Quan liêu là một trong những căn bệnh rất nguy hại đến đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Nó được ví như giặc nội xâm làm suy yếu Đảng và đạo đức cách mạng của Đảng. Theo Người, “Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng không nắm vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu sát, không hiểu lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”.
Bệnh quan liêu thường xuất hiện ở hai đối tượng: Đối tượng thứ nhất là những đảng viên, cán bộ không giữ hoặc giữ chức vụ thấp trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước; đối tượng thứ hai là những đảng viên, cán bộ nắm giữ chức vụ quan trọng trong tổ chức Đảng và Nhà nước. Những cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này thường không đi sâu, đi sát phong trào, không nắm được tình hình cụ thể của địa phương, của ngành mình, không gần gũi, lắng nghe và học hỏi nhân dân; thích ngồi bàn giấy, “chỉ tay năm ngón”, “đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình”; cái gì cũng chung chung, đại khái, không có biện pháp cụ thể để giải quyết công việc; rất sợ phê bình, không giữ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách, ngại tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, với cấp dưới nhưng lại hay áp đặt ý kiến cá nhân hoặc buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, hay vi phạm lỷ luật, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân.
Theo chức trách, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên gần gũi, quan tâm tới đời sống của quần chúng, vui cái vui của quần chúng khi thoát cảnh đói nghèo, được học hành, chữa bệnh; trái tim họ phải quặn đau trước nỗi đau của dân trước cảnh mất mùa thiên tai, dịch bệnh… Nhưng, những người mắc bệnh này thì không có phẩm chất ấy. Họ không chỉ ngại khó khăn, gian khổ, mà còn chẳng đoái hoài đến nhân dân, không hiểu thấu tình cảnh, tâm tư của nhân dân. Với họ, việc gì cũng dùng mệnh lệnh, rất ngại tuyên truyền, giáo dục cho dân hiểu thấu và làm theo chính sách của Đảng và Chính phủ. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, cũng biết, họ không chịu lắng nghe, học hỏi quần chúng nên không việc nào mà họ vạch ra phù hợp với thực tế, với nhu cầu của nhân dân. Những cán bộ mắc phải bệnh quan liêu thì “có mắt mà không thấu suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”. Như vậy bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Ở đâu có bệnh quan liêu nặng thì ở đó tham ô, lãng phí nhiều. Quan liêu tiếp tay cho cán bộ yếu kém, thoả hiệp với những kẻ xấu làm tổn hại tới sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nó làm băng hoại đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Quan liêu, mệnh lệnh nó vô hình trở thành một bức tường ngăn cách, tách rời Đảng, Chính phủ với nhân dân, tách rời lợi ích của nhân dân với chính sách của Đảng và Nhà nước. Quan liêu làm “biến dạng” các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước, làm cho những tổ chức này xa dân, đứng trên nhân dân và có những chủ trương, chính sách không sát hợp lòng dân, thậm chí đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Kết quả là “quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ có khi không thấu đến quần chúng hoặc bị thi hành lệch lạc, kết quả là hỏng việc lại mất lòng người.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bệnh quan liêu do xuất phát cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan tạo nên. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính, do bản thân cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước “khinh nhân dân”, “sợ nhân dân”, “không tin cậy nhân dân”, “không hiểu biết nhân dân”, “không yêu thương nhân dân” và “không biết liên hợp với nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần kêu gọi và phát động cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Người chỉ ra, chống quan liêu có hai ý nghĩa quan trọng: làm cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, để nâng cao đời sống của nhân dân; giúp cán bộ, đảng viên ta giữ gìn phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Chống quan liêu là một việc làm có tổ chức, theo phương châm lấy giáo dục, bồi dưỡng là chính, làm cho người phạm lỗi có dịp để thật thà… Đồng thời có kỷ luật thích đáng đối với những kẻ ngoan cố, không chịu ăn năn sửa chữa; khuyến khích những người tốt càng tận tụy và gương mẫu trong việc phục vụ nhân dân. Phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu… làm cho nó hết chỗ ẩn nấp.
Quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức cách mạng, chống quan liêu, cần phải thực hiện một số giải pháp cơ bản, cụ thể sau:
Một là, phải thường xuyên tiến hành tốt công tác tư tưởng. Bởi vì, nhận thức tư tưởng của mỗi cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, quần chúng có thông suốt thì mới có thể tiến hành đấu tranh chống quan liêu thắng lợi. Khi mọi người đã hiểu toàn diện thì tiếp tục làm cho mọi người hiểu cụ thể và sâu sắc hơn, rồi tiến đến tổ chức kiểm thảo chung trong toàn cơ quan, đơn vị để giải quyết các vấn đề, giải quyết thắc mắc, chỉ rõ khuyết điểm, biểu dương những tập thể và cá nhân làm tốt. Cán bộ cao cấp, chủ chốt phải thật thà tự kiểm điểm để làm gương, thật thà báo cáo tình hình của đơn vị, cơ quan mình. Trong đấu tranh chống quan liêu, phải lấy giáo dục là chính..
Hai là, phải dựa vào quần chúng nhân dân, phát động quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh chống quan liêu. Cũng như mọi công việc khác, việc đấu tranh chống quan liêu phải phát động, động viên, tổ chức quần chúng tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng.
Ba là, đẩy mạnh và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý kỷ luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Không có kiểm tra tức là không có lãnh đạo. Kiểm tra giúp cấp uỷ, chính quyền nhìn thấy hết mọi mặt chấp hành nghị quyết, thấy ai làm đúng, ai làm sai, ai làm qua loa chiếu lệ. Kiểm tra được ví như ngọn đèn pha, bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ chúng ta đều thấy rõ.
Bốn là, thường xuyên chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng ta là đảng cầm quyền nên hầu hết các cương vị chủ chốt, các lĩnh vực quan trọng trong bộ máy Nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội đều do đảng viên đảm trách. Nếu ai biết tự giác tu dưỡng, rèn luyện không ngừng vươn lên, thì không những nâng cao được khả năng “miễn dịch” trước mọi cám dỗ, góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” và làm cho đạo đức cách mạng ngày càng trong sáng hơn.
Hoàng Quốc Tuấn (Học viện Hậu cần)
Tống Văn Tập (Học viện Chính trị)