Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của lễ hội truyền thống ở tỉnh Phú Thọ

Phú Thọ là vùng đất Tổ giàu truyền thống lịch sử văn hoá, là trung tâm sinh tụ của người Việt cổ - nơi ra đời của Nhà nước Văn Lang và kinh đô Văn Lang, kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam. Hiện nay Phú Thọ còn ghi dấu lịch sử của người Việt cổ và di tích thời Hùng Vương dựng nước với hàng trăm lễ hội truyền thống và  kho tàng văn hoá dân gian phong phú.

Theo báo cáo của Phòng Di sản văn hóa của tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.372 di tích lịch sử văn hoá, 260 lễ hội truyền thống. Trong đó có 181 di tích đã xếp hạng cấp tỉnh và 70 di tích được xếp hạng quốc gia. Hệ thống di tích lịch sử, lễ hội truyền thống đang là di sản văn hoá truyền thống quý báu không chỉ của vùng Đất Tổ mà của cả dân tộc Việt Nam. Lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm, quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu của các vùng, miền trong cả nước, kết hợp nội dung giáo dục truyền thống với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể hiện tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc của đồng bào cả nước đối với các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Toàn tỉnh có 274 xã, thị trấn thì có tới 260 lễ hội. Trong đó có 223 lễ hội truyền thống, 5 lễ hội tôn giáo và 32 lễ hội lịch sử cách mạng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong tổ chức lễ hội truyền thống, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và do những biến đổi của lịch sử, sinh hoạt của các lễ hội truyền thống  trên địa bàn vùng Đất Tổ đang có xu hướng xa rời bản chất đích thực, đang có nguy cơ bị biến dạng, mai một, thương mại hóa. Xuất hiện nhiều hiện tượng biến tướng, trá hình như: Đề đóm, cờ bạc, mê tín dị đoan, lợi dụng việc tổ chức lễ hội để buôn bán, kinh doanh thu lợi nhuận. Những hành vi ứng xử thiếu văn hóa ở nơi công cộng, nâng giá bắt chẹt khách thập phương, xâm hại các công trình văn hóa, gây ùn tắc giao thông. Khâu tổ chức ở một số lễ hội phần "lễ" nặng hơn phần "hội"; nhiều trò vui chơi có thưởng thực chất là cờ bạc, ít những trò vui mang tính giải trí lành mạnh còn... Vì thế, nét đẹp của lễ hội cũng phần nào bị ảnh hưởng.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của lễ hội truyền thống ở tỉnh Phú Thọ, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ và toàn thể nhân dân trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của lễ hội truyền thống

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Nghị quyết số 01-NQ/TUcủa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ, công tác tuyên truyền, giáo dục cần tập trung vào chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy về giá trị của những lễ hội truyền thống; cùng các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục; kết quả của việc tuyên truyền, giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân, những gương điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền, giáo dục.

Cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương thống nhất cao về tư tưởng và hành động; thấy được sự cần thiết phải phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ này trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để đáp ứng, yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó xác định trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ phát huy hết khả năng, năng lực hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa, lịch sử văn hóa truyền thống, nâng cao trình độ dân trí

Phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, đoàn kết cộng đồng. Tăng cường công tác giáo dục lịch sử văn hóa truyền thống, giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; giáo dục lòng nhân ái, tinh thần cộng đồng dân tộc…

Thứ ba, nâng cao phẩm chất năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa


Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền về văn hóa ở tỉnh Phú Thọ hiện nay đa phần là những đồng chí còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tuyên truyền, giáo dục cũng như trong công tác vận động, thuyết phục nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới nâng cao đời sống tinh thần. Vì vậy, việc bồi dưỡng toàn diện cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về văn hóa trên địa bàn tỉnh là việc làm cấp bách, là trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp, trong đó vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giữ vai trò quyết định. Làm tốt việc lựa chọn, bồi dưỡng, giáo dục, lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ làm công tác văn hóa nhất là những cán bộ đảm nhiệm ở những vị trí quan trọng. Bảo đảm đội ngũ cán bộ này đáp ứng  yêu cầu, tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị - đạo đức và năng lực công tác.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả lồng ghép các chương trình hoạt động

Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là cơ sở quan trọng hàng đầu để phát triển văn hóa. Muốn vậy, tỉnh thực hiện những chủ trương, biện pháp phù hợp thực tiễn, hiệu quả phát triển kinh tế, khơi dậy những làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm tại chỗ cho số người đã đến độ tuổi lao động và cả những người đã qua độ tuổi lao động. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế giữa các huyện trên địa bàn tỉnh, phát triển mạnh ngành nghề và dịch vụ tại các vùng nông thôn.

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động “xây” và “chống” nhằm nâng cao chất lượng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của lễ hội truyền

Xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh có vai trò tạo hệ thống rào cản để phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của văn hóa độc hại, giữ gìn giá trị truyền thống, tạo ra chất “miễn dịch”. Thường xuyên xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp trong nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới khu dân cư.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất