Kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương năm 2021 đạt được một số kết quả khả quan, có nhiều điểm sáng tích cực, đáng khích lệ


Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương.

Đạt và vượt 21/32 chỉ tiêu kế hoạch năm 2021

Từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai  Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội nên tình hình 6 tháng đầu năm cơ bản đạt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên từ tháng 7-2021, dịch bệnh bùng phát mạnh, lây lan nhanh làm hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, người lao động bị mất việc, ngừng việc, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đến nay, hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh đã được khôi phục theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 đạt được một số kết quả khả quan, có nhiều điểm sáng tích cực, đáng khích lệ trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đã đạt và vượt 21/32 chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.

Tổng sản phẩm (GRDP) tăng

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,62% (kế hoạch tăng 8,5 - 8,7%); GRDP bình quân đầu người đạt 152,25 triệu đồng (kế hoạch 161,8 triệu đồng); cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 67,91% - 21,31% - 3,1% - 7,67% (kế hoạch 65,1% - 23,73% - 3,17% - 8,0%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng

Ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% so với năm trước (năm 2020 tăng 8,02%, KH 2021 tăng 9,2%); trong đó: khai khoáng giảm 35,7%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 2,8% và cung cấp nước tăng 1,3%. Sản lượng điện thương phẩm ước đạt 14 tỷ KWh, giảm 1,6% so với năm 2020; duy trì tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,99%.

Triển khai đầu tư các khu công nghiệp

Về khu công nghiệp, tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư các khu công nghiệp đã được quy hoạch. Trong năm, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đạt 5.698 tỷ đồng; cho thuê lại đất với tổng diện tích 160ha, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1 tỷ 700 triệu đô-la Mỹ (chiếm 82% toàn tỉnh) và 3.104 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã giải ngân 2 tỷ 073 triệu đô-la Mỹ, doanh thu đạt 35,1 tỷ đô-la Mỹ, xuất khẩu đạt 20,9 tỷ đô-la Mỹ. Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp (trong đó 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động), diện tích 10.963ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 88,13% và 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 790ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 67,4%.


Khu công nghiệp Bàu Bàng do Brcamex IDC làm chủ đầu tư.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng nhẹ

Triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch, nhất là tại 15 phường thực hiện “khóa chặt, đông cứng”; không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, sốt giá. Những tháng cuối năm, nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ đang dần phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 231.578 tỷ đồng, tăng 3,4% (năm 2020 tăng 12,3%, kế hoạch 2021 tăng 16%). Giá cả hầu hết các nhóm hàng cơ bản ổn định, ước chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 2,64%.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng

Tiếp tục duy trì thặng dư thương mại, thị trường Mỹ và châu Âu dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới bắt đầu hồi phục trở lại, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng công nghiệp chủ lực của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31 tỷ 500 triệu đô-la Mỹ, tăng 13,5% (năm 2020 tăng 8,5%, kế hoạch năm 2021 tăng 12%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24 tỷ 690 triệu đô-la Mỹ, tăng 14,7%. Thặng dư thương mại của tỉnh năm 2021 đạt 6,8 tỷ đô-la Mỹ.

Nông nghiệp ổn định, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai các giải pháp sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Diện tích các loại cây trồng, tổng đàn vật nuôi cơ bản ổn định, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 20.620ha, giảm 1,4% so với năm 2020, tổng đàn bò gần 25 ngàn con (tăng 1,3% so với năm 2020), tổng đàn heo 789 ngàn con (tăng 2,3%), tổng đàn gia cầm 13,5 triệu con (tăng 3,4%).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày một nâng lên, thu nhập bình quân của dân cư nông thôn năm 2021 đạt 71 triệu đồng/người/năm. Đến nay 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 huyện, 2 thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp

Tỉnh Bình Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư bằng nhiều phương thức, cách làm phù hợp; thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.


Lễ công bố thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp.

Đầu tư trong nước, tính đến 15-11-2021 đã thu hút 72.456 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, tăng 8,3%, gồm: 4.535 doanh nghiệp đăng ký mới (31.298 tỷ đồng), 879 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn (45.219 tỷ đồng) và 56 doanh nghiệp giảm vốn (1.904 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 53.147 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký 515 ngàn tỷ đồng.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến 15-11-2021: đã thu hút 2 tỷ 69 triệu đô-la Mỹ, vượt 14,9% kế hoạch năm, gồm: 64 dự án đầu tư mới (592 triệu đô-la Mỹ), 24 dự án điều chỉnh tăng vốn (808 triệu đô-la Mỹ), 161 dự án góp vốn (669 triệu đô-la Mỹ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.011 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 37 tỷ đô-la Mỹ.

Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm và đào tạo nghề

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, giảm nghèo được đẩy mạnh. Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được triển khai tích cực, hiệu quả. Bên cạnh thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ và triển khai giải ngân các gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đến ngày 13-11-2021 đã chi hơn 3,9 triệu lượt trường hợp, với số tiền là 2.897 tỷ đồng (trong đó, hỗ trợ tiền trọ cho công nhân phải thuê nhà trọ; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ; hỗ trợ thành viên tổ Covid cộng đồng; đặc biệt, hỗ trợ tăng thêm tiền ăn ngoài chính sách được quy định của Chính phủ cho bệnh nhân F0 và nhân viên y tế phục vụ điều trị bệnh nhân trong khu cách ly; hỗ trợ lương thực, thực phẩm ứng phó khẩn cấp cho người dân tại các phường thực hiện “khóa chặt, đông cứng”; hỗ trợ cho người nhiễm Covid-19 đang điều trị, cách ly y tế tại nhà; hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ cho lực lượng tham gia trạm y tế lưu động).

Tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 và 116/NQ-CP ngày 24-9-2021 của Chính phủ; làm việc trực tiếp với các tỉnh, thành phố để đón người lao động trở lại Bình Dương. Trong năm 2021, đã tạo việc làm cho 17.697 người (đạt 50,5% kế hoạch).

Dạy học trực tuyến, không thu học phí học kỳ I năm học 2021-2022

Tỉnh đã triển khai các giải pháp dạy và học phù hợp tình hình dịch bệnh; cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại; mạng lưới giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển nhanh, đạt tỷ lệ 72,83%. Năm học 2020-2021; 100% trẻ từ lớp 1 trở lên được dạy tiếng Anh; kết quả kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia đạt 32 giải; kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đợt 1 năm 2021 với tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,28%, xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố. Bàn giao 198 cơ sở giáo dục và huy động hơn 5.000 giáo viên phục vụ phòng, chống dịch.


Lễ khai giảng năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, tỉnh chỉ đạo tổ chức khai giảng và dạy học trực tuyến, không thu học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tại các cơ sở giáo dục công lập và định hướng các cơ sở ngoài công lập không tăng học phí; triển khai Chương trình vận động, quyên góp “Sóng và máy tính cho em”. Đã tiếp nhận nhận và phân bổ 90 bộ máy tính đầy đủ thiết bị, 643 máy tính bảng, 113 điện thoại, hơn 32.000 sim data và gần 3 tỷ tiền mặt, phối hợp tổ chức tiêm vắc-xin cho học sinh, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tiếp phù hợp theo đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương.

Dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Bình Dương đã thực hiện phương châm lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch; kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân và sát dân. Triển khai các phương án, kế hoạch và kịch bản phòng, chống dịch với nhiều cấp độ; huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, triển khai tiêm vắc-xin toàn dân tiến tới miễn dịch cộng đồng, tiếp nhận ủng hộ với tổng số tiền trên 642 tỷ đồng; có 60 đoàn với 3.406 y bác sĩ, tình nguyện viên chi viện cho tỉnh. Tính từ đợt dịch thứ 4 đến ngày 12-11-2021, tỉnh ghi nhận 242.874 ca nhiễm COVID-19; đã tiêm hơn 4,15 triệu liều vắc-xin (trong đó đã tiêm 109.542 liều cho đối tượng 12-17 tuổi), có 236.377 người xuất viện, 2.542 bệnh nhân tử vong.


Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương tại Lễ công bố vùng xanh trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một.

Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, số ca F0 mắc mới, số lượt thu dung điều trị giảm mạnh và xuất viện tăng, các địa phương thực hiện công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và bắt đầu tái khởi động các hoạt kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới từ 1/10/2021.

Đầu tư cho khoa học - công nghệ

Tỉnh đã hỗ trợ 3 doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ hơn 120 tỉ đồng, 100% hồ sơ kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu được thực hiện trực tuyến. Ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng giai đoạn 2021-2030. Hỗ trợ 4 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2019-2020, đạt 1 giải Vàng. Đạt danh hiệu “Địa phương tiên phong trong hành trình xây dựng Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Quốc gia” do VCCI bình chọn. Phối hợp tổ chức 4 sự kiện, hội thảo quốc tế kết nối khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo với các đối tác EU, Đức, ITAP (diễn đàn công nghiệp 4.0 châu Á). Ban hành kế hoạch về Thành phố Thông minh năm 2021, Vùng thông minh Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới ICF vinh danh Top 7.

Khó khăn, tồn tại

Trong quý III-2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thậm chí phải “khóa chặt, đông cứng” ở 15 phường nên gần như tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội đều bị ngưng trệ trong tháng 7, tháng 8-2021.

Tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực công nghiệp, dịch vụ, gặp rất nhiều rào cản, khó khăn, đạt mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2020, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Ngành nông nghiệp tuy ít chịu tác động của dịch nhưng vẫn gặp khó khăn về giá vật tư tăng trong khi giá bán nông sản giảm.

Người lao động mất việc làm, di chuyển tự phát về quê gây mất cân đối cung cầu trong ngắn hạn khi các hoạt động kinh tế - xã hội bước vào giai đoạn phục hồi; đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa gặp không ít khó khăn.

Hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng như năng lực điều trị bộc lộ nhiều hạn chế, nhân lực y tế phải chịu nhiều áp lực, thách thức trong điều trị các ca nhiễm; một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch sau khi đã được tiêm vắc-xin.

H.Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất