Người khơi nguồn báo chí cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một chiến sỹ cách mạng lỗi lạc, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam mà còn là một cây bút xuất sắc, một nhà báo lớn và người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng. Chính Người đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Song hành với quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi đêm trường nô lệ, Nguyễn Ái Quốc đã sớm viết báo, làm báo, dùng ngòi bút của mình làm phương tiện, “vũ khí” sắc bén đấu tranh với kẻ thù. Người sớm trở thành cây bút sắc sảo, có tiếng vang trong giới báo chí tại Pháp. Bài viết đầu tiên của Người được đăng tải trên báo chí Pháp là: “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” được gửi đến Hội nghị Véc-xây năm 1919; vạch trần bản chất bóc lột, vô nhân đạo của bọn thực dân qua bài “Tâm địa thực dân”… Bài báo như một mũi tên bắn “trúng hai đích” - chính diện vào kẻ thù ngay trên đất nước của bọn đi xâm lược, núp dưới danh nghĩa “khai hoá văn minh cho các dân tộc nhược tiểu” thức tỉnh nhân loại đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc.

Từ mũi tên “trúng đích” ấy, năm 1922, tại Pháp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ) in bằng tiếng Pháp, số 1 ra ngày 1-4-1922 tại Pa-ri và Người được coi là “linh hồn” của tờ báo. Nội dung của báo phong phú, đa dạng, đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng ý tưởng cơ bản là thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc vào phong trào đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc nhằm giải phóng con người, giải phóng xã hội. Người vừa làm chủ bút, chủ biên, giữ quỹ, vừa là người phát hành và bán báo. Với báo “Người cùng khổ”, bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần tội ác của bọn xâm lược tại các thuộc địa để nhân dân Pháp, nhân dân thế giới thấy, hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa, đòi quyền sống, quyền con người, quyền dân tộc tự quyết của các dân tộc thuộc địa trên thế giới, trong đó, có nhân dân Việt Nam.

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Mat-xcơ-va, Liên Xô về Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động cách mạng. Tại đây, tháng 5-1925, Người lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm đào tạo cán bộ - những “hạt giống đỏ” cho cách mạng Việt NamCơ quan ngôn luận và diễn đàn bày tỏ chính kiến của Hội là tờ Báo Thanh Niên - do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Ngày 21-6-1925, báo ra số đầu tiên. Từ đó trở đi, Báo Thanh Niên vừa là trường học bồi dưỡng, tập hợp lực lượng cách mạng, vừa là cầu nối giữa Tổng bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên với phong trào yêu nước trong nước. Qua đó, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô, Quốc tế Cộng sản vào trong nước, khơi dậy, thức tỉnh, giác ngộ tinh thần yêu nước, vạch trần bản chất của chủ nghĩa đế quốc, tố cáo tội ác của thực dân Pháp và lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh.

Nối tiếp tờ Thanh Niên, do nhu cầu của công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo thành lập ra nhiều tờ báo cách mạng khác: Ngày 9-8-1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định ra tờ Tạp chí Đỏ; ngày 15-8-1930, xuất bản tờ Tranh Đấu; tờ Dân chúng năm 1939; tờ Việt Nam Độc lập tháng 8-1941; tờ Cứu Quốc tháng 1-1942; tờ Cờ Giải phóng tháng 10-1942... Những tờ báo cách mạng này giữ một vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, định hướng chính trị, tư tưởng, tập hợp lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở Châu Á. 

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với nhiều bài báo cách mạng. Người coi báo chí vừa là phương tiện đưa chủ trương đường lối của Đảng đến người dân hiệu quả nhất, vừa làm vũ khí đấu tranh với thù trong giặc ngoài. Báo chí phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân và của dân tộc. Vì vậy, từ năm 1945 đến 1969, trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, dù không trực tiếp lãnh đạo các tòa soạn báo, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục viết báo và tổ chức ra nhiều hoạt động báo chí. Nội dung nổi bật trong các tác phẩm báo chí của Người thời kỳ này là đưa ra nhiều quan điểm chỉ đạo kịp thời đối với những vấn đề cấp thiết của đất nước, những lĩnh vực quan trọng của cuộc kháng chiến, kiến quốc, như: Chiến lược của quân ta và của quân Pháp (Báo Cứu quốc, 13-12-1946); Người tuyên truyền và cách tuyên truyền (Báo Sự thật, 26-6-2947); Dân vận (Báo Sự thật, 15-10-1949); Phải tẩy chay bệnh quan liêu (Báo Sự thật, 2-9-1950); Tự phê bình (Báo Nhân dân, 20-5-1951); Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta (Báo Nhân dân, 5-7-1951); Chống quan liêu, tham ô, lãnh phí (Báo Nhân dân, 31-7-1952)… Nếu tính từ bài viết đầu tiên: Quyền của các dân tộc thuộc địa đăng trên Báo Nhân Đạo, ngày 18-6-1919, đến tác phẩm cuối cùng: Thư trả lời Tổng thống Mỹ  đăng trên Báo Nhân dân ngày 25-8-1969, Người đã để lại cho chúng ta hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ và gần 500 trang truyện, ký. Không những vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp sáng lập ra 9 tờ báo: Người Cùng khổ năm 1922; Quốc tế Nông dân năm 1924; Thanh Niên năm 1925; Công Nông năm 1925; Lính Kách mệnh năm 1925; Thân ái năm 1928; Đỏ năm 1929; Việt Nam Độc lập năm 1941; Cứu Quốc năm 1942. Người đã sử dụng khoảng 150 bút danh, viết nên những tác phẩm báo chí xuất sắc và bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Hán, Việt... Mỗi bài viết của Người với nhiều chủ đề đa dạng, sinh động; văn phong độc đáo, gần gũi, dễ nhớ và dễ hiểu, phản ánh đúng hơi thở thực tiễn cuộc sống của người dân lúc bây giờ nên các tác phẩm đó có sức lan toả và ăn sâu, sống mãi trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

Không chỉ là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, những lời chỉ dẫn có giá trị, được coi là hệ tư tưởng của Hồ Chí Minh đối với nghề báo và người làm báo. Người quan niệm, viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Vì vậy, bên cạnh các tác phẩm báo chí xuất sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho chúng ta một di sản tư tưởng đặc biệt có giá trị - Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, bao gồm các quan điểm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị. Tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam tháng 4 năm 1959, Người chỉ rõ “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ”. Để báo chí luôn là diễn đàn của nhân dân, phục vụ nhân dân, Người khẳng định “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham thích thì không xứng đáng là một tờ báo”“Không riêng vì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”. Những lời dạy của Người về hoạt động báo chí đến nay vẫn còn nguyên giá trị - nền tảng chỉ đạo xuyên suốt quá trình phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - không chỉ là người khai sáng nền báo chí cách mạng mà còn là người thầy mẫu mực của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người không chỉ dâng hiến cả cuộc đời cho dân cho nước mà còn để lại di sản báo chí phong phú cho dân tộc ta và kinh nghiệm làm báo cho các thế hệ nhà báo hôm nay. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người, mỗi nhà báo cách mạng luôn nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mỗi người cầm bút luôn coi mỗi tác phẩm báo chí cách mạng Việt Nam là vũ khí chính trị, tư tưởng sắc bén của giai cấp công nhân và đông đảo nhân dân lao động Việt Nam, phản ánh trung thực hơi thở cuộc sống, góp tiếng nói không nhỏ cùng dân tộc thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất