Ngõ nhỏ bình dị dài chừng mười lăm mét ở một làng quê đồng bằng Bắc bộ, một bên là chiếc ao quê trong vắt xung quanh cây cối tốt tươi, một bên là ba ngôi nhà liền tường, liền dậu của ba Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngày xưa ngõ nhỏ này thuộc thôn Đồng Ngậu, làng Ngẫu Khê, tổng Sơn Đồng, huyện Quỳnh Côi, nay là xóm 7, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Trong kháng chiến chống Pháp làng này gọi là làng trang chiến (gọi tắt của bốn từ vũ trang kháng chiến). Làng trồng tre dày xung quanh, đào hào sâu rộng, đắp luỹ cao và chỉ có một cổng vào, một cổng ra. Đội du kích làng đã từng chặt chân tên Việt gian khét tiếng. Giặc Pháp nhiều lần bao vây, tấn công lùng sục nhưng vẫn không tiêu diệt được đội du kích, không khuất phục được tinh thần kháng chiến của làng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làng đã tiễn đưa lớp lớp thanh niên lên đường đánh giặc, chỉ riêng một dòng họ Nguyễn Hữu với 45 hộ dân đã tiễn đưa hàng trăm người con ưu tú lên đường đánh giặc, trong đó có 17 người đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của non sông đất nước. Ba Mẹ Việt Nam Anh hùng dọc một ngõ nhỏ đều là ba nàng dâu của của dòng họ Nguyễn này.
Tôi đã trò chuyện với Mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Khiêm khi mẹ 90 tuổi, mẹ còn khoẻ mạnh, nước da đỏ hồng, duy chỉ chỉ đôi mắt đã mờ. Vừa têm trầu, mẹ vừa chậm rãi kể chuyện về quãng đời đã qua của mình. Lấy chồng sinh hạ được một người con trai, năm 1940, chồng mẹ đã phiêu bạt nơi nào không biết. Mình mẹ làm thuê làm mướn nuôi con và ngóng tin chồng. Có tin đồn ông dính vào cờ bạc và trôi dạt sang đất Lào. Người con trai độc nhất của mẹ lớn lên được ăn học và trở thành thầy giáo. Đùng một cái, năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt, thầy giáo Huy đã “xếp bút nghiên”, chia tay mái trường, chia tay đàn em nhỏ lên đường chiến đấu. Mẹ bùi ngùi lặng lẽ nén buồn thành vui tiễn giọt máu duy nhất của mình ra chiến trường. Anh Huy đã để lại cho mẹ và người vợ trẻ ba đứa con thơ dại. Anh hy sinh, người vợ mới 31 tuổi và chị đã ở vậy đến giờ chăm sóc mẹ chồng, nuôi dạy con thơ. Mẹ Khiêm tâm sự: “Chỉ khi nào nhắm mắt xuôi tay mới quên được người con trai yêu dấu của mình !”.
Liền tường nhà mẹ Khiêm là nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Long. Mẹ Long cũng chỉ có một con trai độc nhất là Nguyễn Hữu Cầu. Mẹ Long giờ không còn nữa. Tôi đứng trong căn nhà của mẹ và tưởng tượng hình bóng mẹ ngày ngày ra vào tựa cửa ngóng tin con trai đi đánh giặc. Vào những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, con trai mẹ lúc đó 23 tuổi, mới cưới vợ. Một đêm cuối năm, anh Cầu trốn vợ, trốn mẹ để vào bộ đội. Anh được biên chế vào Tiểu đoàn Ký Con, Trung đoàn 4. Anh chỉ tạt qua nhà có một đêm, không kịp để lại cho mẹ một đứa cháu “cắm hương”. Anh Cầu hy sinh năm 1950, đến nay gia đình, họ hàng cũng không biết chính xác anh ngã xuống ở đâu, phần mộ nơi nào trên quê hương, đất nước mênh mông.
Tiếp tường nhà mẹ Long là nhà mẹ Bùi Thị Thiểm. Ngôi nhà của mẹ Thiểm khi tôi đến vẫn còn nguyên hình hài ngôi nhà tre mái lá của làng quê Việt Nam xưa. Trên bức bàn thờ dân dã, nhưng trang nghiêm, tôi thấy có 5 bức ảnh, ảnh vợ chồng mẹ Thiểm và 3 người con trai đã hy sinh vì Tổ quốc. Người con trai đầu tiên là Nguyễn Hữu Vãn. Tháng 3-1953, đại đội Hổ Xám của địch càn vào làng, lúc đó Nguyễn Hữu Vãn mới 17 tuổi, là liên lạc cho đội du kích. Anh bị địch bắn chết, đẩy xác xuống ao. Máu người liên lạc viên đỏ một góc ao làng. Người con trai thứ hai là liệt sỹ Nguyễn Hữu Chuốt, hy sinh ngày 3-5-1971. Người con trai thứ ba của mẹ là liệt sỹ Nguyễn Hữu Trạm hy sinh ngày 30-5-1968. Cả 2 anh đều ngã xuống trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Mẹ Thiểm chỉ còn lại 3 người con gái. Ngôi nhà tre lá của mẹ giao lại cho người cháu ngoại trông nom thờ cúng.
Từng bước nơi ngõ nhỏ, lặng ngắm chiếc ao trong vắt, tôi như thấy cả ba mẹ đang ngồi vo gạo, giặt áo, rửa rau trên những chiếc cầu ao có mảnh ván gỗ bắc hai chiếc cọc tre ngày nào, như nghe rõ tiếng cười nói râm ran của các mẹ làm xôn xao nắng trời, sóng nước. Tôi như nghe rất rõ tiếng bước chân những chàng trai - những đứa con thân yêu của các mẹ vang vọng dọc ngõ quê, dưới bóng lá cây vườn. Tôi đã đến nhiều vùng quê, qua nhiều ngõ nhỏ. Có một ngõ nhỏ có ba anh hùng, một ngõ nhỏ có mười liệt sỹ, một ngõ nhỏ có ba Mẹ Việt Nam Anh hùng, một ngõ nhỏ nhà nào cũng có người ra trận…
Ôi! Đất nước mình có biết bao nhiêu chiếc ngõ nhỏ mà lịch sử đã phải dừng lại rất lâu để viết những trang sử muôn đời, để nhắc mỗi chúng ta đừng bao giờ quên những chiếc ngõ nhỏ dân dã mà thiêng liêng mang dáng hình đất nước.
Lã Quý Hưng