Trong khuôn khổ Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023 diễn ra từ ngày 29-9-2023 đến ngày 1-10-2023 tại Khu văn hóa Hồ Sen, Khu vực 4, Phường I, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, chiều ngày 16-9 tại phim trường Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang diễn ra buổi giao lưu văn hóa với chủ đề “Áo bà ba xưa và nay - Những cung bậc cảm xúc”.
|
Quang cảnh các vị diễn giả chia sẻ câu chuyện về truyền thống, bản sắc văn hóa với chiếc áo bà ba.
|
Tham dự có các đồng chí: Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Chính, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cùng lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và các em học sinh, sinh viên đến từ các trường phổ thông, cao đẳng trên địa bàn.
Tham gia buổi giao lưu, chia sẻ những câu chuyện về truyền thống, bản sắc văn hóa về áo bà ba là những người nổi tiếng, am hiểu văn hóa Nam Bộ, đặc biệt là chiếc áo bà ba, nét duyên của phụ nữ Nam Bộ từ xưa đến nay như: Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang; nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng; nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng; GS, TS. Bùi Chí Trung; nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh; doanh nhân trẻ Huy Nguyễn; TS. Nguyễn Nam; ThS xã hội học Lê Minh Tiến; TS. Vũ Khánh Vy; TS. Ethan C.Brown (Mỹ); chuyên gia truyền thông - nhà báo Vũ Mạnh Cường.
Áo bà ba là trang phục truyền thống của người Nam Bộ, xuất hiện từ thế kỷ XIX. Áo có đặc điểm là không cổ, thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Áo thường được làm bằng vải thô, là trang phục phổ biến của người nông dân.
Ngày nay, áo bà ba vẫn được sử dụng rộng rãi ở miền Nam, nhưng đã có nhiều thay đổi về chất liệu, màu sắc, kiểu dáng. Áo được làm bằng nhiều loại vải khác nhau, từ vải thô đến vải lụa, vải voan, với nhiều màu sắc sặc sỡ. Kiểu dáng áo bà ba cũng trở nên đa dạng hơn, với nhiều kiểu cách tân, phù hợp với xu hướng thời trang hiện đại.
Chia sẻ tại diễn đàn, khi nói về chiếc áo bà ba thuộc về văn hóa mặc của người Nam Bộ, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, cho rằng: văn hóa Nam Bộ phát triển trên dưới 300 năm và luôn thay đổi. Con người khi tiếp nhận vùng đất mới, tiếp nhận văn hóa mới làm phong phú cuộc sống. “Có tài liệu ghi rằng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cộng đồng người Hoa lai Ma-lai-xi-a (cộng đồng người bà ba) đến Nam kỳ sinh sống, chuyên nghề thầu xây dựng, buôn bán lúa gạo. Áo bà ba được truyền qua người Việt. Ngoài ra còn có chè bà ba của cộng đồng này ở Nam Bộ”.
Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh đưa ý kiến: “Rõ ràng chiếc áo bà ba là hiện thân của quá khứ đáng trân trọng và hào hùng, là nền tảng cho chúng ta bước tiếp ở hiện tại. Nhà thiết kế cho rằng, hiện nay nhiều người lãng quên chiếc áo bà ba khá lâu nên hy vọng Hậu Giang sẽ tiếp nhận chiếc áo này như là di sản của tỉnh”.
Đặc biệt, khi nhớ về ký ức không phai của áo bà ba, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng, hồi tưởng năm 1972, ngôi sao Hollywood Jane Fonda sang thăm Việt Nam, ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta và không muốn có sự cách biệt về ăn mặc so với người dân. Nhà văn đưa nữ minh tinh đến một tiệm may để may áo bà ba. “Từ hôm đó Jane Fonda đã tới thăm hỏi dân, quân, gặp gỡ nhiều lãnh đạo trong chiếc áo bà ba”.
|
10 bộ sưu tập áo bà ba sẽ được trình diễn tại lễ hội.
|
Phát biểu tại buổi giao lưu văn hóa, đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh gửi lời cảm ơn, trân trọng những tình cảm quý báu, sự quan tâm sâu sắc của các diễn giả tham gia chương trình, đã đi sâu phân tích, thảo luận, chia sẻ những ký ức, những tình yêu dành cho chiếc áo bà ba - một hình ảnh văn hóa đặc sắc, cũng như những giải pháp để quảng bá chiếc áo bà ba ra thế giới. Đồng thời, thông qua việc tổ chức Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn sự kiện văn hóa này góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, phát triển một xã hội văn minh, thịnh vượng, tích hợp nét đẹp văn hóa truyền thống để thu hút du khách và nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Tấn Phong