Những ngày cuối tháng 8, cùng với đồng chí Tô Quý Bôn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiền Hải, chúng tôi về thăm gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Nhĩ tại xã Tây Phong, huyện Tiền Hải, Thái Bình. Nguyễn Ruệ, thân nhân trực tiếp trông coi, thờ cúng liệt sỹ và Nguyễn Hữu Riệp, trưởng dòng họ Nguyễn Viết đã kể lại trường hợp hy sinh của liệt sỹ Nhĩ với chúng tôi.
Liệt sỹ Nguyễn Văn Nhĩ (còn gọi là Nguyễn Viết Nhĩ, Nguyễn Nhĩ), sinh năm 1923,16 tuổi, đồng chí tham gia các phong trào của địa phương, vào Đảng năm 1948, từ năm 1949 làm Xã đội phó xã Ái Quốc (nay là xã Tây Tiến và Tây Phong, huyện Tiền Hải).
Với địa bàn rộng gần 8 km gồm 7 thôn, không ngại hiểm nguy, cùng với đồng đội, Xã đội phó Nhĩ luôn hăng hái, tận tụy trong việc vận động quần chúng, xây dựng lực lượng bán vũ trang của xã. Nhờ vậy, đến năm 1948, chưa kể lực lượng dân quân, mỗi thôn đã có một trung đội du kích chiến đấu (từ 30-40 người).
Đầu năm 1950, lực lượng cách mạng xã Ái Quốc ở vào tình thế rất khó khăn, thực dân Pháp truy lùng, tàn sát đẫm máu cán bộ, đảng viên và triệt hạ các cơ sở kháng chiến. Giặc Pháp treo thưởng 50 ngàn tiền Đông Dương cho ai lấy được đầu Nguyễn Văn Nhĩ, cán bộ chủ chốt của xã. Thế nhưng, các đồng chí trong cấp ủy, chi bộ xã và Ban xã đội vẫn kiên cường, bí mật củng cố, xây dựng lực lượng chủ động đối phó với địch. Lần thứ nhất, do chỉ điểm, đồng chí bị địch bắt, chúng dùng búa đinh đập nát 10 đầu ngón tay mà không khai thác được gì, phải thả Nguyễn Văn Nhĩ về. Hai tháng sau, địch tổ chức 2 ngày liền vây ráp ráo riết làng Lưu Phương, tập kích vào cơ sở cách mạng nơi đồng chí cùng các cán bộ chủ chốt của xã và một số cán bộ huyện đang họp. Hai người hy sinh tại chỗ, một bị thương nặng, một số được cơ sở cứu thoát còn đồng chí Nguyên Văn Nhĩ, do một chân bị thương nặng nên đã sa vào tay giặc.
Giặc Pháp đã giải đồng chí nhiều lần từ bốt này sang bốt khác, dùng đủ các âm mưu, thủ đoạn từ mua chuộc, dụ dỗ, rồi khủng bố tinh thần đến tra tấn dã man. Có lần, địch dùng giẻ tẩm dầu cuộn vào hai cánh tay của ông rồi châm lửa đốt. Hai cách tay bị trói, lửa lan chậm từ da vào đến xương, mùi khét lẹt khắp phòng giam nhưng đồng chí nhất mực không khai một lời, chỉ lớn tiếng tố cáo, chửi mắng quân thù. Sau 47 ngày giam cầm, tra tấn, 10-5-1950, bất lực trước khí phách anh hùng của người cộng sản, giặc Pháp hèn hạ, độc ác, bí mật đưa Nguyễn Văn Nhĩ cùng một đồng chí khác đi thủ tiêu. Chúng đào hố tại bãi sông Lân (cống Hữu Vi, xã Nam Chính, Tiền Hải), chôn hai đồng chí đến cổ rồi bắn vỡ đầu. Trước khi bị địch bắn, hai người chiến sỹ cộng sản đã hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm”; “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”; “Đồng bào ơi, chúng tôi là Nhĩ và Sách bị địch giết ở đây”. Tấm gương hy sinh anh dũng và tiêng hô bất tử của hai liệt sỹ đã tiếp thêm sức mạnh cho phong trào cách mạng xã Ái Quốc. Liên tiếp sau đó là các trận đánh lớn, nhỏ của lực lượng vũ trang xã Ái Quốc và các trận đánh phối hợp với lực lượng bộ đội, san bằng toàn bộ đồn bốt địch quanh xã. Do vậy, trong suốt 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, xã Ái Quốc chỉ bị địch tạm chiếm, lập tề gần 2 năm, trong đó thực chất kẻ địch chỉ thực hiện được tề chống phá cách mạng trong 9 tháng đầu của năm 1950.
Từng là Bí thư Đảng ủy xã Tây Phong 10 năm, Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tô Quý Bôn cho biết, mảnh đất Tây Phong vốn có truyền thống cách mạng từ những năm 1930, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và bảo vệ thành quả cách mạng, xã có rất nhiều tấm gương hy sinh anh dũng. Toàn xã có 113 liệt sỹ, trong đó 19 liệt sỹ chống Pháp; 62 thương bệnh binh; 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và đó đều là những hạt giống đỏ của quê hương. Máu các anh đã đổ xuống, viết lên những trang sử truyền thống anh hùng cho thế hệ sau kế tục phấn đấu xây dựng mảnh đất Tây Phong giàu mạnh, nở hoa kết trái.
Trong câu chuyện về liệt sỹ Nguyễn Văn Nhĩ, chúng tôi được nghe kể đến chi tiết người vợ đồng chí đang mang thai đứa con thứ 2, khi vào thăm chồng, đồng chí đã dặn vợ: “Em cố gắng nuôi các con khôn lớn để tiếp bước cha anh. Nếu sinh con trai thì đặt tên con là Nguyễn Tất Thắng, vì anh tin cách mạng thắng lợi là tất yếu”. Đúng như niềm tin đó, năm 1954 hòa bình lập lại ở miền Bắc; năm 1975, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Sau ngày nước nhà thống nhất, lớp lớp con em Tây Phong cùng nhau thi đua đoàn kết hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết quê hương. Trong thời kỳ đổi mới, những năm 2005-2010, năng suất lúa bình quân của Tây Phong đạt trên 120 tạ/ha, giá trị sản xuất đạt 43,34 triệu đồng/ha/năm. Thực hiện xây dựng nông thôn mới (2010-2012), Đảng bộ Tây Phong đã lãnh đạo, chỉ đạo 4 thôn, 4.350 nhân khẩu phát huy truyền thống quê hương anh hùng trong chiến đấu cũng như trong lao động sản xuất, sáng tạo, biết khai thác tiềm năng thế mạnh của quê hương, làm thay đổi bộ mặt làng quê. Tổng giá trị sản xuất năm 2012 đạt gần 110 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt gần 25 triệu đồng/người/năm. Đồng chí Tạ Trung Thành, Chủ tịch xã cho biết, đến nay xã đã đạt 12 tiêu chí nông thôn mới, trong năm 2013 phấn đấu hoàn thành 3 tiêu chí nữa, các tiêu chí còn lại sẽ về đích theo đúng lộ trình. Đồng chí cho biết thêm, Đảng bộ và nhân dân xã Tây Phong luôn ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống, dệt nên bức tranh giàu đẹp cho Tây Phong hôm nay. Hằng năm, công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, các chế độ với người có công đều được xã thực hiện đầy đủ, chu đáo.
Đảng, Nhà nước và dân tộc không bao giờ quên công ơn các anh - những tấm gương hy sinh trung trinh, bất khuất đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì nhân dân. Ngày 25-4-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định truy tặng cho Liệt sỹ Nguyễn Văn Nhĩ danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 2-9, hòa chung với không khí cùng cả nước kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Tây Phong và thân nhân gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Nhĩ sẽ long trọng tổ chức đón danh hiệu cao quý này.
Phan Anh
Báo Thái Bình