Hội người cao tuổi Việt Nam - lực lượng nòng cốt trong công tác người cao tuổi
Thông báo số 45-TB/TW ngày 13-11-2006 của Ban Bí thư nêu rõ: “Trong hơn 10 năm kể từ ngày thành lập, Hội NCT Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, có ý nghĩa chính trị sâu sắc vào thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới”. Sau đó 3 năm, nhân dịp tổng kết hơn 14 năm thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 27-9-1995, Ban Bí thư một lần nữa nhận định: “Tổ chức Hội NCT Việt Nam ngày càng phát triển, tập hợp đông đảo NCT cả nước vào sinh hoạt, đóng góp thiết thực vào việc giữ gìn ổn định chính trị-xã hội ở cơ sở, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tin cậy, đánh giá cao". Những nhận định đúng đắn của Đảng đã tiếp thêm sức mạnh cho các tổ chức Hội vươn lên làm tốt vai trò nòng cốt trong các hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò NCT.

Hội
đã triển khai sâu rộng phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao-gương sáng”, góp phần thực hiện các chương trình kinh tế-xã hội, giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội đã phát huy được vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò NCT.

1. Thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách và các giải pháp lớn đối với NCT.

Từng nhiệm kỳ, từng năm, Ban Chấp hành Trung ương Hội đều có nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện các nhiệm vụ của Hội. Tổ chức Hội các cấp căn cứ vào đó xây dựng chương trình công tác hằng năm gắn với nhiệm vụ của địa phương, báo cáo và đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về những vấn đề liên quan đến chính sách đối với NCT.

Những năm qua, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của NCT, Trung ương Hội đã đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề có tính chiến lược đối với NCT, nổi bật là triển khai dự án xây dựng luật NCT. Quốc hội lần đầu tiên giao cho Hội NCT Việt Nam chủ trì xây dựng luật về NCT một cách hệ thống, toàn diện cả trên hai lĩnh vực chăm sóc và phát huy vai trò NCT, đáp ứng được nhiều đối tượng thụ hưởng, thỏa mãn được nhu cầu trước mắt của NCT, đồng thời có giá trị cho sự phát triển lâu dài và có chế tài bảo đảm thực thi có hiệu quả các điều luật. Luật NCT là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với NCT và các tầng lớp nhân dân, khuyến khích sự quan tâm rộng rãi của các tổ chức, cá nhân nhằm xã hội hóa công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT.

Hội đã tích cực thực hiện và cùng các tổ chức hữu quan tham gia tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW của Ban Bí thư (khóa VII) về chăm sóc NCT. Ban Bí thư kết luận và yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đưa công tác NCT và xây dựng Hội NCT vào chương trình làm việc thường xuyên trong công tác vận động quần chúng; phối hợp chặt chẽ với Hội NCT trong các phong trào, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Trung ương Hội và các cấp hội đã tích cực tham gia ý kiến xây dựng dự thảo báo cáo chính trị các đại hội toàn quốc của Đảng và đại hội đảng bộ địa phương; tham mưu với cấp ủy ban hành chỉ thị, cho ý kiến chỉ đạo công tác NCT và hoạt động các hội NCT ở địa phương. Những kiến nghị của Hội NCT Việt Nam đã được ghi trong báo cáo chính trị tại đại hội XI của Đảng: “Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để NCT hưởng thụ văn hóa, được tiếp cận thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của NCT trong xã hội và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, giúp đỡ NCT cô đơn, không nơi nương tựa”.

Tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện và tổng kết việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2006-2010, xây dựng chương trình mới cho giai đoạn 2012-2020. Chương trình chỉ ra các hoạt động cụ thể, phát huy vai trò của NCT và nâng cao chất lượng chăm sóc NCT phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trợ giúp NCT.

Hội đã tham gia và kiến nghị thành lập Ủy ban quốc gia về NCT, một tổ chức liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, phối hợp các hoạt động phục vụ công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều thành lập Ban công tác NCT, với chức năng, nhiệm vụ tương tự Ủy ban cấp trung ương.

Việc sắp xếp Đảng bộ cơ sở cơ quan Trung ương Hội trong Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Hội NCT Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, bố trí một cán bộ lãnh đạo hội ứng cử và được bầu vào Quốc hội các khóa gần đây. Lãnh đạo Hội được mời làm Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia về NCT, tham gia Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước tới thăm, làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội, tạo điều kiện thuận lợi và là diễn đàn thích hợp cho Hội đề đạt, kiến nghị các biện pháp giải quyết những vấn đề bức xúc trong hoạt động của NCT và Hội NCT.

2. Các nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Hội

Các nhiệm vụ cụ thể của Hội được quy định rõ tại Luật NCT và thể hiện trong Điều lệ Hội. Có thể vận dụng linh hoạt với điều kiện thực tế nhưng nhìn chung đều xoay quanh ba nhiệm vụ trung tâm và thường xuyên là xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; làm tốt nhiệm vụ chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của NCT và làm tốt nhiệm vụ phát huy vai trò, tiềm năng trí tuệ, kinh nghiệm của NCT trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Các nhiệm vụ trên cũng là nội dung thi đua hàng năm của phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” của Hội. Đầu năm đề ra chương trình hành động với những nội dung, chỉ tiêu cụ thể và cuối năm tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng. Ba mặt công tác trên có quan hệ khăng khít với nhau, không xây được tổ chức hội vững mạnh thì không thể làm tốt công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT; ngược lại, chỉ có thông qua các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò NCT mới có thể xây dựng được tổ chức hội vững mạnh, xây dựng lực lượng cán bộ hội và hội viên có tâm huyết với Hội và thực hiện tốt các mặt công tác của Hội.

Việc chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất của NCT được tiến hành thường xuyên thông qua các hoạt động tình nghĩa như mừng thọ, chúc thọ, thăm viếng khi đau yếu hoặc gặp rủi ro, chăm sóc sức khỏe, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, thành lập các câu lạc bộ văn nghệ dưỡng sinh NCT ở xã, thôn, khu dân cư (khoảng trên 35.870 câu lạc bộ), phúng viếng và tổ chức tang lễ chu đáo khi NCT qua đời...

Một số địa phương xây dựng được các trung tâm chăm sóc NCT già yếu, cô đơn tại gia đình. Một số tổ chức hội đã trích gửi cho NCT nghèo vay vốn tổ chức sản xuất, dịch vụ nhằm tăng thu nhập.

76% số xã, phường, thị trấn đã xây dựng Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT với số dư khoảng 177 tỷ đồng; nhiều tỉnh đã xây dựng được quỹ này ở 3 cấp và phần lớn do UBND cùng cấp xây dựng, quản lý. Ngoài quỹ trên, từng chi hội và tổ chức cơ sở hội còn có quỹ hội phí, chân quỹ do hội viên đóng góp khi gia nhập Hội. Chân quỹ thực chất là tiền của hội viên, tổ chức hội gửi tiết kiệm lấy lãi để triển khai các hoạt động, hiện có số dư khoảng 244 tỷ đồng. Quỹ phụng dưỡng ông bà, cha mẹ do từng gia đình quản lý và sử dụng, có số dư khoảng trên 554 tỷ đồng...

Năm 2009, Hội triển khai cuộc vận động “Một triệu áo ấm tặng người cao tuổi nghèo” đã thu được số áo ấm tặng 100% số NCT nghèo ở 62 huyện nghèo trong cả nước, tặng 585.532 NCT nghèo ở các nơi khác trong cả nước.

Triển khai Cuộc vận động “Mỗi xã làm một nhà cho NCT nghèo”, cả nước có gần 114 nghìn NCT nghèo xóa được nhà tạm. Riêng 4 năm 2007-2010, có 51 nghìn NCT nghèo được ở nhà khang trang hơn.

Thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với NCT: đến cuối năm 2010, có gần 888 nghìn NCT (gần 100% số NCT thuộc diện hưởng chính sách) được nhận trợ cấp hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế theo Nghị định số 13/2010/NĐ-CP. Đến tháng 6-2011, theo báo cáo của 61/63 tỉnh, thành phố, hơn 1,3 triệu NCT thuộc diện hưởng chính sách đã được nhận trợ cấp hằng tháng và thẻ bảo hiểm y tế. Một số tỉnh đã nâng mức trợ cấp hệ số 1 (180.000 đồng/người) lên cao hơn quy định chung (Bình Dương 340.000 đồng, Quảng Ninh 300.000 đồng, Hà Nội 250.000 đồng, TP.Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng 240.000 đồng...).

Nhà nước còn thực hiện một số chế độ ưu tiên, ưu đãi đối với NCT: giảm 20% giá cước tàu hỏa, tàu thủy và máy bay; giảm 50 % giá vé tham quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, mừng thọ và tặng quà NCT ở các độ tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 và trên 100 tuổi...

Quá trình tổ chức thực hiện hai nội dung chăm sóc và phát huy luôn gắn bó hữu cơ với nhau, chăm sóc tốt đời sống NCT cũng nhằm để phát huy tốt hơn những vai trò của họ.

Từ năm 2002, Trung ương Hội triển khai trong toàn Hội đợt sinh hoạt chính trị quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về NCT và tổ chức của NCT. Tổ chức Hội ở các cấp đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về chủ đề này. Trung ương Hội đã nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và phát hành hàng vạn bản sách “Hồ Chí Minh về NCT và tổ chức của NCT” gồm trên 50 bài viết, bài nói, thư từ của Người về NCT, phục vụ có hiệu quả đợt sinh hoạt này. Từ năm 2003, đợt sinh hoạt này được tiếp tục triển khai sâu rộng, tạo đà cho việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 27-3-2003 của Ban Bí thư về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới và các chỉ thị, kế hoạch của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Từ sự chuyển biến nhận thức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều hội viên ở cơ sở đã hăng hái tham gia các hoạt động sản xuất, dịch vụ, tăng thu nhập; khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học; xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng, phong trào “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; xây dựng tổ chức đảng, chính quyền vững mạnh, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội; xây dựng tổ chức hội, kết nạp hội viên mới...

Để nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, hội viên, ngoài những hội nghị tổng kết công tác hằng năm của Trung ương Hội và 10 cụm thi đua, Trung ương Hội đều coi trọng tổng kết chuyên đề, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm; động viên, khen thưởng cán bộ, hội viên và tổ chức hội đạt thành tích cao. Từ năm 2003 đến nay, Trung ương Hội đã 2 lần tổ chức Đại hội thi đua toàn quốc, lần I (2005) và lần II (2010); hai lần tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương NCT tiêu biểu trên các lĩnh vực: giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế (2004), ổn định chính trị ở cơ sở (2005), sơ kết 5 năm các hoạt động chăm sóc NCT(2006)... Đặc biệt, được sự phối hợp của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban dân tộc, năm 2009, Trung ương Hội đã tổ chức thành công Hội nghị biểu dương già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên...

Để phát huy vai trò, tiềm năng của NCT, những năm qua, Trung ương Hội đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng triển khai những hoạt động mà NCT có thể tham gia. Ví dụ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về chương trình xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm cho NCT nghèo với Ủy ban quốc gia về NCT Việt Nam, với các Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch hoặc với các Hội Nông dân, Liên hiệp phụ nữ, Cựu chiến binh, Khuyến học, Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh... về từng lĩnh vực của cuộc vận động toàn xã hội chăm sóc, phát huy vai trò NCT. Phối hợp với Bộ Công an về phong trào phòng chống tội phạm và gần đây với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng về chương trình bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, vùng biển; với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chương trình xây dựng nông thôn mới...

Họat động đối ngoại của Hội đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việt Nam là một trong những nước tích cực hưởng ứng Tuyên bố chính trị (19 điểm) và Chương trình hành động quốc tế về NCT theo quyết định của Đại hội thế giới lần thứ II về NCT (Liên hiệp quốc triệu tập tháng 4-2002 tại Tây Ban Nha). Hội xây dựng được mối quan hệ hợp tác với tổ chức NCT các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Phi-lip-pin, Lào, Pháp, Trung Quốc... với tổ chức trợ giúp NCT quốc tế (HAI) hiện đã có trụ sở tại Hà Nội.

Qua tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, phát huy vai trò NCT nêu trên, hệ thống tổ chức và cán bộ của Hội được xây dựng và kiện toàn. Cơ quan Trung ương Hội đã rút gọn từ 8 xuống 6 đơn vị (5 ban chuyên môn và văn phòng), các đơn vị sự nghiệp trực thuộc được kiện toàn và hoạt động theo Điều lệ Hội. Tổ chức hội ở cấp tỉnh và huyện chưa được hoàn thiện, số đông vẫn là ban đại diện hội cấp tỉnh và huyện gồm một số cán bộ chuyên trách và kiêm chức, công việc nhiều nhưng cán bộ, nhân viên lại ít. Thời gian qua, được sự đồng ý của các cấp ủy và hỗ trợ của chính quyền các cấp, Hội NCT tỉnh Đắc Nông đã thành lập được ban chấp hành từ tỉnh tới huyện; 43/63 tỉnh công nhận Hội NCT là Hội có tính chất đặc thù, gần chục tỉnh đã lập được ban chấp hành hội cấp tỉnh; số đông ban đại diện ở 2 cấp này đã được kiện toàn một bước theo hướng giảm cán bộ kiêm nhiệm, tăng cán bộ chuyên trách là NCT (trưởng ban hoặc phó trưởng ban thường trực). Hầu hết các tổ chức cơ sở Hội đã tiến hành đại hội nhiệm kỳ 2011-2015 và kiện tòan ban chấp hành cấp xã, lãnh đạo chi hội ở thôn, bản, khu dân cư...

3. Một số bài học về xây dựng Hội

Một là, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về NCT, không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng và sức mạnh to lớn của lớp lớp NCT; bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và địa phương, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể xây dựng từng chương trình, kế hoạch thực hiện sát đúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội về thực hiện các chủ trương, chính sách đó, bảo đảm cho các hoạt động của hội đạt hiệu quả cao.

Hai là, tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh, không ỷ lại, chờ đợi; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những chủ trương, chính sách, giải pháp về công tác NCT ở địa phương; xác định đúng trọng tâm, trọng điểm công tác phù hợp với điều kiện thực tế và có quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện; thúc đẩy các hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò NCT thông qua việc gắn kết phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao-gương sáng” của Hội với các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và phối hợp hành động với các tổ chức hữu quan, tạo thành sức mạnh tổng hợp trên từng lĩnh vực công tác của Hội.

Ba là, quán triệt quan điểm “chăm sóc, phát huy vai trò của NCT là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và xã hội”, tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước, nhất là các chương trình có liên quan đến NCT; thực hiện xã hội hóa công tác NCT, tăng cường sự phối hợp liên ngành và giữ vai trò nòng cốt trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò NCT” đồng thời phát huy khả năng chủ động, sáng tạo của NCT như tự vận động, tự phát triển, tự chăm sóc, tự chịu trách nhiệm.

Bốn là, khắc phục khó khăn, tập trung xây dựng các cấp và các tổ chức hội vững mạnh; công tác tổ chức, cán bộ phải đi trước một bước, đa dạng hóa các hình thức tập hợp NCT; qua thực tiễn lựa chọn cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt, nhiệt tình với Hội, nhất là người đứng đầu tổ chức hội các cấp, các đơn vị, quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách đã có đối với cán bộ hội và tạo điều kiện cần thiết cho cán bộ hoạt động có hiệu quả.

Phát huy những bài học kinh nghiệm tích lũy được, trong thời gian tới, toàn Hội tập trung tạo ra những chuyển biến mới trong công tác xây dựng Hội vững mạnh, nhất là về tổ chức và cán bộ; tích cực đưa Luật NCT và các quy định về Hội đặc thù vào cuộc sống, cùng với tổ chức hữu quan, giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với NCT mà Luật đã quy định; thực hiện chương trình hành động quốc gia giai đoạn 2012-2020, tạo điều kiện cho NCT thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và thụ hưởng đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tạo lập cuộc sống vui, khỏe, hạnh phúc, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội như đã ghi trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất