Năm nay chúng ta kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong niềm vui công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã và đang thu được nhiều thắng lợi, trong đó có công sức đóng góp không nhỏ của nền báo chí cách mạng. Bác Hồ là người thầy báo chí cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người luôn luôn mới với chúng ta.
Với tư cách là người làm báo lâu năm, lại vinh dự nhiều lần được nghe Bác huấn thị, được đọc, được tìm hiểu tư tưởng của Bác về công tác báo chí cách mạng và lại có những giai đoạn được quản lý báo chí, tôi xin đề cập một khía cạnh mà tôi cho là quan trọng, mãi mãi quan trọng, nhất trong tình hình hiện nay “còn mang tính thời sự”, về một số lời khuyên của nhà báo bậc thầy Hồ Chí Minh với các nhà báo Việt Nam về quá trình thu thập thông tin và xử lý thông tin để hình thành các tác phẩm báo chí có chất lượng cao.
Theo tôi hiểu, quá trình hình thành các bài báo là quá trình xử lý thông tin và công bố thông tin. Nhưng muốn xử lý thông tin chính xác, đúng đắn, trước hết lại phải có nguồn thông tin qua quá trình thu thập thông tin của một nhà báo. Nhiều nhà báo có uy tín trong nước và thế giới đều cho rằng, một nhà báo giỏi bao giờ cũng rất giỏi thu thập thông tin, thậm chí cho rằng cả cuộc đời làm báo là cuộc đời thu thập thông tin. Ít nguồn thông tin và bản lĩnh chưa vững của nhà báo thường được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm cho bài báo kém chất lượng, thậm chí sai lạc.
Đọc các giáo trình giảng dạy về báo chí hoặc các phát biểu về nghiệp vụ của các nhà báo có uy tín thường có nội dung hướng dẫn các nhà làm báo cách thu thập thông tin. Phương pháp, kinh nghiệm thu thập thông tin ngày càng phong phú, với công nghệ ngày càng hiện đại và rất bổ ích với người làm báo trong quá trình đổi mới và hội nhập, giao lưu quốc tế.
Trước khi đề cập vấn đề thu thập thông tin, tôi muốn đề cập tới lời khuyên quan trọng và cơ bản của Bác Hồ về công bố thông tin, khi Người căn dặn: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. “Biết” theo từ điển tiếng Việt, là “nhận rõ thực chất”, tức là phải hiểu đến bản chất sự việc mới nói và viết, nghĩa là thông tin tuy luôn luôn cần nhanh, kịp thời nhưng phải được tìm hiểu, phân tích sâu sắc trước khi công bố; không thể làm việc vội vàng, hời hợt hoặc vì một động cơ không chính đáng nào khác.
Tại Đại hội Đảng lần thứ VI mở đầu thời kỳ đổi mới, có một phương châm rất nổi tiếng cho giới lãnh đạo, quản lý - tôi nghĩ - cũng là cho giới truyền thông là “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Nhìn thẳng vào sự thật là tôn trọng sự thật khách quan, không che giấu, thổi phồng hoặc bóp méo. Nhưng lại cần nhớ là chỉ “nói rõ sự thật” khi đã “đánh giá đúng sự thật”, nghĩa là sự việc đó đã được tìm hiểu, phân tích sâu sắc tới bản chất sự thật. Phương châm thông tin sự thật mà Đại hội VI đề cập là sự tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “biết rõ” trước khi nói và viết.
Ở trên tôi đã trình bày sự cảm thụ của mình về tư tưởng của Hồ Chí Minh trong việc định hướng xử lý thông tin. Nhưng như trên đã phân tích, muốn xử lý thông tin cho chính xác và đúng đắn thì cùng với động cơ trong sáng, bản lĩnh vững vàng còn cần có nhiều nguồn thông tin nhiều chiều qua hoạt động thu thập thông tin. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà báo Hồ Chí Minh cũng đưa ra những lời khuyên về hoạt động thu thập thông tin mà Người gọi là “Tìm tài liệu” để nói và viết. Người nêu lên năm hoạt động: Nghe, Hỏi, Thấy, Xem, Ghi. Tôi sợ dài dòng, chỉ nói việc “xem” theo giải thích của Người là xem sách, xem báo trong nước và nước ngoài, mà ngày nay ta hay dùng từ “Đọc”. Năm phương pháp đó, theo tôi hiểu là hoạt động thường xuyên của nhà báo cũng như hoạt động chuẩn bị cho một bài báo cụ thể, bao gồm thu thập thông tin trực tiếp (qua thấy) và gián tiếp (qua nghe, hỏi, xem).
Chí lớn trên đời thường gặp nhau. Đọc Lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhớ Lời khuyên của học giả Lê Quý Đôn về Đi, Đọc, Nghĩ, Viết. Cụ nói: “Trong bụng phải có hàng vạn cuốn sách”, chân phải “đi muôn dặm đường”, mắt “phải có sức sống kỳ lạ của thiên hạ” thì hãy cầm bút.
Đối chiếu với việc làm của giới báo chí chúng ta, việc làm được cũng như chưa làm được, bài báo thành công cũng như chưa thành công, chúng ta càng thấy bên cạnh những bài báo chính xác, có tư liệu phong phú lại thấy những bài báo và một số tác giả thông tin vội vàng, hấp tấp dẫn tới thiếu sót, thậm chí sai lạc, khi chưa “biết rõ” đã viết và nói ào ào gây nguy hại cho cá nhân và xã hội.
Ngày nay giới báo chí rất vui vì có “Người phát ngôn” của các cơ quan có thẩm quyền để các nhà báo có điều kiện tiếp cận với các nguồn thông tin chính thức. Cũng cần có quy chế cụ thể về “Người phát ngôn” để họ không chỉ thông báo mà còn có khả năng và thẩm quyền đối thoại với các nhà báo.
Tuy nhiên, cho dù quy chế Người phát ngôn có hoàn hảo và có trở thành nguồn thông tin chính thức, quan trọng cũng không thể thay thế mọi nguồn thông tin, vì Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động thu thập thông tin của nhà báo, chỉ trong việc “hỏi” đã rất công phu. Ngoài việc hỏi cán bộ, đảng viên, Người còn khuyên các nhà báo phải hỏi “những người không quan trọng”, nghĩa là Người khuyên phải tiếp xúc nhiều lớp người, nhiều nguồn không chỉ là nguồn thông tin của các nhà lãnh đạo, quản lý để “thông tin nhiều chiều” như văn kiện của Đảng đã yêu cầu.
Trong thời kỳ đổi mới, với kỹ thuật hiện đại, đặc biệt với thông tin nối mạng toàn cầu, giao lưu quốc tế rộng mở, việc thu thập thông tin ngày nay có rất nhiều thuận lợi. Sách, báo rất nhiều. Rồi truy cập với các “Nhà tìm kiếm” trên mạng có thể trong một vài phút đã biết được rất nhiều tư liệu.
Bên cạnh những thuận lợi lớn trong việc thu thập thông tin, lại cần đề phòng việc nhiễu loạn thông tin. “Đói thông tin” hoặc “Nhiễu thông tin” đều làm cho con người khó định hướng tư duy và hành động. Đồng thời lại bắt đầu xuất hiện “Những nhà báo sau máy tính” để miêu tả một số bạn đồng nghiệp (đã bắt đầu xuất hiện ở nước ta), không cần đi đâu, không cần gặp ai, chỉ truy cập thông tin trên mạng để viết bài vì trên mạng có thể có tư liệu, có sự đánh giá của nhiều tác giả khác nhau để người viết lựa chọn. Như thế “nhà báo sau máy tính” sẽ mất khả năng tự tìm hiểu, quan sát, do đó chỉ còn nói dựa theo người khác, không thể có bản sắc để đồng nghiệp và người nghe, người xem tôn trọng, đồng thời làm cho sự nghiệp báo chí kém phong phú.
Trong bài viết này, nhân bàn về thu thập thông tin và xử lý thông tin, tôi muốn ôn lại một số lời khuyên quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy báo chí cách mạng Việt Nam, mà tôi nghĩ rằng nó luôn mới với chúng ta.
Hữu Thọ (Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương)
(Nguồn: Báo QĐND)