Chung tay xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp trên vùng cao Bản Phố
“Nhà sạch, vườn đẹp” , một mô hình mới ở Bản Phố do Hội phụ nữ xã phát động.

Khi nước sạch về bản


Bây giờ ông Lý Xuân Diu, 67 tuổi, dân tộc Mông ở thôn Bản Phố 2a - người có uy tín trong cộng đồng họ Lý, xã Bản Phố không phải vất vả cùng vợ đi tận lên núi hàng tiếng đồng hồ để lấy nước về sinh hoạt, đặc biệt là để nấu rượu ngô đặc sản nữa, công việc mà hầu như tất cả người dân ở Bản Phố - xứ sở rượu ngô đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước vốn đã làm. Bởi vì, mấy năm gần đây, gia đình ông và nhiều hộ dân khác trong thôn, xã được nhà nước đầu tư công trình nước sạch về tận thôn, bản.

Ông Diu bảo: “Nước đặc biệt quan trọng với đời sống người Mông chúng tôi và đặc biệt là nguồn nước tinh khiết trên núi Bản Phố để nấu rượu. Suốt gần 20 năm qua, tôi bị đau chân, có khi nằm liệt giường mất nửa năm. Nhà nước cho nguồn nước, tôi rủ bà con trong bản, xã mua ống kéo về tận nhà, làm bể nước sạch, công trình vệ sinh phục vụ đời sống, đặc biệt mắc vòi vào tận lò nấu rượu, rất là tiện. Có nước, đời sống của chúng tôi thuận tiện, thoải mái hơn xưa…”.

Đã bao đời nay, người dân tộc Mông xã Bản Phố chỉ biết ngày ngày lên nương, lên rẫy trồng cây ngô, cây lúa. Hằng ngày, họ phải băng qua nhiều km đường rừng để ra khe, suối lấy nước về sử dụng trong sinh hoạt. Mặc dù vất vả vậy nhưng họ cũng chỉ đủ ăn chứ đâu dám nghĩ đến việc một ngày nào đó hệ thống nước sạch về đến từng hộ gia đình, những nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng… Nhưng nay đã khác, đến thăm Bản Phố những ngày này, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay đang diễn ra…

Bản Phố - phố trên núi với những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát ven tuyến đường du lịch vào xã, những đường ống nước sinh hoạt vắt ngang qua sườn núi về tận thôn, bản. Nhiều gia đình người Mông đã chủ động xây dựng hệ thống bể nước, nhà tắm hiện đại, kéo vòi nước về tận bếp phục vụ nấu rượu ngô. Người dân ý thức hơn trong vệ sinh cá nhân, đặc biệt tích cực vệ sinh môi trường bản làng xanh, sạch, đẹp, ngày một hấp dẫn khách du lịch.  

Có được chuyển biến tích cực này là nhờ thời gian qua, Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư, tạo điều kiện cho chính quyền, nhân dân xã Bản Phố thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là công tác nước sạch, vệ sinh môi trường gắn với thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường. Đồng chí Thào Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã Bản Phố cho biết: “Thời gian qua, nguồn vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, đặc biệt là nguồn vốn 135 CP giai đoạn 1, 2 đầu tư xây dựng cho xã Bản Phố 7 công trình nước sạch, dài gần 24 km, trị giá hơn 5 tỷ đồng, phục vụ tốt và hiệu quả đời sống sinh hoạt cho đồng bào dân tộc Mông  vùng cao Bản Phố. Năm 2012, xã Bản Phố tiếp tục được Nhà nước đầu tư cho một công trình nước sạch ở thôn Kháo Sáo. Hiện nay công trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng có hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước còn triển khai dự án nâng cao nhận thức cộng đồng về nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ dân làm chuồng trại kiên cố khi chăn nuôi, nhà vệ sinh để đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt triển khai dự án hỗ trợ trường học bảo đảm công tác vệ sinh môi trường.”

Chuyển biến rõ nét nhất trong thời gian qua ở vùng cao Bản Phố là tình hình sử dụng nước sạch sinh hoạt. 7 công trình nước sạch sinh hoạt đang hoạt động cung cấp nước sạch thường xuyên cho 675 hộ dân. Những công trình này được đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn Nhà nước, đặc biệt là vốn chương trình 135 CP giai đoạn 1,2. Một số công trình xây dựng đã lâu, xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng đến việc dẫn nước. Để đảm bảo việc lưu thông nước sạch sinh hoạt cung cấp đầy đủ cho nhân dân, xã Bản Phố chỉ đạo các thôn, bản, các hộ được quản lý nguồn nước, đường nước thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, tu sửa. Đồng thời từ vốn ngân sách nhà nước cấp bổ sung bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt năm 2012, xã Bản Phố đầu tư duy tu, bảo dưỡng 350 m  đường ống dẫn nước và nguồn nước.  

Xã Bản Phố đã phối hợp với Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình nước sạch sinh hoạt thôn Kháo Sáo dài 2.938 m, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 58 hộ dân trong thôn. Có mặt tại thôn Kháo Sáo những ngày này mới thấy hết niềm vui, tiện ích của công trình nước sạch sinh hoạt đối với người dân trong thôn. Ông Thào Seo Lử, thôn Kháo Sáo phấn khởi nói: “Dân thôn Kháo Sáo chúng tôi vừa rồi được Nhà nước đầu tư một công trình nước sạch sinh hoạt kéo từ ranh giới xã Tả Văn Chư về thôn, bây giờ nước đã đến từng nhà. chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm. Thời gian tới, rất mong nhà nước tiếp tục hỗ trợ  một phần nào cho nhân dân làm nhà vệ sinh và chuồng trại”.  

Theo thống kê của UBND xã Bản Phố, trên 90% số hộ dân ở xã được sử dụng nước sạch sinh hoạt từ công trình Nhà nước. Hiện còn 2 thôn Quán Dín Ngài và Háng Dù với 98 hộ dân chưa có đường ống nước kéo tới. Xã Bản Phố đã phối hợp với cơ quan chức năng huyện tiến hành xong việc khảo sát, lập tuyến, dự kiến đầu tư xây dựng vào đầu năm 2013, bảo đảm 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống người dân xã Bản Phố.  

Ý thức xây dựng bản, làng xanh, sạch, đẹp  

Bản Phố là xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà. Trước đây do phong tục, tập quán lạc hậu, người dân còn có thói quen thả rông gia súc, gia cầm, nuôi cạnh nhà. Bên cạnh đó, lối ngõ chật hẹp, cống, rãnh thoát nước thải không có, một số loại chất thải rác sinh hoạt đổ bừa bãi, mất vệ sinh môi trường. Nhiều gia đình không có nhà vệ sinh, một số hộ dân có các công trình vệ sinh như tắm, nhà tiêu không đủ tiêu chuẩn, không bảo đảm vệ sinh môi truờng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sức khỏe của cộng đồng dân cư. Mấy năm gần đây, xã Bản Phố rất quan tâm thực hiện công tác vệ sinh môi trường gắn với thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đã đem lại hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống sinh hoạt, vệ sinh môi trường thôn, bản.

Chủ tịch UBND xã Bản Phố cho biết thêm: “Trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Hiện nay, hầu hết bà con đều nuôi nhốt và trồng cỏ chăn nuôi cho trâu, bò. Về sửa chữa các công trình đường giao thông, thủy lợi, nước sạch, theo quý, xã tổ chức cho nhân dân đi sửa, khơi thông cống rãnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Xã còn tuyên truyền cho bà con nhân dân xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm, làm thêm một số công trình vệ sinh phụ đảm bảo nhà sạch, vườn đẹp (tổ chức làm điểm tại thôn Bản Phố 2a)… Đặc biệt, xã triển khai tới 13 thôn, bản tổ chức tổng vệ sinh làng bản, đường làng, ngõ xóm, trường học… 1 lần/1 tuần,  vào dịp cuối tuần”.  

Đồng chí Chấu Thị Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, chung tay thực hiện xây dựng nông thôn mới, mới đây Hội phụ nữ xã vừa thành lập điểm câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp” tại chi hội thôn Bản Phố 2a. Việc làm đầu tiên của câu lạc bộ là tổ chức ra quân tổng vệ sinh làng bản sạch, đẹp. Sau khi mô hình này hoạt động, Hội Phụ nữ xã sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng tới 13 chi hội góp phần thực hiện thắng lợi tiêu chí vệ sinh môi trường, tiêu chí văn hóa xây dựng nông thôn mới vùng cao Bản Phố xanh, sạch, đẹp. Những việc làm này đã minh chứng cho sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của người Mông vùng cao Bản Phố.  

Mặc dù đời sống người Mông ở Bản Phố còn không ít khó khăn, thiếu thốn khi tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện chiếm trên 60%. Nhờ làm tốt công tác nước sạch, vệ sinh môi trường, nhận thức của người dân xã Bản phố đã từng bước nâng cao thông qua những việc làm hiện nay là tích cực thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, chăn nuôi. Người dân Bản Phố cần cù, chăm chỉ lao động sản xuất, đẩy mạnh nghề đúc rèn lưỡi cày, nhất là nghề trồng ngô, nấu rượu đặc sản, chăn nuôi theo mô hình nuôi nhốt, đưa các loại cây, con giống mới vào sản xuất theo định hướng hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao… Thu nhập của người dân nơi đây đã được nâng cao, đời sống bớt khó khăn. Người dân có điều kiện chăm lo cho cuộc sống hơn, đặc biệt là chăm lo sức khỏe, vệ sinh cá nhân, gia đình, môi trường, làng bản.  

Bộ mặt nông thôn mới vùng cao Bản Phố xanh, sạch, đẹp đang dần hiện hữu, góp phần thu hút ngày một nhiều khách du lịch đến thăm quan, tìm hiểu đời sống làng nghề truyền thống, mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân chung tay đoàn kết xây dựng nông thôn mới, bản làng ngày một giàu đẹp, văn minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất