Chiều 3-11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh họp báo cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 2 tháng cuối năm 2022 và công tác phòng, chống dịch của Thành phố. Chánh Văn phòng UBND thành phố Đặng Quốc Toàn; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương chủ trì cuộc họp.
|
Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: HH).
|
Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Tiến Đạt – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh (QLTT) cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, xuất - nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối và 1 thương nhân làm tổng đại lý, 29 đại lý bán lẻ, 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu xăng dầu.
Theo đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, nhìn chung tình hình kinh doanh xăng dầu trong những ngày đầu tháng 10 trên địa bàn Thành phố tương đối ổn định. Tuy nhiên, do thiếu nguồn cung xăng dầu dẫn đến việc có nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán. Theo báo cáo lúc cao điểm có 65 trên 550 cửa hàng không còn xăng, các cửa hàng có đăng ký mua xăng để bán nhưng đơn vị cung cấp cũng thiếu hoặc không còn xăng để cung ứng, đối với các cửa hàng còn xăng dầu thì vẫn hoạt động bình thường để phục vụ nhu cầu người dân.
Trong 3 ngày gần đây, số lượng cây xăng dầu thiếu hàng để bán có giảm đi, cụ thể ngày 3-11 có 65 cửa hàng thiếu xăng dầu để bán, nhưng nếu so với ngày 2-11 thì số lượng cửa hàng thiếu xăng ít hơn (ngày 2-11 có 87 cửa hàng thiếu xăng, ngày 1-11 là 111 cửa hàng). Riêng trong ngày 3-11 có 24 cửa hàng đã nhập xăng về và tiếp tục bán cho người tiêu dùng và không có địa bàn nào xảy ra tình trạng “không có cửa hàng xăng dầu bán cho người tiêu dùng” (trên cùng một địa bàn thì có cửa hàng xăng dầu tạm hết ngừng bán nhưng cũng có cửa hàng xăng dầu có hàng để bán cho người dân) - đồng chí Nguyễn Tiến Đạt khẳng định.
|
Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh khẳng định việc thiếu xăng dầu trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua là do thiếu nguồn cung ứng chứ không có tình trạng găm hàng (Ảnh HH).
|
Không có tình trạng găm hàng
Theo đồng chí Phó Cục trưởng Cục QLTT, kết quả kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố trong năm 2022 như sau:
Trong năm 2022, Đoàn kiểm tra liên ngành xăng dầu đã tiến hành kiểm tra, xử lý đối với 12 doanh nghiệp: có 5 doanh nghiệp vi phạm, 4 doanh nghiệp không vi phạm, 3 doanh nghiệp đang chờ xử lý, số tiền xử phạt hành chính là 1.328.481.000 đồng.
Về kết quả lấy mẫu thử nghiệm: đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành lấy 89 mẫu, sau kiểm tra, số lượng mẫu có kết quả đạt/phù hợp là 75, số lượng mẫu đang chờ kết quả là 13, số lượng mẫu không phù hợp (vi phạm) là 1 mẫu (dầu DO không phù họp với nhiên liệu diesel mức 2 (DO 0,05S) theo quy định tại QCVN l:2015/BKHCN và sửa đổi 1:2017 QCVN l:2015/BKHCN)
Ngoài ra, đoàn liên ngành đã tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm khác như: Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Sử dụng nhân viên trực tiếp kinh doanh không được đào tạo, không được huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định; Mua xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối...
Kết quả kiểm tra cho thấy, các cửa hàng xăng dầu tạm hết xăng dầu để bán thời gian qua là do thiếu nguồn hàng cung ứng chứ không có tình trạng găm hàng – đồng chí Phạm Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục QLTT khẳng định.
Hoàng Hào