Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết: Tình trạng các đơn vị sử dụng lao động đặc biệt là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ tiền BHXH, BHYT diễn ra khá phổ biến và tiếp tục có xu hướng gia tăng. Tính đến hết tháng 5-2013, nợ BHXH, BHYT trên cả nước đã lên tới 9.600 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH chiếm 7.140 tỷ đồng, nợ BHYT gần 2.467 tỷ đồng.
Nợ BHXH, BHYT ngày một gia tăng và hệ lụy của nó là hàng trăm, hàng nghìn người lao động không được hưởng quyền lợi chính đáng của mình về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Mặc dù, phần đông người lao động đã đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đầy đủ nhưng người sử dụng lao động lại không đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động mà lạm dụng tiền đóng của người lao động để đầu tư cho việc sản xuất, kinh doanh.
Cơ quan BHXH, cùng các cơ quan chức năng tuy đã nắm bắt được các hành vi vi phạm châm nộp, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với nhiều thủ đoạn của người sử dụng lao động nhưng ngành BHXH lại không có chức năng xử lý vi phạm; nợ BHXH chỉ phải đóng thêm một khoản tiền lãi chậm đóng bằng lãi suất tăng trưởng quỹ đầu tư BHXH (xấp xỉ khoảng 10% năm), trong khi đó lãi suất vay mà doanh nghiệp phải trả cho Ngân hàng thường gấp đôi so với mức lãi chậm đóng BHXH; mặt khác, chế tài đối với những doanh nghiệp không hoặc chậm đóng BHXH quá nhẹ. Doanh nghiệp vi phạm nặng chỉ bị phạt tối đa 30 triệu đồng, trong khi số nợ BHXH của doanh nghiệp có khi lên tới hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng… Chính vì những lý do trên, nên tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, ngày một nhiều. Mặc dù, cơ quan BHXH cũng đã áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nợ như: đối chiếu, thông báo kết quả thực hiện đóng BHXH, BHYT hằng tháng, tính lãi phạt chậm đóng đối với các đơn vị sử dụng lao động tham gia, công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy hiệu quả hoạt động của tổ thu hồi nợ liên ngành… Tuy nhiên, cơ chế thu hồi nợ này vẫn chưa đủ sức răn đe, và có thể nói là chưa nghiêm khắc nên việc thu hồi nợ còn lắm gian nan. Tình trạng chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT của nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp diễn.
Để khắc phục tình trạng này, đồng chí Lê Bạch Hồng - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, sẽ đề xuất những giải pháp “rắn” để ngăn chặn tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài: khi doanh nghiệp nợ tiền BHXH thì tiền phạt phải cao gấp 2 lần lãi vay ngân hàng; giao cho cơ quan BHXH có quyền được xử phạt những doanh nghiệp trốn hoặc chậm đóng BHXH cho người lao động hoặc ít nhất có thể trình UBND tỉnh xử phạt ngay; chiếm dụng tiền BHXH có thể xử lý hình sự;…
BHXH là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta, là chính sách ưu việt thể hiện sự sẻ chia, công bằng do cộng đồng và Nhà nước cùng hỗ trợ cho người yếm thế. Nhưng nếu không có sự vào cuộc manh tay, sự bổ sung, thay đổi các phương thức xử lý vi phạm, áp dụng các biện pháp xử lý với chế tài đủ sức răn đe của các cơ quan chức năng thì công tác an sinh xã hội sẽ còn nhiều lỗ hổng và người dân còn chịu thiệt thòi.
Bảo Trâm