Thời đi học ai trong chúng ta cũng đã quen thuộc với bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm với những câu thơ: “Đưa người, ta không đưa qua sông/ Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?…” nhưng ông đâu chỉ có bài thơ này. Mới đây qua bao nỗ lực, gia đình đã tìm thấy rất nhiều tác phẩm của ông ở các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch…
Hội trường trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam sáng 10-5 đông vui, náo nhiệt hơn hẳn khi người đến đây có những nhà thơ, nhà văn, nhà báo và những người quan tâm, yêu mến Thâm Tâm. Tại buổi lễ trang trọng, ấm cúng và gần gũi này, gia đình cố nhà thơ đã kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu tập sách “Truyện ngắn Thâm Tâm” (NXB Văn học). Và bất ngờ hơn đó chỉ là một phần trong số tư liệu đồ sộ mà gia đình cố nhà thơ đang nắm giữ, bao gồm 83 truyện ngắn và 29 kịch ngắn trên Tiểu thuyết thứ bảy (từ 1939 đến 1944), 27 truyện vừa đăng trên Truyền bá, hai tiểu thuyết “Thuốc mê” và “Nỗi ân hận dài” do Tân Dân xuất bản.
Sống cách thời đại hôm nay cả thế kỷ, hơn nữa lại trong thời chiến tranh, loạn lạc nên phải nói việc tìm được những tư liệu về Thâm Tâm là công việc không dễ dàng. Để có được những tư liệu quý giá này, gia đình cố nhà thơ đã phải đổ biết bao công sức, tiền bạc để sưu tầm từ các nhà sưu tầm trong và ngoài nước. Nhưng như ông Nguyễn Tuấn Khoa, người con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm khẳng định trong buổi ra mắt sách sẽ làm chúng ta không khỏi xúc động: “Tôi lớn lên khi không biết mặt cha vì thế qua mỗi tư liệu, tác phẩm về cha sẽ giúp tôi “nhìn thấy” cha mình được rõ hơn, để tự hào hơn, sống có trách nhiệm hơn. Dù ai cũng biết các tư liệu, tác phẩm về cha mua lại tư các nhà sưu tầm là rất đắt nhưng tôi vẫn và sẽ quyết mua”.
|
Con trai nhà thơ Thâm Tâm chia sẻ tại buổi ra mắt sách của cha.
|
Nhắc đến nhà thơ Thâm Tâm là nhắc đến một gương mặt nổi bật của nền thi ca Việt Nam. Ông có nét tương đồng với Nam Cao, khi đều là liệt sĩ và cuộc đời quá ngắn ngủi, chỉ ngoài 30 tuổi. Chính xác Thâm Tâm sống trên đời 33 năm như vậy có nghĩa là ông chỉ sáng tác trong khoảng hơn 10 năm nhưng đã cho ra số lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị đến hôm nay. Nhưng hơn hết, ngoài những tác phẩm để lại, Thâm Tâm còn để lại tư tưởng, tinh thần tận hiến cho văn học và cuộc đời. Đó là điều mà giới trẻ hôm nay cần “soi chiếu” để cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Với những người cầm bút trẻ thì Thâm Tâm là tấm gương lớn để chúng ta có quyền hy vọng về một tác phẩm đỉnh cao như “Tống biệt hành” hay xa hơn nữa là hướng đến giải thưởng Nô-ben văn học danh giá.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đến tham dự buổi lễ với 2 tư cách, ngoài là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam còn là người đồng hương Hải Dương của nhà thơ Thâm Tâm. Với sự ngưỡng mộ trước tài năng, trí tuệ và nhân cách sống của bậc đàn anh, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: ““Tống biệt hành” cùng với “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư và “Tây Tiến” của Quang Dũng là những “độc bản” (không có bản thứ hai). Bản thân “Tống biệt hành” đã khác rất xa với phong cách sáng tác của Thâm Tâm cũng như phong cách sáng tác của các tác giả cùng thời. Tiểu thuyết của Thâm Tâm cũng có những nét riêng biệt, độc đáo, như “Thuốc mê” là một ví dụ. Ở đó nhà thơ xứ Đông đã viết theo phong cách mà chính những nhà văn hôm nay đang hướng đến”.
Cùng với 3 anh em Nguyễn Tường Lân (tức Thạch Lam), Nguyễn Tường Tam (tức Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (tức Hoàng Đạo) với nhóm Tự lực văn đoàn, Thâm Tâm là niềm tự hào của quê hương Hải Dương, quê hương của “Đường 5 chiến đấu và dựng xây”. Thế hệ các ông đã gây dựng nên một nền văn chương nước nhà lộng lẫy và kỳ vĩ, đồng thời cũng gây dựng nên một “ngôi đền thiêng” văn chương xứ Đông trong lòng bạn đọc.
Công cuộc tìm kiếm tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm chưa dừng lại. Tác phẩm của ông vẫn đang được các nhà sưu tầm tìm kiếm và với quyết tâm của gia đình, chúng ta có quyền hy vọng và chờ đợi những tác phẩm có giá trị một ngày gần nhất sẽ được giới thiệu đến bạn đọc. Đọc Thâm Tâm để thêm hiểu về nền văn chương nước nhà – một thời kỳ hoàng kim với biết bao tác phẩm làm nức lòng nhiều thế hệ.
Thâm Tâm đi xa nhưng tinh thần, tư tưởng và cốt cách của ông vẫn còn đó. Rồi đây chúng ta sẽ còn nhớ về ông không chỉ dừng lại ở ngày sinh nhật lần thứ 106 này.
Nhà thơ - liệt sĩ Thâm Tâm tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12-5-1917 tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương), tỉnh Hải Dương. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông gia nhập quân đội, lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa làm Thư ký tòa soạn Báo Vệ quốc quân (nay là Báo Quân đội nhân dân) vừa sáng tác. Ông mất ngày 18-8-1950 trên đường đi công tác ở chiến khu Việt Bắc, được đồng đội và nhân dân địa phương mai táng tại bản Pò Noa, xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.
Các tác phẩm văn xuôi của Thâm Tâm mới sưu tầm gồm: Truyện ngắn Thâm Tâm, 4 truyện cổ tích và Tập truyện ngắn chọn lọc “Tháng ba sấm đông” (NXB Văn học ấn hành), “Thâm Tâm truyện vừa” (NXB Quân đội Nhân dân), bên cạnh đó, NXB Lao động và Công ty Linh Lan liên kết ấn hành bộ ba Tuyển truyện ngắn “Gió thu hoa cúc gẩy rồi” cùng 2 tiểu thuyết “Thuốc mê”, “Nỗi ân hận dài”, năm 2023. Ngoài ra, NXB Kim Đồng cũng đã ấn hành bộ truyện thiếu nhi gồm 3 cuốn “Hai cây hoa nhài” (tập truyện cổ tích), “Thuồng luồng ở nước” (tập truyện dã sử) và “Con rùa đội vẹt” (tập truyện đồng thoại).
|
Ngô Khiêm