Đảng bộ quận Thanh Xuân (Hà Nội) lãnh đạo công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS

Khẩu hiệu của ngày thế giới phòng chống AIDS năm 2010 là “tăng cường lãnh đạo, trao quyền và thực hiện” tiếp tục nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện những cam kết nhằm ngăn chặn đại dịch toàn cầu.

Ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), mặc dù các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, các ban, ngành của quận đã quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, song tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn quận vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân đã ra Chỉ thị 14-CT/QU, ngày 8-5-2008 về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới” nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy, HIV/AIDS trên địa bàn quận. Quận ủy Thanh Xuân đã thường xuyên chỉ đạo các phường, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân phòng chống ma túy, HIV/AIDS. Tăng cường hướng dẫn các chi bộ lãnh đạo công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, HIV/AIDS thông qua việc thực hiện chuyên đề “Vai trò của chi bộ dân cư với công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS”.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS đã có nhiều chuyển biến và thu được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, công tác này cũng bộc lộ một số bất cập, thể hiện ở năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách của ngành y tế tại các phường còn hạn chế, việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo hoạt động, nắm tình hình cơ sở gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở, đơn vị vẫn coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ của các Trung tâm y tế và Phòng y tế quận, chưa huy động được các nguồn lực tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Nhận thức, hiểu biết về phòng, chống HIV/AIDS của nhân dân còn hạn chế. Các phương tiện thông tin đại chúng chưa tham gia tích cực vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS ở quận Thanh Xuân, chúng tôi xin nêu một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ quận xuống cơ sở. Thực tế cho thấy, sự lãnh đạo mãnh mẽ của cấp ủy đảng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến với “căn bệnh thế kỷ”.

Hai là, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ tuyên truyền, của hội viên các đoàn thể, đội ngũ tình nguyện viên, thanh niên tình nguyện trong việc tiếp cận và tuyên truyền trực tiếp cho gia đình người nghiện, các đối tượng có nguy cơ mắc nghiện cao ở cộng đồng, trong các trường học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tại khu dân cư. Huy động sự tham gia của các tổ trưởng dân phố, những người có uy tín trong cụm dân cư để tuyên truyền, thuyết phục một cách trực tiếp sẽ cho hiệu quả cao.

Ba là, đổi mới phương pháp tuyên truyền, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS với chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV. Đổi mới nội dung, thông điệp truyền thông theo hướng tập trung vào việc giải thích cho mọi người dân hiểu về khả năng lây truyền của HIV.

Bốn là, tăng thời lượng phát sóng các chương trình trên đài phát thanh, truyền hình để tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS. Chú trọng hướng tới các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao như tiêm chích, mại dâm. Đưa chương trình giáo dục phòng chống HIV/AIDS và chống kỳ thị bệnh nhân HIV/AIDS vào các trường học trên địa bàn quận.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất