nói mang tính giải thích cho dân hiểu rõ rằng, việc đó có lợi cho dân, cho phong trào, cho cách mạng...Nói để người dân hiểu được rằng, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. “Miệng nói” còn có nghĩa là cán bộ cần bàn bạc, thảo luận với dân, hỏi ý kiến, kinh nghiệm của dân rồi cùng dân đề ra kế hoạch một cách thiết thực để đạt cho được mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Người ta thường nói rằng, con người có hai cái chân, hai cái tay, hai con mắt, hai cái tai nhưng lại chỉ có một cái miệng là có lý của nó. Phải đi đến tận nơi, sờ tận tay, nhìn tận mắt, hai tai phải nghe thấu rồi óc phải suy nghĩ rồi mới nói. Phải uốn lưỡi 3 lần trước khi nói.
“Tay làm”. Nói giỏi, nói hay, nói nhiều mà không biết làm là hạn chế, khuyết điểm của nhiều cán bộ khi đi thực tế, xuống với dân. Nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều là tác phong của cán bộ dân vận. Ở nhiều nơi, cán bộ đến với dân phải cầm tay, chỉ việc, nói như Bác Hồ thì “Họ phải thật thà nhúng tay vào việc” chứ không được làm giả vờ, làm chiếu lệ để quay phim, chụp ảnh đưa lên báo chí. Vấn đề đặt ra cho cán bộ là khi xuống với đồng bào, cán bộ có làm được những công việc mà đồng bào yêu cầu không.
Sáu giác quan trong công tác dân vận nói trên cần phải kết hợp chặt chẽ với nhau, tạo ra một thể thống nhất trong con người cán bộ. Cán bộ không thể chỉ chọn một vài trong sáu tiêu chí đó mà phải đáp ứng cả sáu tiêu chí, nhất là không thể chỉ nói mà không làm. Đối chiếu sáu tiêu chí nói trên với đạo đức, tác phong, việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi lần xuống với đồng bào, chúng ta vô cùng cảm phục tấm gương dân vận khéo ở Người. Trong bất kể bối cảnh, điều kiện, công việc gì, phong tục tập quán...của đồng bào, Bác Hồ đều am hiểu một cách sâu sắc, tác phong rất gần gũi đậm tình con người với con người, không có khoảng cánh giữa một lãnh tụ với người dân thường; đặc biệt thao tác rất thành thạo những công cụ lao động sản xuất như một “lão nông tri điền”, như một người thợ lành nghề thực thụ. Với phẩm chất, tác phong của mình, cùng với nghệ thuật “Dân vận khéo” cho nên việc dù khó khăn đến mấy, Người cũng cảm hóa, vận động thành công!
Vũ Lân