Phụ nữ Việt Nam - người dệt gấm thêu hoa
Truyền thống của Bà Trưng, Bà Triệu, của những nữ anh hùng, của những bà mẹ Việt Nam anh hùng… luôn là niềm tự hào, khắc họa chân dung “anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang” - vẻ đẹp thuần khiết và rạng rỡ của phụ nữ Việt Nam. Với thân phận của mình, người phụ nữ như hiểu đất nước của mình hơn về cả sự hy sinh và niềm vinh quang. Chính vì thế, thơ ca về cái đẹp, về đức hy sinh của người mẹ thuộc vào loại hay nhất. Và bài hát về mẹ cũng là một trong những bài hát hay nhất.

Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, qua hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, phụ nữ đã không chỉ được giải phóng, đóng góp sức mình cho sự nghiệp cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, mà còn từng bước chiến thắng những tập tục, những quan niệm cổ hủ và tự chiến thắng chính bản thân mình, để thực sự hướng tới quyền bình đẳng thực sự, vì đó luôn là “một cuộc cách mạng to và khó”.

Trong Di chúc thiêng liêng của mình, Bác Hồ vẫn hằng mong: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Đối với phụ nữ, dường như vai trò, chức phận của họ xưa nay vẫn vậy. Trong gia đình, phụ nữ như là “nội tướng” - sinh con, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống, “giữ lửa” gia đình… Đối với xã hội, khi đất nước bị xâm lăng, người phụ nữ tiễn chồng con ra trận, ở lại hậu phương sản xuất nuôi quân. Và đến lượt mình, cũng lại xông pha, cũng là đội quân tóc dài - “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “còn cái lai quần cũng đánh”. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta.

Bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phụ nữ Việt Nam càng phải vượt qua biết bao thách thức to lớn để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại. Phụ nữ tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều người được giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp từ trung ương đến địa phương. Ngày càng nhiều người trở thành nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nghệ sỹ... Nhiều lĩnh vực không thể thiếu sự có mặt của người phụ nữ như y tế, giáo dục, dệt, may mặc, dịch vụ… Phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của đất nước trên từng chặng đường phát triển.

Hiện phụ nữ chiếm trên 48% lực lượng lao động xã hội, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, có 68% lao động nữ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; 69,9% trong ngành chế biến, dệt may, dịch vụ; 63% ngành y; 47,3% trong lĩnh vực có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao. Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện phát huy vai trò phụ nữ. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Luật Bình đẳng giới năm 2006 là một bước khá dài nhằm tạo cơ sở pháp lý nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội.

Trong gần hai thập kỷ qua, Việt Nam luôn có phó chủ tịch nước là nữ. Trong Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu trong 3 nhiệm kỳ gần đây luôn đạt từ khoảng 25% trở lên. Hiện nay, Quốc hội Việt Nam có 24,4% nữ đại biểu; 31% cán bộ nữ trong cơ quan hành chính từ cấp huyện trở lên; 20,6% phụ nữ tham gia công tác quản lý; 30% là chủ doanh nghiệp, 49,4% hộ gia đình sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ.

Kết quả bầu cử tại đại hội các tổ chức cơ sở đảng, nhiệm kỳ 2010-2015 có tỷ lệ cấp uỷ viên là nữ bình quân 18,1 %. Chỉ tiêu này tăng so với nhiệm kỳ trước. Thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cấp huyện trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ, tỷ lệ cấp ủy viên nữ ở nhiều nơi đạt trên 15 % như các quận 1, 5, 10, 11, Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh); cao nhất là quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ) tỷ lệ đạt 30,7%. Có 50% nữ sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng; nữ thủ khoa chiếm 61,6% trong kỳ tuyển sinh và tốt nghiệp đại học năm 2011. Nữ trí thức tiếp tục tăng cả về số và chất lượng với gần 40% nữ thạc sĩ; 17,1% nữ tiến sĩ.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhất là sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (1945), quyền của phụ nữ Việt Nam có một quá trình từ không thành có, từ sơ khai đến đầy đủ hơn, được thể hiện đậm nét trong các bản Hiến pháp Việt Nam từ Hiến pháp 1946 đến sau này. Điều đó thể hiện mối quan tâm sâu sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và toàn xã hội đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hôi chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại. Bộ Chính trị có Nghị quyết 11 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng trong thực tế, nơi nào có người đứng đầu quan tâm, nơi đó có tỷ lệ cán bộ nữ khá hơn.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, công tác phụ nữ còn một số hạn chế, yếu kém. Đó là, phong trào phát triển chưa đồng đều, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ. Định hướng lãnh đạo, chính sách, phương pháp vận động phụ nữ nhiều lúc còn thiếu cụ thể, chưa sát hợp với từng đối tượng, khu vực, vùng, miền, chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Nội dung, phương thức hoạt động của Hội chưa được đổi mới mạnh mẽ...

Ðể phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phối hợp, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động tham mưu, đề xuất và vận động thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; cán bộ hội phụ nữ các cấp phải gương mẫu, đoàn kết, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang", đồng thời tiếp tục khẳng định lời dạy của Bác Hồ "Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ"…''Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng"...

Xã hội ngày càng phát triển, phụ nữ Việt Nam - những người đã dệt gấm thêu hoa càng có chỗ đứng vững chắc hơn trong các lĩnh vực đời sống, xã hội. Đó là sự công bằng và cũng là nét đẹp của văn hóa hiện đại trong thời kỳ mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất