Công tác dân vận của Thành ủy Đà Nẵng trong xây dựng đô thị văn minh ở thành phố Đà Nẵng hiện nay
Thành ủy Đà Nẵng: Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thành phố luôn được Trung ương Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho phát triển. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” yêu cầu phải xây dựng thành phố “trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ;...”. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành... đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống.

Quán triệt nghị quyết của Trung ương và đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân Đà Nẵng, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được xác định là: “Xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong trong đổi mới và phát triển... phấn đấu xây dựng TP. Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại”[2].

1. Những kết quả công tác dân vận của Thành ủy Đà Nẵng trong xây dựng đô thị văn minh ở thành phố Đà Nẵng hiện nay:

Một là, thành ủy Đà Nẵng sớm xác định các nội dung, chương trình, kế hoạch công tác dân vận (CTDV) gắn với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành đô thị văn minh.

Ngày 25-12-2014, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định mục tiêu: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát huy dân chủ và sức mạnh đồng thuận, huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hoá - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên;... phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại. Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Tổ công tác tham mưu, giúp việc và ban hành 12 chương trình, kế hoạch cụ thể hóa triển khai thực hiện nghị quyết. Đồng thời chỉ đạo Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tham mưu xây dựng đề án về cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực về quy hoạch, thực hiện mô hình chính quyền đô thị, xây dựng mô hình cơ quan quản lý thống nhất, quản lý và thu hút đầu tư, tài chính - ngân sách, tín dụng và thuế, chính sách tiền lương, quản lý và phát triển đô thị, thực hiện các công trình trọng điểm có tính chất liên vùng. Tiếp đó, ngày 9-4-2022 UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND về việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2022, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện; gắn kết và phát huy vai trò của phong trào và đề án với phát triển văn hóa nông thôn, nếp sống văn minh đô thị. Kế hoạch đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền, của Ban ch đạo phong trào và đề án các cấp; sự phối hợp thường xuyên của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện phong trào và đề án. Tập trung xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong cộng đồng dân cư, gia đình, doanh nghiệp. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, chú trọng bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.

Hai là, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân về CTDV nhằm xây dựng đô thị Đà Nẵng văn hóa, văn minh.

Tại Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 25-12-2014 của Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu “Tập trung tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, trường học và cộng đồng dân cư với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp (...); xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và lâu dài, nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ về nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của mọi người, mọi cấp, mọi ngành, nhất là đối với cán bộ, đảng viên trong việc tuân thủ pháp luật và xây dựng, thực hiện văn hóa, văn minh đô thị;. Thành uỷ đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo không khí thi đua thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu nhiệm kỳ. Chính quyền các cấp tập trung xây dựng nền hành chính “hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, hiệu lực, hiệu quả”, xây dựng chính quyền thân thiện, lấy kết quả phục vụ và sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá gắn với triển khai hiệu quả các nội dung “5 xây”, “3 chống”. Cấp ủy cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo công đoàn, đoàn thanh niên thường xuyên quán triệt cho đoàn viên, hội viên về CTDV trong cơ quan hành chính nhà nước, lấy lực lượng này làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến gia đình, nơi cư trú và các tầng lớp nhân dân; đưa nhiệm vụ thực hiện CTDV trở thành một trong các tiêu chí để đánh giá xếp loại các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cuối năm. Khối lực lượng vũ trang thành phố đổi mới và nâng cao chất lượng CTDV gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp thực hiện CTDV giai đoạn 2016-2020. Chẳng hạn, Công an thành phố đẩy mạnh tuyền truyền phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”...[3].

Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng xây dựng và duy trì nền nếp chuyên trang “Dân vận”, chuyên mục “Dân vận - Vì sự đồng thuận của nhân dân”... Có thể nói, nhờ thực hiện nghiêm túc và kịp thời công tác tuyên truyền, quán triệt, ý thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan, địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của CTDV, dân vận chính quyền trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố ngày một nâng lên, qua đó coi trọng và trách nhiệm hơn trong việc gắn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với thực hiện CTDV, xem CTDV là một trong những tiêu chí để xét thi đua hằng năm [4].

Ba là, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập hợp nhân dân vào các loại hình tổ chức phù hợp gắn với các nội dung xây dựng đô thị Đà Nẵng văn hóa, văn minh.

Thành ủy mà trực tiếp là Ban Thường vụ Thành ủy thời gian qua đã chỉ đạo cấp ủy đảng củng cố bộ máy tổ chức MTTQ và các đoàn thể nhân dân ở địa phương, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đủ năng lực, có kiến thức thực hiện nhiệm vụ CTDV. Hội Nông dân với điểm nhấn là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tạo được sức lan toả trên nhiều lĩnh vực: nông - lâm - thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh thiếu nhi trên địa bàn. Các phong trào thi đua nhằm phát huy tính xung kích, sáng tạo, tình nguyện của thanh niên tham gia xây dựng địa phương như “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội”, “Bốn đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, phát động “Đợt hoạt động cao điểm vì an sinh xã hội”. Hội Liên hiệp Phụ nữ tích cực đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng đa dạng hóa, theo lứa tuổi, ngành nghề, sở thích. Các cấp Hội phụ nữ thành phố đã xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình “làm theo” thiết thực như “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”, học bổng “Ước mơ xanh”... Hội Cựu chiến binh tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu đóng góp thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đẩy mạnh phong trào thi đua Cựu chiến binh gương mẫu”; gắn với tham gia cùng cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” của Thành ủy. Đội ngũ trí thức phát huy tính chủ động trong sáng tạo, đề xuất giải pháp. Việc củng cố, kiện toàn, tổ chức, tập hợp, phát triển đội ngũ trí thức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật, Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật, Hội Khoa học lịch sử có nhiều chuyển biến: Các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng, quảng bá các đề tài, dự án, tác phẩm vào đời sống và sản xuất đạt nhiều kết quả rõ nét trong thực tiễn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Các tổ chức Hội quần chúng trên địa bàn thành phố không ngừng được củng cố và phát triển với 723 tổ chức hội, trong đó có 126 tổ chức hội hoạt động trong phạm vi thành phố, 130 tổ chức hội hoạt động trong phạm vi quận, huyện, 467 tổ chức hội hoạt động trong phạm vi phường, xã.. Nhiều tổ chức Hội đã phát huy khá rõ vai trò của mình như Hội chữ thập đỏ, Hội người cao tuổi, Hội khuyến học, Hội cựu thanh niên xung phong, Hội tù yêu nước, Hội doanh nghiệp trẻ…

Bốn là, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, lực lượng phối hợp làm CTDV gắn với nội dung xây dựng đô thị Đà Nẵng văn minh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức mình.

Từ năm 2016 đến 2020, Ban Dân vận Thành ủy cùng với UBND và khối LLVT thành phố đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về CTDV, trọng tâm là: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV trong tình hình mới”. Ban Dân vận Thành ủy phối hợp UBND thành phố và khối LLVT thành phố ký kết Chương trình phối hợp thực hiện CTDV giai đoạn 2016-2020. Thông qua các Chương trình phối hợp thực hiện CTDV, công tác cải cách hành chính trong các cơ quan đảng, nhà nước trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả rõ nét. Giai đoạn 2016-2020 toàn thành phố có 3.162 thủ tục hành chính (TTHC) đã được rà soát, đơn giản hóa, nhiều đơn vị đã đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết 20% TTHC, trong đó có các thủ tục phức tạp trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Hoàn thành cơ sở dữ liệu TTHC với 1.397 thủ tục đối với các sở, ngành, quận, huyện, bao gồm các quy trình, thủ tục phức tạp như tiếp cận đất đai, giải quyết các TTHC liên quan giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện có hiệu quả, lấy kết quả đánh giá mức độ hài lòng của công dân, tổ chức làm thước đo về chất lượng dịch vụ hành chính công.

Các cấp chính quyền đã tạo điều kiện, tôn trọng, phát huy vai trò của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Trong quá trình ban hành các văn bản chính sách, pháp luật, các dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đều tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; đồng thời tạo điều kiện để mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội phản ánh, kiến nghị với chính quyền những vấn đề nhân dân quan tâm thông qua các kênh thông tin: Đường dây nóng 1022, ứng dụng Kuuho, Cổng góp ý của thành phố (Gopy.danang.gov.vn).

Năm là, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm CTDV của HTCT 

Thành ủy mà trực tiếp là BTV Thành ủy đã chỉ đạo cấp ủy đảng, củng cố bộ máy tổ chức MTTQ và các đoàn thể nhân dân ở địa phương, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đủ năng lực, có kiến thức thực hiện nhiệm vụ CTDV. Chú trọng phân công cấp ủy viên và đảng viên trực tiếp làm CTDV nơi cư trú và nơi công tác. Xây dựng kế hoạch quy hoạch, đào tạo cán bộ ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội Đảng, có tuyển chọn cán bộ vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kiến thức, phẩm chất đạo đức trong sạch, lành mạnh và kỹ năng để làm CTDV. Chăm lo xây dựng, củng cố bộ máy các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội MTTQ tinh gọn, đội ngũ cán bộ đủ số lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động theo chủ trương tinh giản biên chế của Đảng, Nhà nước. Theo đó, 100% các cơ quan, địa phương, đơn vị đều xây dựng Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021, đảm bảo tỷ lệ và lộ trình tinh giản qua các năm, chú trọng thực hiện tinh giản biên chế để cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo tỉ lệ.

u là, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung giải quyết những vấn đề yếu kém, hạn chế trong quá trình thực hiện đô thị hóa của thành phố gây bức xúc trong nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các đơn vị, địa phương, công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp, xử lý kiến nghị, phản ánh của người dân đã có nhiều chuyển biến, đi vào nền nếp, bài bản và có hiệu quả hơn. Hiện nay, tất cả các sở, ban, ngành thành phố đều bố trí phòng tiếp công dân với đầy đủ tiện ích, niêm yết nội quy tiếp công dân và phân công cán bộ có trách nhiệm, giải quyết yêu cầu của tổ chức, công dân đến liên hệ công tác. Lãnh đạo các đơn vị thực hiện tiếp công dân định kỳ mỗi tháng một lần và được đăng ký hằng năm. Ban Tiếp công dân thành phố phục vụ tốt các buổi tiếp công dân của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố; sử dụng phần mềm để theo dõi đơn thư của tổ chức, công dân; báo cáo thống kê đầy đủ tình hình tiếp nhận và giải quyết đơn thư định kỳ theo quy định. Hằng năm, lãnh đạo thành phố duy trì chương trình “Tọa đàm mùa xuân”, chương trình “Đối thoại tháng 3”. Nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị cũng tổ chức đối thoại với nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, Cổng thông tin điện tử thành phố tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề Vệ sinh an toàn thực phẩm; Công an thành phố tổ chức đối thoại với nhân dân và thanh thiếu niên vi phạm pháp luật; Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ đối thoại với đội ngũ cán bộ, viên chức trong các trường học công lập trên địa bàn;, qua đó kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh mới tại cơ sở, không để xảy ra điểm nóng.

Bảy là, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo sơ kết, tổng kết CTDV gắn với nội dung xây dựng đô thị Đà Nẵng văn minh.

Công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện CTDV trong các cơ quan hành chính nhà nước luôn được BTV Thành ủy, các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện. Hằng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố lồng ghép kiểm tra quy chế dân chủ ở các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và xã, phường với nội dung kiểm tra, giám sát kết quả triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TW, Đề án 2108. Cấp ủy các địa phương hằng năm xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát với nhiều nội dung lồng ghép trong đó có kiểm tra, giám sát CTDV, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, việc giải quyết những vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát, công tác sơ kết, tổng kết cũng được triển khai thực hiện nghiêm túc và có báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm: Báo cáo số 93-BC/TU ngày 25-11-2016 của BTV Thành ủy sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TU ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Báo cáo số 199-BC/TU ngày 29-11-2016 của BTV Thành ủy sơ kết việc thực hiện Kết luận số 114-KL/TU của Ban Bí thư  (khóa XI) về nâng cao hiệu quả CTDV của các cơ quan nhà nước các cấp; Báo cáo số 423-BC/TU ngày 29-11-2019 của BTV Thành ủy kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2019... Qua kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết cho thấy các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, địa phương, đơn vị đã có nhận thức đúng đắn về CTDV của Đảng; việc triển khai nhiệm vụ chính trị luôn gắn với thực hiện CTDV; duy trì nền nếp việc phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách CTDV, các quy chế, quy định của cơ quan thường xuyên được rà soát, điều chỉnh bổ sung phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; kịp thời định hướng những nội dung, biện pháp góp phần nâng cao chất lượng thực hiện CTDV, công tác tôn giáo, dân tộc và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở [5].

2. Một số hạn chế

Thứ nhất, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động chưa thực sự được đổi mới, linh hoạt về hình thức truyền thông ở một số địa phương. Công tác triển khai các phong trào một số nơi chưa sôi nổi, thậm chí bị gián đoạn, nhất là trong thời gian thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 [6].

Thứ hai, nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận và các đoàn thể tuy có đổi mới nhưng có mặt còn hạn chế, chưa phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội [7]. Lãnh đạo, chỉ đạo CTDV, hoạt động của mặt trận, đoàn thể có mặt còn hạn chế, chưa có nhiều đổi mới; chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trước những vấn đề quan trọng của thành phố và công tác tập hợp quần chúng, hội viên, đoàn viên tuy có nhiều cố gắng nhưng có lúc chưa đáp ứng yêu cầu, còn gặp khó khăn trong hiệu triệu đoàn viên, hội viên tham gia; một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện đúng, đầy đủ chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” [8].

Thứ ba, công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các cơ quan đảng, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố trong việc thực hiện CTDV vẫn còn lúng túng, thiếu chặt chẽ. Một số cơ quan nhà nước chưa chủ động phối hợp trước khi ban hành các chủ trương, chính sách, quyết định hành chính có liên quan đến quyền, lợi ích của các tầng lớp nhân dân [9]. Việc triển khai Chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2020 có một số nội dung hiệu quả chưa cao: nội dung phối hợp với UBND thành phố về tập huấn CTDV chính quyền chưa được triển khai; việc xây dựng, phát hiện và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong CTDV chính quyền còn hạn chế [10].

Thứ tư, công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng về CTDV, dân vận chính quyền còn nhiều lúng túng, nội dung chưa phong phú, chưa sát thực tiễn. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước chưa thường xuyên [11]. Công tác giám sát của các cơ quan dân cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chưa được phát huy đúng mức [12].

Thứ năm, công tác dân vận chính quyền ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; việc nắm và dự báo tình hình nhân dân, lắng nghe những phản ánh của cơ sở chưa kịp thời nên việc xử lý có lúc chưa đạt hiệu quả. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội chưa thật sự rõ nét; công tác phát triển, nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên, xây dựng lực lượng chính trị trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập chưa đạt yêu cầu [13].

3. Một số kinh nghiệm

Thứ nhất, luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng đô thị văn minh. Chương trình xây dựng đô thị văn minh ở thành phố Đà Nẵng muốn thành công đòi hỏi sự lãnh đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc tích cực và phối hợp tốt giữa chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân. Để thực hiện tốt điều này đòi hỏi không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tập trung trí tuệ, tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập đang đặt ra trong quá trình thực hiện. Thường xuyên rà soát, tổng kết kinh nghiệm thực hiện các tiêu chí để hằng năm bổ sung vào nhiệm vụ giải pháp trong xây dựng đô thị văn minh. Tăng cường kiểm tra đôn đốc việc chấp hành quy chế làm việc, việc thực hiện nhiệm vụ của các đồng chí cấp ủy viên đã được phân công theo dõi địa bàn, kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình, có biện pháp giúp đỡ các địa phương tháo gỡ khó khăn.

Thứ hai, thực sự dân chủ, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, tuyệt đối không áp đặt hay dân chủ hình thức trong quá trình vận động, thuyết phục cán bộ, đảng viên và nhân dân

Trong lãnh đạo chỉ đạo xây dựng đô thị văn minh, chỉ có phát huy vai trò chủ thể của người dân mới bảo đảm sự thành công trong xây dựng chương trình này. Do đó, các cấp ủy, chính quyền phải tạo điều kiện để nhân dân tự quản, tự bàn bạc quyết định chương trình... Trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Thành ủy đã kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với  nguồn lực, điều kiện thực tế của địa phương và nguyện vọng của người dân. Phải dựa vào dân, có trách nhiệm với dân, phát huy sức mạnh đồng thuận của nhân dân để thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố, tất cả vì lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, trước hết cấp ủy đảng có chủ trương, chính sách đúng, được nhân dân đồng tình. Mọi chủ trương, chính sách đều phải được thực hiện công khai dân chủ. Phát huy dân chủ thực sự đi đôi với giữ vững kỷ cương, nhất là kỷ cương hành chính. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động, làm cho mọi người dân thấu hiểu mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chú ý việc vận động cán bộ, công chức, đảng viên gương mẫu để làm tốt công tác vận động, giáo dục nhân dân chấp hành.

Thứ ba, tăng cường công tác đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo chủ chốt các cấp và những người có trách nhiệm với nhân dân, qua đó tạo sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện tốt các chủ trương của thành phố. Củng cố lòng tin của nhân dân bằng chính kết quả công việc, “nói đi đôi với làm”. Mọi chủ trương, chính sách khi đề ra, dù khó khăn đến mấy cũng phải quyết tâm thực hiện và thực hiện có kết quả. Hết sức tôn trọng dân, lắng nghe nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của dân, qua đó tập trung giải quyết tích cực, kịp thời những vấn đề bức xúc của dân, tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở nhằm tránh gây phản ứng, bất bình của dân. Lãnh đạo các cấp sâu sát tình hình, quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tổ chức, công dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện CTDV gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và phân công trách nhiệm cụ thể giữa chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình triển khai thực hiện CTDV. Có như vậy, Đảng nói dân tin, mặt trận và đoàn thể vận động dân theo, chính quyền làm dân ủng hộ.

Thứ tư, CTDV phải luôn gắn bó mật thiết với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, biết làm CTDV. Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về CTDV phải có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự nhận thức đầy đủ, sâu sắc của các cấp chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước, nhất là người đứng đầu và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự kiên trì tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia thực hiện.

 Cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu đi đầu và nhận thức đúng về tầm quan trọng của CTDV; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với CTDV, xem CTDV không phải là nhiệm vụ của riêng ban dân vận, mặt trận và các đoàn thể mà là của cả hệ thống chính trị. Đề cao trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình thực hiện chương trình phối hợp; thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình phối hợp để kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế; tổ chức sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm và kịp thời khen thưởng, động viên các mô hình, điển hình trong quá trình triển khai thực hiện.

------------------------------------

 [1] Số liệu dân số tại thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019 theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019.

 [2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng bộ thành phố Đà Nẵng: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng - 2020, tr.54.

 [3] Thành ủy Đà Nẵng: Báo cáo số 534-BC/TU ngày 12-10-2020: Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư gắn với tổng kết Đề án của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước các cấp”, tr.5.

 [4] Thành ủy Đà Nẵng: Báo cáo số 534-BC/TU ngày 12-10-2020: Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư gắn với tổng kết Đề án của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước các cấp”, tr.2-3.

 [5] Thành ủy Đà Nẵng: Ban Dân vận: Báo cáo số 32-BC/BDVTU ngày 7-4-2021: Báo cáo kết quả triển khai Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Thành ủy với Ủy ban nhân dân thành phố và Khối lực lượng vũ trang thành phố giai đoạn 2016-2020, tr.2-5.

 [6] Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TU ngày 13-3-2017 của Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2017-2021, tr.13.

[7] Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng: Kết quả Đại hội đại biểu lần thứ XXI Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, tr.51.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng bộ thành phố Đà Nẵng: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng - 2020, tr.117.

 [9] Thành ủy Đà Nẵng: Báo cáo số 534-BC/TU ngày 12-10-2020: Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư gắn với tổng kết Đề án của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước các cấp”, tr.14.

 [10] Thành ủy Đà Nẵng: Ban Dân vận. Báo cáo số 32-BC/BDVTU ngày 7-4-2021. Báo cáo kết quả triển khai Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Thành ủy với Ủy ban nhân dân thành phố và Khối lực lượng vũ trang thành phố giai đoạn 2016-2020, tr.18.

 [11] Thành ủy Đà Nẵng: Báo cáo số 534-BC/TU ngày 12-10-2020: Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư gắn với tổng kết Đề án của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước các cấp”, tr.14-15.

 [12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng bộ thành phố Đà Nẵng: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng - 2020, tr.44.

 [13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng bộ thành phố Đà Nẵng: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng - 2020, tr.44.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất