Tri ân những người có công với đất nước

Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử và có hơn 12 thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trong đó, phải kể đến hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tiếp tục chứng minh sức mạnh, trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam trước sự “hung bạo” của kẻ thù; lòng dũng cảm của lớp lớp người Việt Nam “chân đồng, vai sắt” đã ngã xuống hoặc để lại một phần cơ thể trên chiến trường, làm nên bản hùng ca bất hủ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, huyền thoại có thật “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ở thế kỷ XX.

Là người đứng đầu đất nước, chứng chiến những hy sinh, mất mát lớn của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành tình cảm đặc biệt đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với Tổ quốc “xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng” và Người coi: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, nhân dân, cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ” và Người thay mặt Đảng, Chính phủ ký Sắc lệnh ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ và chọn ngày 27-7 hàng năm là ngày Thương binh, liệt sĩ.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người công với cách mạng như: Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16-7-2012 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH 13 ngày 20-10-2012 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội, sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Mẹ Việt Nam anh hùng”; Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15-5-2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn lập thủ tục, xác nhận và giải quyết chế độ đối với người có công và thân nhân của họ… và luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ được hưởng tiền tuất hàng tháng và người có công với cách mạng bằng việc phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, tổ chức nhiều chuyến đi an bồi dưỡng cho thương bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cấp có thẩm quyền ở các địa phương giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; triển khai và thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công theo quy định mới, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” như: Vận động các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội và nhân dân đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa; phấn đấu 100% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú; làm tốt công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ già yếu, cô đơn không nơi nương tựa; xây dựng mới và sửa chữa nhà cho những gia đình có công đang gặp khó khăn về nhà ở. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà đến các gia đình thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, thương bệnh binh đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm điều dưỡng trên cả nước nhân dịp kỷ ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7 hàng năm. Các cấp bộ đoàn phối hợp với các địa phương đồng loạt tổ chức dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm nhằm tưởng niệm, tri ân những người có công với Tổ quốc.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện và được toàn dân hưởng ứng tham gia với tất cả tình cảm và tinh thần trách nhiệm cao của cộng đồng xã hội. Qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đã được các cơ quan, đoàn thể nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời, nhiều gia đình người có công được tặng nhà tình nghĩa, hàng trăm hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà với kinh phí lên tới hàng tỉ đồng; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; giúp đỡ các hộ gia đình chính sách bằng những ngày công lao động trị giá hàng chục tỷ đồng về cây trồng, con giống để sản xuất. Phong trào xây dựng “xã, phường giỏi về công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công” đã phát triển rộng khắp trong cả nước. Công tác chăm sóc người có công được các địa phương tổ chức sáng tạo dưới nhiều hình thức khác nhau, nhiều nơi có cách làm hay như: thành lập tổ tình thương; nhận đỡ đầu con thương binh nặng, con liệt sỹ mồ côi; vận động giúp đỡ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn… Nhờ các chính sách của Nhà nước, sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, sự giúp đỡ, động viên của cộng đồng và sự cố gắng của bản thân, đến nay, phần lớn đời sống của các hộ chính sách, người có công với đất nước đều có mức sống trung bình khá so với cộng đồng dân cư nơi cư trú, trong đó, có nhiều thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công đã không ngừng phấn đấu, tiếp nối truyền thống anh hùng trong học tập, công tác, lao động sản xuất, xứng đáng là “gia đình cách mạng gương mẫu”, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo.

Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ không chỉ góp phần ổn định và nâng cao mức sống của thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, mà còn có tác dụng giáo dục toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống ân nghĩa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay. Sự quan tâm này được thể hiện sinh động bằng những hoạt động hết sức thiết thực, phù hợp với đạo lý truyền thống nhân văn ngàn đời của dân tộc Việt Nam và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước trong từng giai đoạn cách mạng.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, các địa phương đã cố gắng huy động mọi nguồn lực đóng góp để xây dựng, tu bổ nghĩa trang, nhà bia và các phần mộ liệt sỹ. Từ năm 1994 đến nay, trên 100 nghĩa trang liệt sỹ và nhà bia tưởng niệm được xây mới, hàng trăm nghĩa trang liệt sỹ được tu bổ, nâng cấp khang trang, sạch đẹp với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng; các trung tâm tỉnh và huyện lỵ đều đã có đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, nhiều công trình đã trở thành trung tâm hoạt động văn hoá, lễ hội của nhân dân địa phương. Ngày 27-7 hàng năm, các cấp uỷ đảng, chính quyền của tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động phong phú thiết thực để ghi nhớ công ơn, sự đóng góp to lớn của những người đã hy sinh xương máu cho dân tộc, cho Tổ quốc như: thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách, người có công; tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao cho thương binh, bệnh binh… Đặc biệt, các cấp bộ Đoàn của tỉnh đảm nhiệm việc tổ chức Lễ thắp nến, tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của các địa phương đã trở thành hoạt động có ý nghĩa thiết thực giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc đối với thế hệ trẻ nhiều năm nay. Đây cũng chính là những hoạt động thiết thực nhất để thế hệ hôm nay khắc ghi và có trách nhiệm với lớp lớp cha anh đã ngã xuống đổi lấy độc lập, tự do cho đất nước hôm nay và mãi mãi mai sau.

 

Phạm Thị Nhung

Trường sĩ quan Lục quân 2

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất