Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình

Theo Người: "Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau"1. Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng của Bác là phải có quan điểm toàn diện, phải chú ý cả ưu điểm và khuyết điểm, phải kết hợp chặt chẽ cả hai mặt tự phê bình và phê bình. Điều này tưởng như đơn giản, nhưng trước kia cũng như hiện nay, đã có không ít cán bộ, đảng viên thường tiến hành phê bình một cách phiến diện, chỉ nêu khuyết điểm mà ít chú ý ưu điểm của đồng chí; chỉ đi phê bình người, mà ít quan tâm tới tự phê bình mình. Đây là căn bệnh phải kiên quyết khắc phục. Song, để khắc phục được nó, chắc chắn phải là một quá trình đấu tranh lâu dài, đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên phải có ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm rất cao.

Sinh thời, Bác Hồ kịch liệt phê phán thái độ "dĩ hòa vi quý", e dè nể nang, che dấu khuyết điểm, ngại đấu tranh phê bình. Người luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chống thói "trước mắt thì nể, kể lể sau lưng". Người đã phân tích một cách sâu sắc, sinh động về thái độ nể nang, né tránh đấu tranh phê bình và tự phê bình rằng: "Nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí  mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào tự bỏ thuốc độc cho mình!"2. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, thái độ e dè, nể nang, né tránh tự phê bình và phê bình vẫn còn tồn tại ở một số đảng bộ, chi bộ. Nhìn chung, đảng viên ngại phê bình cán bộ và cán bộ cấp dưới ngại phê bình cán bộ cấp trên. Cá biệt, có trường hợp, cán bộ cấp dưới chẳng những không phê bình cán bộ cấp trên, mà còn nịnh nọt, tâng bốc cán bộ cấp trên để nhằm vụ lợi. Thực tế ở đại hội đảng bộ các cấp vừa qua cho thấy, thái độ né tránh tự phê bình và phê bình còn diễn ra ở một số đảng bộ, chi bộ. Đặc điểm nổi lên là, báo cáo chính trị của một số đại hội chủ yếu trình bày thành tích, ưu điểm, mà ít chú ý tới thiếu sót, khuyết điểm. Không khí thảo luận ở một số đại hội còn xuôi chiều, tán dương thành tích, tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình còn hạn chế.

Để tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả thiết thực, Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về mục đích, ý nghĩa của việc tự phê bình và phê bình. Người đã nhiều lần nhấn mạnh, tự phê bình và phê bình là để cho mọi người học tập ưu điểm của nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cùng nhau đoàn kết thống nhất, cùng nhau tiến bộ, trưởng thành. Theo Người, muốn đạt được mục đích cao đẹp nêu trên, thì khi tiến hành tự phê bình và phê bình, mỗi người cán bộ, đảng viên phải có động cơ, thái độ và phương pháp phê bình đúng; đồng thời, phải luôn gương mẫu trong thực hiện tự phê bình và phê bình. Người đã nhiều lần xác định, động cơ phê bình đúng là động cơ trong sáng, thái độ chân tình, hết lòng vì sự tiến bộ của đồng chí. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên: "Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật - mục đích là cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng"3.

Về phương pháp phê bình đúng, Người chỉ rõ, cách phê bình phải sao cho "thấu lý, đạt tình", "Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa"4. Thực tế tiến hành tự phê bình và phê bình ở nhiều đảng bộ, chi bộ đã khẳng định rằng, chỉ có động cơ trong sáng, thái độ chân tình, mềm dẻo, lời lẽ thuyết phục, thì tự phê bình và phê bình mới đem lại hiệu quả cao.

Người khuyên cán bộ, đảng viên phải có thái độ tiếp thu phê bình đúng mực, khi bị phê bình "phải vui lòng nhận xét để sửa đổi" và không vì bị phê bình mà "nản chí hoặc oán ghét". Theo Người, điều quan trọng là phải thành tâm sửa hết khuyết điểm và có nhiều biện pháp khắc phục hết sai lầm. Tiếp thu phê bình là khâu cuối cùng của quá trình tự phê bình và phê bình. Chúng ta đều biết rằng, cho dù có nội dung phê bình đúng, có động cơ phê bình tốt, có phương pháp phê bình hay, nhưng cán bộ được phê bình không thành thật tiếp thu, không tự giác sửa chữa khuyết điểm, thì phê bình không thể đạt được kết quả. Chính vì thế, tiếp thu phê bình đúng mực là vấn đề cực kỳ quan trọng. Để tiếp thu phê bình đúng mực, cán bộ, đảng viên được phê bình phải thực sự cầu thị, cầu tiến bộ, phải nghiêm khắc tự đấu tranh với bản thân mình để vừa loại bỏ tính chủ quan, bảo thủ; vừa loại bỏ tính tự ti, nản chí. Đối với đảng bộ, chi bộ, phải có lòng khoan dung, độ lượng, tìm mọi cách để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm. Đặc biệt, phải kịp thời cổ vũ động viên, trân trọng với những bước tiến nhỏ của cán bộ, đảng viên có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm. Thực hiện tốt các vấn đề trên, thì nhất định cán bộ, đảng viên sẽ tiếp thu phê bình đúng mực, hiệu quả tự phê bình và phê bình sẽ được nâng cao.

Khi tiến hành phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên phải bình tĩnh, lời lẽ rõ ràng, nhẹ nhàng, tinh tế. Bất kỳ cán bộ cấp nào, khi tiến hành phê bình cũng không được dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc và phải chú ý chỉ phê bình việc làm sai, chứ không phê bình con người. Đặc biệt, trong tiến hành phê bình, chúng ta kiên quyết phản đối thái độ thiếu xây dựng, thái độ "đao to búa lớn", "truy chụp vu cáo", lợi dụng phê bình để moi móc, công kích. Khi tự phê bình và phê bình, mọi cán bộ, đảng viên cần chú ý chỉ rõ nguyên nhân thiếu sót, khuyết điểm; đồng thời, nêu rõ những biện pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục. Trên cơ sở thực hiện được tự phê bình và phê bình như vậy, nhất định đảng viên sẽ tiến bộ, tổ chức đảng sẽ vững mạnh, trưởng thành.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Đảng đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện toàn diện. Trong đó, vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hiện có hiệu quả tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết để góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ mới.

-----

(1) (2) (3) (4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2000, tập 5, tr.267, 261, 261, 244.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất