Người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

1. Mang theo trong hành trang của mình lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, cùng những truyền thống tốt đẹp, những bài học kinh nghiệm trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Hồ Chí Minh đã sớm đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, đến với con đường cách mạng nhằm giải phóng nhân dân khỏi kiếp lầm than nô lệ và xây dựng chế độ xã hội mới. Trên cơ sở những nguyên lý Mácxit-Lêninnít về bạo lực cách mạng và khởi nghĩa vũ trang, đồng thời vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo (được thông qua ở Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu năm 1930), vấn đề thành lập “Quân đội công nông[2] đã được đề ra.

Cũng theo Hồ Chí Minh, để giải phóng dân tộc, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, việc xây dựng lực lượng chính trị của cách mạng là điều cơ bản nhất, là việc phải làm đầu tiên, rồi mới xây dựng Quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang. Đó chính là quan điểm “người trước súng sau”, là xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng để trên nền tảng đó xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, và tiến hành khởi nghĩa vũ trang, đánh đuổi kẻ thù, giành lấy chính quyền.

Bắt đầu từ những đội tự vệ đỏ trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, đến đội vũ trang Cao Bằng, du kích Nam kỳ, Bắc Sơn (sau đổi thành Cứu quốc quân), Ba Tơ… cùng với sự phát triển của tiến trình cách mạng, ngày 22-12-1944, thực hiện Chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập. Với thắng lợi ban đầu (hạ đồn Phai Khắt, Nà Ngần) và từ 34 chiến sĩ đầu tiên, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày càng mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển thành đại đội, rồi đại đội chủ lực đầu tiên của Quân đội ta… Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: tiền đồ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân rất vẻ vang, “nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”[3].

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam giải phóng quân (do Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quânCứu quốc quân hợp lại) đã cùng toàn dân vùng lên đấu tranh, giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Như vậy, không chỉ tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, Hồ Chí Minh còn sáng lập lực lượng vũ trang cách mạng, lãnh đạo toàn dân tiến hành khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân, đưa những người dân Việt Nam từ thân phận những người nô lệ thành chủ nhân của một nước Việt Nam độc lập.

Tuy nhiên, khi quân Pháp ngày càng lấn tới, khi không thể cúi đầu làm nô lệ, theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân cả nước bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Mục đích của cuộc kháng chiến là đánh thực dân phản động Pháp, giành độc lập thống nhất. Tính chất cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Chính sách kháng chiến là đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, v.v.. nên trong cuộc chiến đấu không cân sức này, chúng ta sẽ tiến hành kháng chiến toàn diện, kết hợp các mặt trận và các hình thức đấu tranh, trong đó đấu tranh quân sự là chủ chốt.

Và cũng từ việc thực hiện chỉ dẫn của Người, công tác đảng trong quân đội được tăng cường, tinh thần đoàn kết thống nhất luôn được củng cố, kỷ luật được thực hiện nghiêm minh. Đặc biệt, để tăng cường sức mạnh của đội quân cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ - “những người tướng giỏi của đoàn thể” và nhấn mạnh yêu cầu “bộ đội được tổ chức chặt chẽ, tập luyện hẳn hoi, chuẩn bị chu đáo”[4] thường xuyên, liên tục để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu. Ngày một phát triển về số lượng và nâng cao trình độ tác chiến, tài thao lược trên các chiến trường, đồng thời vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đánh giặc của tổ tiên “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu chống mạnh”, Quân đội ta đã chuyển từ thế phòng ngự sang thế tiến công. Xuất phát từ thực tiễn, từ kinh nghiệm “biết địch, biết ta, trăm trận, trăm thắng”, thay đổi phương án từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, và kiên cường, mưu trí, sáng tạo, Quân đội ta đã giành thắng lợi to lớn trong trận Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tuy nhiên, khi Pháp bại trận, đế quốc Mỹ đã ngang nhiên tuyên bố không bị ràng buộc bởi Hiệp định Giơ-ne-vơ, can thiệp sâu vào miền Nam Việt Nam, nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. “Lửa vẫn cháy và máu vẫn chảy”, cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược đã trở thành một cuộc đụng đầu lịch sử.

Quyết tâm đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ, cả nước tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, với tinh thần đoàn kết “triệu người như một”, với niềm tin chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, với ý chí “đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn, đánh cho đến độc lập và thống nhất thực sự”, và quyết tâm “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quyết sạch nó đi”[5]. Đồng thời, phát huy truyền thống “cả nước đánh giặc” của cha ông trong lịch sử, thấm nhuần lời dạy của Lê-nin, khi có chiến tranh phải “biến cả nước thành một dinh luỹ cách mạng”, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: phải vũ trang toàn dân đi đôi với xây dựng đội quân cách mạng. Trên tinh thần đó, lực lượng vũ trang cách mạng bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích được xây dựng, hình thành thế trận bao vây và tiêu diệt địch. Trong mọi hoàn cảnh, quân đội cách mạng luôn là đội quân chiến đấu, là đội quân công tác và sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ: bộ đội chủ lực vừa tiêu diệt địch, bảo vệ nhân dân, vừa dìu dắt bộ đội địa phương; bộ đội địa phương phối hợp hành động với bộ đội chủ lực, giúp đõ bộ đội chủ lực và dìu dắt dân quân du kích; dân quân du kích vừa phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, vừa tự mình đánh giặc, trừ gian và tham gia sản xuất, v.v.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cũng xuất phát từ thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hoà bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”[6]. Để thực hiện chỉ huấn của Người, đồng thời để có đủ sức mạnh chiến thắng kẻ thù, Quân đội ta ra sức rèn luyện, học tập nâng cao trình độ tác chiến trên chiến trường, phối hợp với quân dân miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu (với tinh thần miền Bắc là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam, với tinh thần hậu phương miền Bắc thi đua với tiền phương miền Nam), tạo thành nguồn sức mạnh tổng hợp nhằm đưa cách mạng tiến lên bằng những bước nhảy vọt. Cuối cùng, chớp đúng thời cơ, Quân đội ta đã “thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để giành thắng lợi trong cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975, thu giang sơn về một mối.

2. Chiến tranh đã lùi xa, những thành tựu của một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, đi lên CNXH và hội nhập quốc tế hôm nay gắn liền với nguồn sức mạnh nội lực làm nên những chiến công của Quân đội ta, của nhân dân ta. Nguồn sức mạnh đó chính là sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là bản lĩnh chính trị vững vàng, là sự thấm nhuần đạo đức người cách mạng, là tinh thần đoàn kết, phấn đấu hy sinh của những quân nhân cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục và rèn luyện.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, “quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và kỷ luật nghiêm” và “quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”[7]. Đó cũng chính là quá trình trang bị và giáo dục cho những quân nhân cách mạng về lý tưởng, mục tiêu, đường lối của Đảng, về nhiệm vụ cách mạng từ nhận thức trở thành bản lĩnh chính trị, thành niềm tin, thành ý chí và quyết tâm hành động. Bởi vậy, ngay từ buổi đầu thành lập, Người đã cùng Trung ương Đảng hết lòng xây dựng Quân đội ta thành một quân đội kiểu mới, một quân đội nhân dân, luôn tuân theo những định hướng chính trị của Đảng, kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc được ghi rõ trong Cương lĩnh chính trị và các Nghị quyết của Đảng.

Kế thừa và phát triển truyền thống anh hùng của dân tộc ta, theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, là tập hợp đông đảo những người công nhân, nông dân, trí thức dũng cảm, có bản lĩnh chính trị - tinh thần vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, Quân đội ta luôn thấm nhuần lời dạy của Người: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”[8]. Đó là đội quân của những người chiến sĩ dũng cảm chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH, gương mẫu về đạo đức lối sống cả trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống đời thường, “gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”[9]. Đó cũng là đội quân luôn học tập để nâng cao năng lực toàn diện, bởi theo Người, “muốn trở nên người quân nhân mới…mỗi chiến sĩ từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu học tập, luôn luôn cầu tiến bộ”[10]. Đó cũng còn là đội quân trên dưới luôn đoàn kết một lòng, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, đồng cam cộng khổ cùng nhau, trên cơ sở thực sự phát huy dân chủ và thực hiện nghiêm túc phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” trong điều kiện đặc thù của quân đội.

Gắn bó với nhân dân là một nét đẹp của truyền thống Quân đội ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, vốn xuất thân từ các tầng lớp nhân dân, và là con em của nhân dân, Quân đội ta phải hết lòng yêu thương và kính trọng nhân dân. Thấm nhuần quan điểm của Người: cốt lõi lòng trung thành của người quân nhân cách mạng chính là mỗi chiến sĩ phải “luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức, trí, dũng, liêm, trung của Giải phóng quân”[11], những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, dựa vào nhân dân như “cá với nước”,và đó là những người chiến sĩ không chỉ đánh giặc giỏi mà còn là những người làm công tác dân vận giỏi.

Là quân đội của nhân dân, chiến đấu vì nhân dân, gắn bó với nhân dân, đó là bản chất của quân đội cách mạng, đó cũng chính là nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp về chính trị, về tinh thần, về ý chí quyết chiến, quyết thắng, tài thao lược của Quân đội ta trước mọi kẻ thù, trong mọi hoàn cảnh. Là quân đội của nhân dân, những người lính “bộ đội cụ Hồ” sẵn sàng giúp dân, nhưng quyết “không động đến cái kim và sợi chỉ của nhân dân”, để “làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc”.

Là quân đội của nhân dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Quân đội ta luôn nhận được từ Người sự quan tâm đặc biệt. Người không chỉ dõi theo mỗi bước trưởng thành của Quân đội; động viên họ và rút kinh nghiệm trước mỗi trận ra quân chưa giành được thắng lợi; viết thư thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau thương mất mát với những thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, dành huy hiệu, phần quà và cả sổ tiết kiệm của mình tặng cho những chiến sĩ để mua nước uống cho đỡ khát trong những ngày hè nóng nực năm 1967… mà còn để lại tình thương yêu của Người cho các lực lượng vũ trang, thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ trong Di chúc lịch sử.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chăm sóc của Người, với sự nỗ lực đoàn kết của toàn quân, đoàn kết quân dân và đoàn kết quốc tế, Quân đội ta - công cụ bạo lực vũ trang chủ yếu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[12].

Sáng lập và rèn luyện Quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng quân đội phải ngày càng chính quy, hiện đại, và trong bối cảnh của thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay, yêu cầu đó càng trở nên bức thiết. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta tiến lên hiện đại, song phải tiến lên dần dần từng bước (không thể thoát ly điều kiện của đất nước), đồng thời kết hợp với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và vận dụng sáng tạo thành tựu khoa học-kỹ thuật. Đặc biệt, hiện đại hoá quân đội còn phải thông qua giáo dục, huấn luyện để giải quyết mối quan hệ con người và vũ khí, trong đó con người có vai trò quyết định, là “người trước, súng sau”.

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã ghi nhận vai trò to lớn của Quân đội ta trong cuộc chiến tranh giải phóng và trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới. Ngày nay, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa mở ra cho đất nước ta nhiều vận hội lớn đi liền cùng những thách thức khôn lường. Càng nhiều cam go, thử thách, càng đòi hỏi chúng ta phải thấm nhuần sâu sắc hơn nữa những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội cách mạng, xứng đáng là “lực lượng trụ cột” của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Và càng phải đối phó với những âm mưu, thủ đoạn mới của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch, Quân đội ta càng phải luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Trên tinh thần đó, phải tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia về cả tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, với lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, đủ sức đánh thắng mọi hành động xâm lược, chống phá của kẻ thù. Đặc biệt, không chỉ chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân, những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam - những người lính luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh thương yêu, chăm sóc, dạy dỗ còn sẵn sàng tham gia chống thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu và quý trọng của nhân dân.
-------
[1] Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Nxb. Sự thật, H, 1960, t.2, tr.466. [2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.3, tr.1. [3] Sđd, t.3, tr.508. [4] Hồ Chủ tịch với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb. QĐND, H, 1962, tr.69. [5] Hồ Chí Minh, Lời kêu gọi ngày 3/11/1968. [6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.9, tr.140. [7] Sđd, t.11, tr.350. [8] Sđd, t.9, tr.285. [9] Sđd, t.5, tr.252. [10] Sđd, t.5, tr.417. [11] Sđd, t.5, tr.330. [12] Sđd, t.11, tr.350.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất