Tấm lòng Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ
Bác Hồ thăm các thương binh hỏng mắt.
“Uống nước nhớ nguồn” vừa là một đạo lý thiêng liêng vừa là một giá trị đạo đức và lối ứng xử cao đẹp trong sâu thẳm đời sống văn hóa của người Việt. Đạo lý này là chất “keo loan” gắn kết lịch sử bốn ngàn năm với muôn vàn thế hệ kế tiếp nhau từ thủa mẹ Âu Cơ sinh đồng bào ta trong bọc trứng đến thời Hồ Chủ tịch với lời dạy: “Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”(1) cho đến ngày nay và mãi mãi về sau. Khi đất nước đã có cơ hội và khả năng để phấn đấu “sánh vai với các cường quốc năm châu” thì đạo lý ấy cần được phát huy hơn nữa. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là sự kết tinh tuyệt diệu trong mỗi người con đất Việt. Nhưng trên hết là ở Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đạo lý này được thể hiện đầy đủ, toàn diện và sâu sắc ở tấm lòng của Bác dành cho thương binh, liệt sĩ.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào Bác cũng luôn canh cánh bên lòng sự biết ơn vô hạn, lòng thành kính công ơn dựng nước của các Vua Hùng và tri ân những hi sinh, cống hiến của những người sẵn sàng hiến thân cho Tổ Quốc. Từ những ngày đất nước đang trong “cơn bão táp cách mạng” với bao bộn bề công việc khẩn cấp Bác đã luôn đề cao đạo lý này. Năm 1946, khi vừa giành được độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời và đang trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” Bác ân cần gửi thư cho đồng bào Nam Bộ. Trong thư Người viết: “tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hi sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà”(2). Sự tri ân này trước hết là thứ ánh sáng thanh khiết toát ra từ sâu thẳm tâm hồn người con ưu tú với sự kết tinh của tinh hoa dân tộc đối với thương, bệnh binh và liệt sĩ. Đây là lời động viên sâu đậm, truyền sức mạnh cho toàn thể đồng bào ta vượt qua mọi hi sinh, mất mát, mọi khó khăn gian khổ và đi đến thắng lợi cuối cùng.

Với đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 27 tháng 7 hằng năm làm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Trong Ngày Thương binh Liệt sĩ đầu tiên (năm 1947), Bác viết: “Đang khi Tổ Quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”(3)… “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ Quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt… Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(4). Mỗi lời người nói như thấm vào tâm tưởng người Việt để họ tự nhận ra rằng sự hi sinh của mình tràn đầy ý nghĩa và vĩnh viễn không trở thành hư vô, sự hi sinh ấy là bất tử vì nó luôn ghi dấu trong lòng người sống trong đó có Bác Hồ kính yêu.

Đúng một năm sau ngày thương binh liệt sĩ đầu tiên ấy, Bác lại nhấn mạnh: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào… Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống... Ngày nay, bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ... Nhưng tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”(5).

Trước những hi sinh mất mát không thể nói lên bằng lời ấy, ngay từ khi đất nước còn trong chiến tranh ác liệt, thiếu thốn, đói khát đủ bề Bác vẫn cố gắng biến tấm lòng “…nhớ nguồn” của dân tộc nói chung và của mình nói riêng thành những hành động thiết thực dành cho thương binh, liệt sĩ. Dẫu biết rằng những việc làm ấy chỉ giống như lấy vò múc nước biển Đông nhưng ý nghĩa cao đẹp của nó thì thật lớn lao. Người tích cực kêu gọi giúp đỡ anh chị em thương bệnh binh và các gia đình liệt sĩ bằng mọi cách có thể: “Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung của mỗi xã mà đón một số anh em thương binh... Mỗi xã trích một phần ruộng công,... nếu không mượn được ruộng thì chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã chung sức phát vỡ một số đất mới để giúp thương binh... Anh em thương binh sẽ tùy sức mà làm những công việc nhẹ”(6). Năm 1952, trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, Người khẩn thiết: “Nên coi đó là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc “làm phúc”(7). Bản thân Người luôn dành quần áo, đồ dùng của mình và thường xuyên dành cả tháng lương để gửi tặng anh em thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ (năm 1950, lương của người là 1.000đ/ tháng).

Khi giải phóng thủ đô Hà Nội, năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Nhà nước như: Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… đến đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Đài liệt sĩ Ba Đình (Đài dựng trong vườn hoa, cạnh quảng trường Ba Đình). Bác đã không nén được dòng cảm xúc về nỗi xót đau và lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ. Nước mắt Bác thấm nhòe, giọng Bác thốt không nên… Đồng chí Phạm Văn Đồng phải thay Người đọc điếu văn:
“Hỡi các liệt sĩ!
... Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ Quốc, vì dân tộc...  Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh.
Một nén hương thành
Vài lời an ủi
Anh linh của các liệt sĩ bất diệt
Tổ Quốc Việt Nam vĩ đại muôn năm!”...(8)

Kể từ đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến nay, đất nước đã hòa bình thống nhất được 37 năm nhưng còn đó bao mất mát, bao đau thương của anh chị em thương, bệnh binh và các gia đình liệt sĩ. Đảng và nhân dân ta luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu lòng biết ơn về sự hy sinh to lớn của các anh chị. Thực hiện lời dạy và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, mỗi người trong chúng ta hãy thấm nhuần và phát huy đạo lý ấy hơn nữa. Điều này thật cao đẹp, thật gần gũi vì nó vốn bắt nguồn từ truyền thống văn hóa Việt và được kết tụ ở con người vĩ đại Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người chúng ta hãy lấy những việc thiết thực, cụ thể để biểu lộ lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ.

Nguyễn Thanh Tuấn
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam

-----------------------------------                                                                      
                                                                   
(1) Lời Bác Hồ nói với bộ đội khi về thăm Đền Hùng, ngày 19-9-1954.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 4, tr.199. (3) (4) Sđd, tập 5, tr.175. (5) Sđd, tập 5, tr.467. (6) Sđd, tập 6, tr.261,262. (7) Sđd, tập 6, tr.532. (8) Sđd, tập 7, tr.427.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất