Nhớ lời dạy Bác Hồ về người thầy thuốc
Từ xưa đến nay, một số nghề được xã hội thừa nhận là cao quý, có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần con người: thầy giáo, thầy thuốc… Vai trò của người “Thầy” được trọng vọng thể hiện rõ trong thứ bậc, tôn ti: quân (vua), sư (thầy), phụ (cha)… người thầy còn cao hơn người cha.

Trong những nghề ấy, nghề thầy thuốc được ghi nhận là một nghề có tầm quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh mạng con người và được ví bằng câu thành ngữ đầy hình tượng: Lương y như từ mẫu. Người thầy thuốc được tôn quý như thế, do họ có trách nhiệm lớn lao đối với toàn xã hội, nếu người nào vì tư lợi mà bỏ quên y đức thì rất đáng hổ thẹn.

Từ xưa, Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, vị danh y mẫu mực của nước ta đã từng khuyên dạy: “Làm người thầy thuốc mà không hằng tâm giúp người, chỉ chăm chăm kể lợi tính công, lấy của hại người thì khác gì giặc cướp”. Ông còn chỉ ra các tật xấu, mà nếu người thầy thuốc vấp phải thì sẽ bị quy thành tội: ngại mưa gió mà không đi chữa bệnh, sợ bệnh nhân không đủ tiền trả mà không chữa bệnh, thấy chứng bệnh dễ chữa mà nói khó để xoay tiền, thấy chứng khó mà không quyết chữa, y học còn non mà đi chữa bệnh, không chữa bệnh vì tư thù… Nếu là người thầy thuốc mà vấp phải những tật ấy thì không xứng đáng làm thầy thuốc.

Sinh thời, Bác Hồ rất mực quan tâm đến việc luyện rèn y đức của người thầy thuốc. Năm 1946, Bác căn dặn cán bộ y tế: Đừng có ngại khó ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch, ban ơn...

Trong thư gửi Hội nghị Y tế toàn quốc năm 1953, Người viết: Cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân.

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc ngày 27-2-1955, Bác viết: Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu... Cán bộ nhân viên ngành y cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng gắn với nhu cầu thực tế của nhân dân.

Bên cạnh đó, Người còn quan tâm đến việc nâng cao trình độ y học của đất nước, phục vụ ngày càng tốt hơn sức khỏe nhân dân, Bác Hồ đòi hỏi sự nỗ lực và đóng góp chung của toàn ngành Y tế. Người nhấn mạnh vấn đề đoàn kết: Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết giữa tất cả những người trong Ngành Y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong Ngành Y tế, trong việc phục vụ nhân dân.

Quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác y tế, Ngành Y tế cách mạng nước ta đã nêu cao tinh thần yêu nước và tự lực cánh sinh, phục vụ cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp thắng lợi. Trong 21 năm tiếp theo, từ 1954-1975, phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài đầy hy sinh, gian khổ ở miền Nam, Ngành Y tế nước ta đã trưởng thành trong lửa đạn và xây dựng thành công mô hình y tế nhân dân, một mô hình y tế tiên tiến cho một nước đang phát triển trên một nửa nước.

Ở nước ta, rất nhiều những tấm gương y bác sĩ thực hiện y đức của người thầy thuốc, vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nhân dân hết lòng thương yêu, kính trọng  như: giáo sư bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ… cùng hàng nghìn tập thể, cá nhân y bác sĩ, cán bộ Ngành Y tế được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, chiến sĩ thi đua vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Và những người thầy thuốc đó đã trở thành niềm tự hào của Ngành Y tế Việt Nam.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay, mở cửa hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta coi sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân là vô cùng quan trọng. Khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh xem con người là vốn quý nhất, phải bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân, dù điều kiện như thế nào, sự tham gia ủng hộ của toàn xã hội và sự nỗ lực của Ngành Y tế phải phấn đấu hết sức mình, động viên cán bộ, công nhân viên thực hiện tốt việc bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Kỷ niệm 59 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, hơn lúc nào hết, việc rèn luyện đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của người thầy thuốc, người cán bộ Ngành Y tế phải được đưa lên hàng đầu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Để xứng đáng truyền thống tốt đẹp giữa người thầy thuốc và người bệnh theo lời dạy của Bác Hồ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất