Miền Đông Nam Bộ - Một thời hào hùng, oanh liệt trong ký ức của vị tướng
Trung tướng Lê Nam Phong
Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ về khu rừng Bù Gia Mập - miền Đông Nam Bộ trong một buổi chiều nhộn nhịp khác thường. Đó là khi các trung đoàn chủ lực mang truyền thống của Đại đoàn 312 - Đại đoàn chiến thắng từ hậu phương miền Bắc vào chi viện cho cách mạng miền Nam - đến được vị trí tập kết sau những chuỗi ngày dài hành quân gian khổ. Trung đoàn nào cũng vậy, cán bộ, chiến sĩ còn trẻ măng, cuộc hành quân vượt Trường Sơn ngàn dặm, vắt nhiều, muỗi lắm, sốt rét rừng, bom đạn địch giăng suốt chặng đường hành quân, mang vác nặng, suối sâu, núi cao, ăn đói, nhịn khát, vậy mà ai cũng yêu đời, ai cũng háo hức ra trận giết giặc lập công. Chính ý chí gang thép của lớp chiến sĩ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đầy nhiệt huyết ấy đã làm rạng rỡ tên tuổi, chiến công của Sư đoàn 7 anh hùng trong mỗi trận giặc càn, mỗi mùa hành quân đánh Mỹ, diệt Nguỵ.

Tôi nhớ đến tháng 7 năm 1967, khi đó Sư đoàn mới làm quen với chiến trường nhưng ngay trận đánh mở đầu đã lập được chiến công lớn. Đó là trận đánh diệt gọn Tiểu đoàn 2, Chiến đoàn 9, Sư đoàn 5 nguỵ tại Tân Hưng của Trung đoàn 141 - Trung đoàn Ba Vì anh hùng. Rồi tiếp theo là chiến thắng Cần Lê vang dội của Trung đoàn 165 - Trung đoàn thành đồng biên giới.


Hôm đơn vị hành quân đánh trận Tân Hưng, Trung đoàn 141 có tới một phần ba cán bộ, chiến sĩ mắc bệnh quáng gà vì thiếu ăn, tuy vậy tất cả đều ra trận không ai chịu ở nhà. Lúc thắng trận trở về cả Trung đoàn cứ ôm nhau cười vang cả khu rừng rồi tự hỏi nhau rằng:“mắt mờ như vậy mà sao vẫn thắng quân thù”. Thì ra, ý chí sắt đá của con người cách mạng, lòng căm thù giặc, lòng trung thành với Đảng, với dân đã giúp các chiến sĩ vượt lên tất cả. Đó là, Trung đội phó Bế Văn Cắm, người được tặng thưởng huân chương đầu tiên trong trận Tân Hưng và là người đầu tiên dũng cảm dùng B40 diệt xe tăng địch ở Cà Tum. Sau đó, đồng chí được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang.


Nhớ về miền Đông Nam Bộ, tôi lại nhớ những ngày cả Sư đoàn cùng nhân dân xuống đường năm 1968. Ngày đó, Sư đoàn chưa vào được Sài Gòn, chỉ có Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165 mới chồm qua Lái Thiêu, thọc xuống cầu Bình Phước, trụ lại ít ngày rồi lại phải lùi ra. Trong những ngày khốc liệt ấy, những người mẹ, người chị ở Tân Uyên, Bình Chuẩn, Búng, Lái Thiêu đã che chở, nuôi dưỡng anh em thương binh, bảo vệ cơ sở cách mạng.


Nhớ về miền Đông Nam Bộ, tôi lại nhớ những ngày chốt chặn trên Đường 13 trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Nơi đây đã diễn ra cuộc đọ sức, đọ chí quyết liệt giữa ta và địch. 150 ngày đêm gian khổ, ác liệt, biết bao tấm gương anh hùng thật đáng quý, đáng yêu. Còn một người chốt không thể mất, còn ba người vẫn tấn công địch. Đó là Đại đội trưởng Đại đội B41 cùng hai chiến sĩ bám chốt kiên cường đánh lùi hàng chục đợt phản công của địch, Đại đội trưởng đặc công Dương Công Sửu đã dẫn đầu đội hình xung phong trong trận diệt trận địa pháo ở Chân Thành, Lai Khê. Rồi đến chiến sĩ - anh nuôi Cao Xuân Cới đã băng qua bom pháo, tận tuỵ lo từng bữa ăn cho đồng đội ngoài trận địa. Chưa kể đến các chiến dịch dài ngày căng thẳng và ác liệt, bộ đội phải thay nhau đánh giặc, thay nhau tắm giặt, cắt tóc, liên tục phải củng cố công sự trận địa. Trong suốt 150 ngày đêm ác liệt ấy, Sư đoàn 7 đã góp phần tiêu diệt Chiến đoàn 52 ở Đồng Tâm, Chiến đoàn 49 ở Bầu Bàng, rồi tiến tới diệt Chiến đoàn 8 lần thứ hai ở Dầu Tiếng, bắt sống trên 500 tù binh. Nhân dân và chiến sĩ trên mặt trận Miền Đông đã ca ngợi Sư đoàn 7 với các tên gọi như: “Sư đoàn 7 gan lỳ”, “Sư đoàn 7 - bức tường thép trên Đường 13”.


Nhớ về miền Đông Nam Bộ những ngày sau Hiệp định Pa-ri năm 1973 với những trận đánh lớn diệt nhiều đơn vị địch hung hăng lấn chiếm, tiêu biểu là trận diệt Tiểu đoàn 2, Chiến đoàn 9, Sư đoàn 5 nguỵ ở Bắc Nước và trên Đường 14.


Lại nhớ Chiến dịch Đông - Xuân 1974-1975, trên Đường 14 Phước Long. Ngày đó, thế và lực của ta đã hơn hẳn địch nên chỉ không đầy một tháng, cùng với đơn vị bạn, Sư đoàn đã ào ạt, liên tục đập nát các tuyến phòng thủ của địch ở Đức Phong, Đồng Xoài, Phước Bình, bao vây thị xã Phước Long, để ngày 6 tháng 1 năm 1975 lá cờ chiến thắng của Sư đoàn phấp phới tung bay trên dinh Tỉnh trưởng tỉnh Phước Long, giải phóng thị xã Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, tỉnh đầu tiên ở miền Nam hoàn toàn giải phóng.


Nhớ về miền Đông Nam Bộ, tôi lại nhớ tới những trận đánh trên Đường 20, Định Quán, Lâm Đồng, Xuân Lộc, Hố Nai, Sư đoàn đã mở toang cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn để đại quân của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh trận cuối cùng toàn thắng 11 giờ 30 phút trưa 30-4-1975 lịch sử.


Vừa đánh thắng giặc Mỹ - Nguỵ, giải phóng Miền Nam, Tổ quốc thống nhất, nhưng người lính của Sư đoàn 7 chưa được hưởng niềm vui trọn vẹn. Nhiều đồng chí chưa kịp về thăm quê hương sau bao năm xa cách, chưa kịp dựng lại mái nhà tranh giúp người mẹ, người vợ hiền tần tảo nuôi con, nuôi chồng đi đánh giặc. Nhiều đồng chí chưa kịp về xây dựng tổ ấm gia đình lại lên đường chiến đấu khi kẻ thù xâm phạm đến đất đai của Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Ngay từ trận đầu ra quân Sư đoàn đã lập công ở Núi Sam (Châu Đốc), Cây Me (Tây Ninh). Tiếp đến là những ngày tháng phòng ngự kiên cường ở Bến Cầu, Trảng Bàng của Sư đoàn đánh tan những cuộc hành quân lấn đất gây tội ác của bọn mặt người, dạ thú Pôn Pốt - Iêng Xa ri. Rồi từ Tây Ninh, Sư đoàn 7 lại có trong đội hình tiến công vào giải phóng PhnômPênh, cứu dân tộc Căm-pu-chia thoát khỏi hoạ diệt chủng.


Hơn 40 năm đã qua, nhưng con đường hành quân từ Bắc vào Nam của cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 7 thật đáng tự hào, thật là oanh liệt. Biết bao đồng đội thân yêu của Sư đoàn đã ngã xuống trên những nẻo đường hành quân và trong các trận đánh để cho lá Quân kỳ Quyết thắng của Sư đoàn rực rỡ Huân chương Chiến công, Huy hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Ăng Co và các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước ta và Hoàng gia Căm-pu-chia.


Xa Sư đoàn đã mấy chục năm qua, tôi vẫn nhớ khôn nguôi suốt chặng đường Sư đoàn hành quân đánh giặc. Miền Đông Nam Bộ gian lao và anh dũng không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi.


Hôm nay, tôi muốn nhắn gửi với các đồng chí cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, của Sư đoàn 7 nói riêng, những cán bộ, chiến sĩ trẻ thay chúng tôi làm tiếp nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội và nhân dân giao phó một tâm tình nho nhỏ: Các đồng chí hãy đùm bọc yêu thương nhau, trên dưới một lòng, cán binh gắn bó, lấy lòng dân làm điểm tựa của lòng tin để mỗi bước đi thêm “chân cứng, đá mềm”, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, làm đúng lời Bác Hồ dạy: Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.        
           
 

Phản hồi (8)

Hoang Van Nghiep 12/01/2012

Nhung con nguoi nhu Trung tuong da lam nen lich su, da lam nen hueyn thoai mot Viet Nam anh dung, bat khuat, kien cuong. Xin mot loi cam on.

pham van tuan 10/01/2012

Mot bai hoc guao duc thuc tien tuyet voi, cam on cac bac, cac chu, cac anh da tung vao song ra chet de co duoc cuoc song am no, hanh phuc nhu ngay hom nay

Hoàng Văn Hoán 28/12/2011

Đó là những nét truyền thống cực kỳ quý báu của quân đội và dân tộc ta. Đó cũng là những bài học thực tiễn bổ ích có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với các thế hệ trẻ mai sau. Xin chân thành cam ơn Trung tướng, cảm ơn tác giả bài viết.

1 2 3

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất