Sáng 7-8, tại Hà Nội, Trung tâm bồi dưỡng chính trị Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương phối hợp với Cục phòng chống HIV-AIDS (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề về phòng chống HIV-AIDS năm 2015. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của Đảng ủy Khối, các báo cáo viên cấp Đảng ủy Khối và đại diện cán bộ truyền thông của các đảng ủy trực thuộc Khối.
Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV-AIDS (Bộ Y tế) đã trao đổi một số nội dung về công tác phòng, chống HIV-AIDS năm 2015. Theo đó, tại Việt Nam, kể từ trường hợp nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1990, tính đến tháng 6-2015, số người nhiễm HIV còn sống được báo cáo là 227.144 người, trong đó có 71.115 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, có 74.442 người tử vong do HIV/AIDS. Đại dịch HIV đã có mặt ở 100% số tỉnh, thành phố, 99% số quận, huyện và hơn 80% số xã, phường, thị trấn. Theo ước tính của các chuyên gia, hiện có tới khoảng 260.000 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng.
Chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trong 10 năm qua đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, đạt nhiều thành tựu to lớn. Nếu năm 2004 chỉ có 500 người đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV thì đến tháng 6-2015 đã có trên 96.000 người nhiễm HIV đang điều trị ARV. Công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đang được tích cực mở rộng, lồng ghép vào hệ thống y tế chung và phân tuyến về y tế cơ sở nhằm đảm bảo tính bền vững, tăng khả năng tiếp cận, giảm chi phí đi lại, tăng cường tuân thủ điều trị của người bệnh. Hiện nay, 50% số huyện đã có cơ sở điều trị HIV/AIDS và trên 500 trạm y tế xã đã cấp phát thuốc ARV cho người bệnh. Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm thành công Sáng kiến tiếp cận điều trị 2.0 nhằm đưa các dịch vụ xét nghiệm và điều trị ARV về các trạm y tế xã. Điều trị ARV không chỉ làm giảm đáng kể số tử vong do AIDS hằng năm, mà còn giảm đến khoảng 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác. Theo ước tính của các chuyên gia nhờ điều trị ARV mà Việt Nam đã ngăn ngừa cho gần 150.000 người thoát khỏi tử vong do AIDS trong giai đoạn 2001-2015.
Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cần tiếp tục tổ chức quán triệt và nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Đảng, trong đó chú trọng thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 31-11-2005 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; đổi mới phương pháp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với mô hình tổ chức, đặc thù công việc và tình hình kinh tế - xã hội; đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS thuộc thẩm quyền quản lý. Thường xuyên tổ chức việc phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV.
Mai Anh