Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đặt ra đòi hỏi khách quan phải giữ vững và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là tài sản vô cùng quý báu đối với cách mạng Việt Nam. Nhận thức đúng đắn tư tưởng đó của Người là cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình góp phần quan trọng giữ vững và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Hồ Chí Minh cho rằng Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[1]. Chính vì thế mà dân là gốc của nước, của cách mạng. Đặc biệt, từ khi giành được chính quyền, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền thì vai trò quyết định của nhân dân càng được Người khẳng định: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”[2], “Nước lấy dân làm gốc”. Nhân dân luôn được đặt ở vị trí cao nhất trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, bởi “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”[3]. Vì vậy, đối với Đảng ta phải luôn lấy lợi ích của nhân dân, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu để phấn đấu.
Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, nhân dân cần đến Đảng là người dẫn lối, soi đường. Nhiều lần Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đặc biệt trước lúc đi xa, trong Di chúc Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[4]. Theo Hồ Chí Minh, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Dân sẽ tạo ra cơ sở chính trị - xã hội vững chắc cho Đảng, quyết định đến thành bại của sự nghiệp cách mạng.
Để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, trước hết theo Hồ Chí Minh, Đảng phải biết ý kiến của dân chúng. Biết ý kiến của dân chúng là biết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, trên cơ sở đó mà Đảng có những quyết sách hợp lòng dân, đáp ứng lợi ích chính đáng của nhân dân. Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân còn đặt ra yêu cầu Đảng phải học dân chúng. Theo Hồ Chí Minh thì Đảng cũng ở trong xã hội, “Đảng không phải ở trên trời rơi xuống”. Thực tiễn cách mạng đã chứng minh rằng, Đảng ta vĩ đại là bởi chúng ta có người thầy vĩ đại đó là nhân dân. Học hỏi dân chúng không chỉ thể hiện thái độ khiêm tốn của một Đảng cách mạng chân chính mà đó còn là cơ sở để Đảng mãi được nhân dân tin yêu, kính trọng, là ngọn cờ dẫn lối, soi đường cho nhân dân. Cùng với biết ý kiến của dân chúng, học dân chúng, Đảng phải nâng cao dân chúng. Nâng cao dân chúng vừa là trách nhiệm, cũng vừa là nhu cầu của Đảng. Đảng muốn lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng phải nâng cao cơ sở xã hội của mình. Trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả của việc nhân dân tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Đồng thời, nâng cao dân chúng cũng chính là nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong tình hình hiện nay phải tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đặc biệt, phải bảo đảm cho nhân dân tham gia tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” có hiệu quả trên thực tế.
Trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên phải dựa chắc vào quần chúng. Quần chúng giúp Đảng đánh giá đúng đắn chỗ mạnh, chỗ yếu của cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có đức, vừa có tài, “có tinh thần đoàn kết, hợp tác, ý thức tổ chức kỷ luật cao và phong cách làm việc khoa học, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”[5]. Kiên quyết đấu tranh và “có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương”[6].
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức công tác vận động quần chúng theo hướng bảo đảm thiết thực, đi sâu, đi sát cơ sở. Đặc biệt, trước sự chống phá của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân cần đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, vạch trần âm mưu thủ đoạn thâm độc của chúng để bảo vệ Đảng, chế độ, tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Thực tiễn cách mạng đã chứng minh sức mạnh vô địch của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân theo Tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề chiến lược. Đó chính là kinh nghiệm, truyền thống của Đảng ta, đồng thời, đúng như Đảng ta khẳng định: “Sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân là cội nguồn của sức mạnh, là cái gốc của thắng lợi, là tài sản quý báu của Đảng”[7].
ThS. Đỗ Thị Thu Hà
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2000, tập 8, tr.276.
[2] Sách đã dẫn (Sđd), tập 5, tr.293.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, NXBCTQG, H.2006, tr.293.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXBCTQG, H.2011, tr.262.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, NXBCTQG, H.2006, tr.304.