Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát công tác giáo dục và đào tạo tại Hậu Giang
Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp Đoàn có đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Văn Chính, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đồng chí Lê Công Lý, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Sầm Hoàng Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, năm 2015, tỉnh đã đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và duy trì đến thời điểm hiện tại; 100% trẻ 5 tuổi được huy động đến trường. Năm 2018, toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Về phổ cập giáo dục THCS, có 22/75 xã, phường, thị trấn, 6/8 huyện, thị thành phố đạt chuẩn mức độ 2, còn lại đạt chuẩn mức độ 3. Toàn tỉnh có 12 trường dạy tiếng Khmer, trong đó có 2 trường dân tộc nội trú, 1 trường dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh có 12 trường dạy tiếng Khmer, trong đó có 2 trường dân tộc nội trú, 1 trường dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia.

Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đạt chuẩn là 97,54%, trên chuẩn là 74,37%; cấp tiểu học đạt chuẩn 91,16%, trên chuẩn 0,8%; cấp THCS đạt chuẩn 93,56%, trên chuẩn 0,69%; cấp THPT đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 20,09%; hệ giáo dục thường xuyên đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 17,33%. Giai đoạn 2013-2023, kinh phí đầu tư xây dựng, phát triển giáo dục và đào tạo là hơn 2.090 tỉ đồng. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh vận động xã hội hóa trên 432 tỉ đồng. Năm 2022, toàn tỉnh có 261/317 trường có đơn vị đỡ đầu trường học.

Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh có trung tâm học tập cộng đồng. Toàn tỉnh có 2.066 tổ chức hội khuyến học tại cộng đồng dân cư với 255.130 hội viên, đạt tỷ lệ 34,95% dân số của tỉnh. Những năm qua, toàn tỉnh đã huy động được hơn gần 231 tỉ đồng, trao trên 53.000 suất học bổng và gần 290.000 suất quà. Tỉnh cũng triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, với 100% giáo viên được tập huấn. Hoàn thiện nội dung chương trình giáo dục địa phương và đưa vào giảng dạy các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, Hậu Giang đã triển khai nghiêm túc, bài bản các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và đạt kết quả thiết thực.

Tỉnh đã thực hiện 9 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó đã xây dựng các đề án, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương, từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Lãnh đạo tỉnh rất coi trọng giáo dục, xem đây là “chìa khóa mở cửa tương lai”, nhất là quan tâm đổi mới chính sách, cơ chế tài chính để huy động toàn xã hội tham gia. Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kỹ năng sống cho học sinh. Từ đó, công tác quản lý giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng đà phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Vũ Thanh Mai đề nghị, thời gian tới, Hậu Giang cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29. Quan tâm, đầu tư cho con người, lấy con người làm trung tâm, là động lực cho sự phát triển. Phát triển con người Hậu Giang giàu chuyên môn, có văn hóa và bản sắc dân tộc, xem con người là mục tiêu, là động lực để phát triển trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nghiên cứu, đầu tư cho ngoại ngữ để hội nhập và quốc tế hóa. Triển khai có hiệu quả hoạt động chuyển đổi số trong dạy và học. Tiến hành hoạt động xã hội hóa để đầu tư cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo. Duy trì quyết tâm, năng lượng hiện có để đưa ngành giáo dục của tỉnh phát triển trong tương lai.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất