Có một người Hy Lạp đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ Việt Minh, đi suốt cuộc trường chinh chống Pháp và sau đó tiếp tục cống hiến cho cách mạng Việt Nam đến tận bây giờ. Đó là chiến sĩ quốc tế, bộ đội Cụ Hồ Kostas Sarantidis, tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập. Ông vừa hoàn thành cuốn sách kể về chặng đường từ một anh lính lê dương trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam của chính mình.
Cuốn sách "Chiến sĩ quốc tế, bộ đội Cụ Hồ Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, gồm hai phần. Phần thứ nhất là hai tập hồi ký của Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập với nhan đề “Tại sao tôi theo Việt Minh” và “Ở một trại tù binh Nam Việt Nam”. Phần thứ hai là những bài viết, bài thơ của nhiều tác giả trong nước viết về Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập.
Trong Lời giới thiệu cuốn sách, Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Liên khu 5 viết: “Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến trường Liên khu 5 và hơn 10 năm tham gia xây dựng miền Bắc, Kostas Nguyễn Văn Lập luôn hòa mình, gắn bó với nhân dân và quân đội ta, cùng chịu đựng mọi hy sinh, gian khổ, thiếu thốn, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều thành tích, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ…”.
Trong tập hồi ký “Tại sao tôi theo Việt Minh”, tác giả thuật lại chuyện mình từ một người lính lê dương trong đội quân viễn chinh Pháp, đổ bộ vào Sài Gòn tháng 4-1946 với “sứ mệnh giải giáp quân đội Nhật”. Nhưng khi nhận rõ bộ mặt và tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, ông đã tìm cách bắt liên lạc với Việt Minh và đến ngày 4-6-1946, ông đã trốn sang hàng ngũ Việt Minh. Từ đó, ông được mang tên Việt Nam Nguyễn Văn Lập và trở thành chiến sĩ của trung đoàn 803, Liên khu 5. Năm 1949, tại tiểu đoàn 365 đang hoạt động ở tỉnh Phú Yên, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong hồi ký “Ở một trại tù binh Nam Việt Nam” Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập kể lại những việc làm cụ thể của mình khi ông được giao làm Tổng giám thị Trại tù binh số 3 ở Quảng Ngãi. Trong đó ông đã phản bác một cách hùng hồn, vạch trần luận điệu vu cáo của những kẻ xấu xa trong giới báo chí Pháp, Mỹ khi cố tình bịa đặt, bôi nhọ, xuyên tạc chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với tù, hàng binh.
Năm 1965, ông về Hy Lạp, làm nghề lái xe. Nay ở tuổi 84, đã nghỉ hưu, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ông vẫn luôn hướng về Việt Nam bằng nhiều việc làm thiết thực, luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Ông đã vận động thành lập Hội Việt kiều yêu nước tại Hy Lạp, nhiều lần tổ chức vận động kiều bào đóng góp kinh phí ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đồng bào bị thiên tai ở Việt Nam. Khi viết xong hai tập hồi ký, ông Lập đã mang đi khắp thủ đô A-ten (Hy Lạp) vận động Việt kiều và bạn bè mua sách. Số tiền 2.700 Ơ-rô bán sách, ông đem về Việt Nam, giúp đỡ những trẻ em là nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng. Ngoài số tiền bán sách, ông còn tiết kiệm tiền ăn sáng hằng ngày để ủng hộ Việt Nam. Lần nào trở về thăm Việt Nam, mỗi lần ông đều dặn lại vợ con rằng, nếu có mệnh hệ nào thì hãy để ông an nghỉ trong lòng Tổ quốc Việt Nam.
Những việc làm của ông đã tạo ra sức lan tỏa lớn. Đại sứ quán Hy Lạp tại Việt Nam đã hai lần tổ chức quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng với tổng số tiền là 12.000 USD. Ban liên lạc truyền thống CCB Trung đoàn 803 đã tiến hành vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân mua sách để lấy tiền ủng hộ nạn nhân chất độc da cam TP. Đà Nẵng; kiến nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Nguyễn Văn Lập. Ngày 7-1-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng Huân chương Hữu nghị và Quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho chiến sĩ quốc tế, bộ đội Cụ Hồ Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập.
Các ý kiến phát biểu tại buổi ra mắt tập sách “Chiến sĩ quốc tế, bộ đội Cụ Hồ Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập” tại Đà Nẵng đều cho rằng, nội dung cuốn sách độc đáo, hấp dẫn; trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua chưa có chiến sĩ quốc tế nào đặc biệt như thế!
Bài và ảnh: Lê Văn Thơm
80 Hùng Vương, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng