Gia đình Việt Nam và vai trò người phụ nữ trong gia đình

Gia đình là một trong những thiết chế xã hội cơ bản nhất, có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Gia đình vừa là tổ ấm đem lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân, cầu nối giữa cá nhân và xã hội, vừa là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đồng thời là động lực phát triển của xã hội. Hoạt động của gia đình có tác động đến các hệ thống, các quá trình và các quan hệ xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tái sản xuất tự nhiên và tái sản xuất xã hội. Vai trò quan trọng của gia đình chính là ở chỗ nó đảm nhiệm chức năng tái sản xuất ra sức lao động qua việc chăm lo, khôi phục sức khỏe cho các thành viên của mình sau những giờ lao động mệt nhọc. Gia đình cũng đảm nhiệm trách nhiệm hết sức nặng nề trong việc tái sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, bảo đảm cuộc sống cho các thành viên, đồng thời gia đình còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lưu giữ, truyền thụ văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người, dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong quá trình hàng ngàn năm lịch sử, đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ non sông, gấm vóc Việt Nam.

Cùng với quá trình đi lên của dân tộc, gia đình Việt Nam có những bước quá độ chuyển từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại. Trong bước quá độ này, gia đình Việt Nam đang vận động với sự hòa nhập vào xu hướng hiện hiện đại kết hợp duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa thời đại. Quy mô gia đình trở nên gọn hơn, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được dân chủ hơn, quan hệ giữa vợ và chồng ngày càng bình đẳng… Gia đình hạt nhân - loại hình gia đình phổ biến nhất ở nước ta hiện nay. Trong mỗi gia đình đó, người ta thường chú ý đến vai trò của người chủ hộ đã có sự hoán đổi. Người phụ nữ đóng vai trò trung tâm - người “giữ lửa” thực sự, quán xuyến và quản lý có hiệu quả nhất đối với mọi vấn đề của gia đình. Gia đình Việt Nam hiện đại không còn sự phân biệt quá lớn và dứt khoát giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái về vấn đề học hành, nghề nghiệp và địa vị xã hội. Vợ và chồng bình đẳng trước trách nhiệm của gia đình, dòng họ. Các vấn đề của cuộc sống gia đình đều có sự bàn bạc giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái. Việc kết hôn do chính con cái tự do lựa chọn, quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến của cha mẹ. Việc cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy không còn phổ biến trong xã hội hiện đại. Đây chính là nét mới ở gia đình hiện đại. Hầu hết các gia đình Việt Nam hiện nay, vợ và chồng đều bình đẳng, tôn trọng, giúp đỡ yêu thương và cùng thực hiện chức năng của gia đình và xã hội. Mọi việc trong gia đình đều có sự tham gia bàn bạc, trao đổi và đi đến thống nhất của cả hai vợ chồng: Sinh con, giáo dục con cái, chọn  nghề nghiệp cho con, xây dựng gia đình cho con, mua sắm vật dụng trong gia đình. Người phụ nữ trong gia đình cũng có quyền như người chồng về khả năng thăng tiến xã hội và hiện nay đã có xu hướng con cái khi sinh ra mang họ cả cha và mẹ. Công việc nội trợ được coi là việc “bắt buộc” người phụ nữ truyền thống phải đảm nhiệm, thì nay đã có sự chia sẻ từ người chồng và các thành viên trong gia đình. Chính việc làm này, Việt Nam đã được Liên hợp quốc đánh giá cao về chính sách đối với phụ nữ. Mặc dù còn là một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự phát triển toàn diện của người phụ nữ và coi đó là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng của đất nước. Hiện phụ nữ Việt Nam đã sánh vai cùng nam giới trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Họ có mặt ở khắp nơi, trong đó mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ có khả năng độc lập về kinh tế. Thành tựu của công cuộc đổi mới đã và đang tạo tiền đề quan trọng cho người phụ nữ cơ hội thực hiện quyền bình đẳng giới.

Thời gian qua, công tác gia đình đã thực sự trở thành một vấn đề lớn, mang tầm quốc gia, luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng và quan tâm, công tác gia đình ngày càng được triển khai một cách sâu rộng trong phạm vi toàn quốc. Vị thế, vai trò của người phụ nữ Việt Nam đã được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội. Họ là chủ thể quan trọng trong gia đình và xã hội. Người phụ nữ không những được tham gia vào tất cả các hoạt động của gia đình mà còn tham gia vào các lĩnh vực hoạt động cộng đồng, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong xã hội. Là người không chỉ tạo ra của cải vật chất cho xã hội, “tái tạo sức lao động cho xã hội”, góp phần quan trọng trong xây dựng kinh tế, tạo ra nguồn của cải quan trọng cho gia đình mà còn phải đảm nhiệm hầu hết các công việc gia đình. Điều đó càng thể hiện vai trò quan trọng không thể thiếu của người người vợ, người mẹ… trong gia đình cũng như trong quá trình phát triển của nhân loại.

Song, mặt trái của cơ chế thị trường và sự giao thoa văn hoá toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến lối sống thực dụng của người Việt Nam và quan niệm về hôn nhân và gia đình cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Hiện nay ở nước ta đã xuất hiện hiện tượng sống chung không kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân, ly hôn ngày càng nhiều, trẻ em bị ngược đãi, bạo hành gia đình… Các giá trị văn hoá truyền thống bị lu mờ, thay vào đó là lối sống thực dụng vì tiền, chạy theo đồng tiền mà các bậc cha mẹ ít quan tâm đến con cái, nạn bán phụ nữ, trẻ em vẫn còn là vấn đề nhức nhối đối với xã hội...

Trước yêu cầu phát triển của đất nước và để gia đình thực sự là hạt nhân của xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/TTg ngày 4 tháng 5 năm 2001, chọn ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, đồng thời, trên cơ sở đề nghị của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy năm 2013 là Năm gia đình Việt Nam làm chủ đề chỉ đạo tổ chức các hoạt động xây dựng gia đình, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, nhằm tạo điều kiện để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngày gia đình Việt Nam là dịp để mỗi thành viên trong gia đình nhìn nhận lại trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, đồng thời là dịp để các ngành, các cấp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xây dựng gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”; phát động nhiều phong trào: phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình, phát triển dịch vụ cộng đồng, xã hội hoá công tác gia đình, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, tích cực phòng, chống bạo lực gia phối hợp với tuyên tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, đưa kiến thức gia đình vào trường học...  Đây cùng chính là  cơ sở để xác lập vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình với việc thiết lập các thiết chế văn hoá gia đình, xây dựng củng cố gia đình văn hoá trên nền tảng: văn hoá cá nhân, văn hoá gia đình và văn hoá xã hội quan hệ khắng khít như “kiền ba chân” và được lồng ghép trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” góp phần vào thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất