Đã 37 năm (30-4-1975 - 30-4-2012) kể từ đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đó là khoảng thời gian không dài đối với một đất nước đã có hơn bốn ngàn năm lịch sử, cũng không quá ngắn để chúng ta hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước, giữ gìn truyền thống và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Năm nay, chúng ta kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khi nước ta đã có những khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trên mọi lĩnh vực... Được sống trong cảnh đất nước hòa bình, độc lập mỗi chúng ta không khỏi bùi ngùi, kính nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc, Bác luôn tin tưởng tuyệt đối “ngày toàn thắng về ta”.
Từ năm 1965, khi dự cảm thấy “sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”, Bác bắt đầu khởi thảo Di chúc. Bác “để sẵn mấy lời này, phòng khi ... sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”(1). Mở đầu bản Di chúc, bằng lòng tin vào khả năng, sức mạnh của dân tộc, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác khẳng định “… nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc"(2). Bác biết, công cuộc tái thiết và xây dựng xã hội chủ nghĩa sau chiến tranh sẽ gặp muôn vàn khó khăn, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng quan trọng nên Bác sáng suốt nhận định: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(3). Để tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh lãnh đạo của mình trong hoàn cảnh mới, Bác ân cần căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triễn sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”... “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(4). Đó là nguyên tắc sống còn, là điều kiện quyết định để Đảng ta đứng vững và lãnh đạo đất nước. Thực hiện Di chúc của Người, trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta đã chỉ rõ những tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh tự phê bình và phê bình bắt đầu từ Trung ương.
Nhân kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước, chúng ta kính cẩn nghiêng mình ghi nhớ công ơn của những người đã chiến đấu, hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Để tỏ lòng biết ơn với cha ông, với Đảng, với Bác Hồ, mỗi chúng ta, trước hết là cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu để thực hiện thật tốt mong ước cuối cùng trong Di chúc của Bác: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(6).
--------------
(1), (2), (3),(4), (5),(6) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 12, tr. 510, 511, 510, 512.
Nguyễn Thị Ánh Huyền
Trường Mẫu giáo Điện Phương - xã Điện Phương - Điện Bàn - Quảng Nam