Học tập phong cách làm việc của Hồ Chí Minh
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nét nổi bật trong phong cách làm việc của Người là nói đi đôi với làm. Người là tấm gương sáng về nói đi đôi với làm cho mọi người học tập và làm theo. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: “Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói là làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động”(1).  

Sinh thời, Hồ Chí Minh đã phê phán một số cán bộ chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, nhưng một việc thiết thực cũng không làm được và yêu cầu cán bộ, đảng viên nói là phải làm, “nói ít, bắt đầu bằng hành động”, “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”(2). Muốn vậy phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm của mình, đồng thời phải hoan nghênh người khác, phê bình mình, phải chống bệnh hữu danh, vô thực, bệnh hình thức. Về phía tổ chức đảng, Người chỉ rõ: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và những chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(3).

Với cương vị, trọng trách của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, phong cách làm việc nói đi đôi với làm của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao chất lượng lãnh đạo và uy tín của Đảng, đến mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân cũng như việc hoàn thiện nhân cách người cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Trong tình hình hiện nay, việc đổi mới phong cách làm việc theo tư tưởng và tấm gương về phong cách làm việc của Hồ Chí Minh nói đi đôi với làm đang là vấn đề cấp thiết.

Có thể khẳng định, những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước thời gian qua luôn gắn liền với vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên; trong đó phải nhắc tới những cố gắng của họ trong việc rèn luyện phong cách làm việc mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Phần đông đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thực hiện tốt nói đi đôi với làm, nêu gương trước cấp dưới. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn bộc lộ nhiều hạn chế trong phong cách làm việc: nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo… Một số cán bộ, đảng viên là cấp uỷ viên, cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý còn có những biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ‎ý làm trái các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, hống hách với nhân dân… Tình trạng này không những làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng mà còn làm cho kỷ cương, phép nước bị coi thường. Thực tế này vừa phản ánh phong cách làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu mới, vừa phản ánh sự yếu kém về năng lực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.  

Để khắc phục những hạn chế yếu kém trong phong cách làm việc, thực hiện có hiệu quả nói đi đôi với làm, góp phần xây dựng phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên hiện nay, các cấp uỷ, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tiếp tục đổi mới giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tư tưởng và phong cách làm việc của Hồ Chí Minh. Đồng thời, tự bản thân của mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, có ý thức nghiêm túc khắc phục những tác hại do phong cách làm việc gây ra, ảnh hưởng đến tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng như đối với người khác. Trong làm việc, người cán bộ, đảng viên phải nêu gương, thể hiện rõ thái độ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp dưới, biết tự chỉ trích để tiến bộ.

ThS. Thái Bảo
Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai

-----------------------------

(1) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, NXB Sự thật, HN, 1990, tr. 64-65.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NxbCTQG-ST, HN.2002, tập 5, tr.108.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NxbCTQG-ST, HN.2002, tập 5, tr.250.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất