Nâng cao tính định hướng đối với báo chí điện tử theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Bất kỳ một tờ báo chính trị nào cũng đều có tính định hướng, tức là xu hướng chính trị của tờ báo. Báo chí nước ta giữ vai trò là người tuyên truyền, cổ động, người tổ chức tập thể, một trong những động lực của phong trào cách mạng, đội quân tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng càng không thể tách rời yếu tố định hướng chính trị - tư tưởng.
Đến cuối năm 2009, cả nước ta có 706 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh-truyền hình, 21 báo điện tử, 160 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí in và hàng ngàn trang tin điện tử của các cơ quan đảng, nhà nước và các đoàn thể, hội, hiệp hội, các doanh nghiệp. Hầu hết các cơ quan báo chí đã bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các sự kiện lớn, đáp ứng tốt quyền được thông tin của nhân dân. Đồng thời, báo chí thực hiện tốt chức năng là diễn đàn của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, kịp thời phát hiện và biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến. Điều đáng ghi nhận là phần lớn các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tôn chỉ, mục đích, ngày càng thể hiện rõ tính chuyên nghiệp cũng như đạo đức nghề nghiệp. Nhiều cơ quan báo chí đã năng động, tích cực trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác, tích cực đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”, phản bác các quan điểm sai trái… Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan báo chí và nhà báo có những biểu hiện chưa nghiêm túc trong quá trình thực hiện Luật Báo chí, làm giảm hiệu quả thông tin báo chí, ảnh hưởng không tốt đến kỷ cương xã hội; vẫn còn một số cơ quan báo chí, nhất là báo chí điện tử thông tin không chính xác, thiếu nhạy cảm về chính trị; một số báo chí điện tử còn nặng thông tin về tiêu cực, có nhiều tin bài chạy theo thị hiếu tầm thường để “hấp dẫn” người đọc, ít chú ý đến việc phát hiện, cổ vũ, biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số báo chí điện tử còn sơ hở trong sử dụng lại tin bài của nước ngoài, có báo còn đăng cả những thông tin mật của Nhà nước, những bí mật kinh tế liên quan đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, cần tăng cường công tác định hướng thông tin của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo về báo chí đối với báo chí nói chung, báo chí điện tử nói riêng và đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.  
Chủ tịch Hồ Chí Minh được những người làm báo cách mạng Việt Nam suy tôn là nhà báo cách mạng bậc thầy. Tư tưởng và những chỉ dẫn của Người luôn là định hướng soi đường cho báo chí cách mạng nước ta. Người từng chỉ rõ  “... Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”(1). Người cho rằng: "Cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng"(2); và như thế “nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”(3).
Theo tư tưởng của Người, chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với một vấn đề, mọi người bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân lý đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Để thực hiện được chân lý đó, phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên, các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Muốn vậy, cần tiếp tục nâng cao tính định hướng chính trị trong hoạt động báo chí. Hiện nay, ở một số báo điện tử cần khắc phục xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, coi nhẹ chức năng chính trị tư tưởng của báo chí cách mạng; thiếu nhạy bén chính trị, có khuynh hướng "thương mại hoá" đơn thuần, chạy theo thị hiếu tầm thường, nặng thông tin về những hiện tượng tiêu cực, yếu kém, mặt trái của xã hội, thổi phồng, khoét sâu vào các thiếu sót, khuyết điểm, làm "nóng" lên một số vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, của các ngành, địa phương. Tránh thông tin sai sự thật, suy diễn chủ quan, khi biết sai không cải chính hoặc cải chính không nghiêm túc; khai thác và sử dụng thông tin của báo chí nước ngoài thiếu chọn lọc, trái với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, truyền thống văn hoá của dân tộc… Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, công tác lãnh đạo, quản lý báo điện tử cần tập trung vào một số vấn đề sau:    
1. Cần lãnh đạo, quản lý hệ thống báo chí điện tử bảo đảm đúng định hướng chính trị tư tưởng.      
Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý hệ thống báo chí điện tử. Định hướng chính trị tư tưởng có ý nghĩa như “kim chỉ nam” dẫn đường mọi hoạt động. Báo chí nước ta là báo chí xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, gắn liền với dân chủ XHCN, không phục vụ mục đích, quyền lợi của riêng một cá nhân, lực lượng nào nên không thể tách rời yếu tố định hướng chính trị tư tưởng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: Tăng cường sự lãnh đạo của đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong các cơ quan báo chí. Khắc phục những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, nhất là xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thị hiếu thấp kém, vì lợi ích vật chất cá nhân cục bộ(4). Định hướng chính trị tư tưởng đối với báo chí điện tử phải báo đảm một số vấn đề cơ bản sau: 
        - Phải thông tin nhanh, trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới.  
       - Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hoá, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới theo đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, góp phần nâng cao kiến thức, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát triển nền dân chủ XHCN, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng cơ sở vật chất cho thời kỳ quá độ lên CNXH và bảo vệ Tổ quốc.      
       - Phản ánh kịp thời và hướng dẫn dư luận xã hội; là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân.
        - Phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác.    
        - Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.      
        Để bảo đảm định hướng chính trị tư tưởng đối với hệ thống báo chí điện tử, công tác lãnh đạo, quản lý cần tập trung thực hiện một số vấn đề sau:  
         Một là, ban hành văn bản hướng dẫn và những quy định cụ thể phù hợp thực tiễn; cung cấp thông tin định hướng về hoạt động chính trị, kinh tế-xã hội lớn của đất nước để báo chí điện tử có căn cứ thực hiện. Hai là, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo nói chung, báo chí điện tử nói riêng, nhất là tổng biên tập, phó tổng biên tập, những người trực tiếp quyết định chất lượng cũng như tính định hướng của báo chí điện tử. Ba là, xây dựng, quản lý tốt quy trình làm báo chí điện tử, bảo đảm vừa tạo điều kiện cho phóng viên, biên tập viên tác nghiệp thuận lợi, nhanh nhạy, vừa bảo đảm quy trình duyệt tin bài của người có trách nhiệm trong cơ quan báo chí (tổng biên tập hoặc phó tổng biên tập được uỷ quyền). Bốn là, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản trong việc định hướng chính trị tư tưởng cho báo chí điện tử.
2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền, xây dựng phong cách làm việc theo hướng chuyên môn hoá cao.
Định hướng chính trị tư tưởng được thể hiện bằng chất lượng thông tin của báo chí nói chung, trong đó có báo chí điện tử. Điều này đặt ra vấn đề cần nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ. Muốn vậy, báo chí điện tử cần có sự chuyên môn hoá cao. Chuyên môn hoá của báo chí điện tử tập trung ở một số vấn đề cơ bản sau: Thứ nhất, mỗi tờ báo phải bám sát tôn chỉ, mục đích của mình để có bản sắc riêng, tránh sa đà, thương mại hoá, thông tin dàn trải, sao chép, xa rời định hướng. Thứ hai, mỗi tờ báo phải xây dựng hệ thống tổ chức, xác định số lượng chuyên mục, trang chuyên đề… cho phù hợp. Trên cơ sở đó, có sự phân công, phân cấp đội ngũ phóng viên, biên tập viên theo những phòng, ban chuyên đề, bộ phận công tác nhất định, có tính chuyên sâu.
3.  Phát triển cơ sở hạ tầng kĩ thuật và nghiệp vụ.
Yếu tố làm nên tính ưu việt của báo chí điện tử chính là khoa học-công nghệ, song những hạn chế, khuyết điểm của báo chí điện tử cũng có nguyên nhân từ yếu tố này. Để báo chí điện tử phát triển cơ sở hạ tầng kĩ thuật, nghiệp vụ cần tập trung vào một số vấn đề chính sau:
    - Có biện pháp để sớm “chuẩn hoá” một số tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho một tờ báo điện tử hoạt động.   
     - Mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm với nước ngoài về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật và quản lý báo chí điện tử.  
     - Có biện pháp quản lý tên miền, bản quyền tên và thiết kế báo, bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống báo chí điện tử.  
     - Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên, nhanh chóng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí điện tử có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ và kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm chủ được hệ thống hạ tầng hiện đại.
 ------------
(1): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, H. 2.002, tập 9, tr. 414.
(2): Sđd, tập 11, tr.441.  
(3): Sđd, tập 9, tr.415.
(4): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, NXB Chính trị quốc gia, H. 2006, tr.285.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất