Gần đây dư luận đang quan tâm đến khả năng cạn kiệt Quỹ BHXH. Xin đồng chí cho biết liệu có dẫn đến khả năng này?
Trên thực tế, qua 7 năm thi hành Luật BHXH cho thấy, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, còn có những tồn tại: Diện bao phủ của BHXH còn thấp; công thức tính lương hưu chưa hợp lý; thời gian đóng BHXH ngắn, thời gian hưởng lương hưu dài; mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp so với thu nhập thực tế của người lao động (NLĐ); tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH có xu hướng gia tăng;... Từ những tồn tại đó đã xuất hiện nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH.
Và theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu chúng ta không điều chỉnh chính sách thì từ nay đến năm 2021, Quỹ BHXH đảm bảo cân đối thu chi. Từ năm 2022, để đảm bảo chi trả phải lấy thêm từ phần kết dư của Quỹ BHXH. Đến năm 2034, phần kết dư Quỹ BHXH không còn, Quỹ BHXH rơi vào tình trạng cạn kiệt.
Đến thời điểm năm 2034, theo dự báo của ILO, phần kết dư của quỹ BHXH sẽ không còn, nếu vẫn áp dụng chính sách BHXH như hiện hành thì NSNN sẽ phải bù vào để đảm bảo chi trả. Như vậy, sẽ là một áp lực rất lớn cho NSNN, cho xã hội. Do vậy, việc điều chỉnh chính sách BHXH vào thời điểm này là hết sức cần thiết.
Vậy để không xảy ra tình trạng cạn kiệt Quỹ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đã có những giải pháp gì?
Trước dự báo mà ILO đưa ra, cũng như tình trạng bất cập đang tồn tại trong chính sách BHXH hiện hành và để không xảy ra tình trạng cạn kiệt Quỹ BHXH, nhằm đảm bảo cân đối Quỹ, đồng thời đảm bảo công bằng cho NLĐ, trong xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi mà Chính phủ trình Quốc hội lần này, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra rất nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là các giải pháp cụ thể như:
1- Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Tuy nhiên, thời gian áp dụng bắt đầu từ năm 2018, để cơ quan BHXH chuẩn bị tốt trong khâu tổ chức thực hiện, đồng thời cũng là động thái báo trước cho NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) chuẩn bị tâm thế.
2- Kéo dài thời gian làm việc của NLĐ trong quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tăng điều kiện về tuổi nghỉ hưu, cho đến khi tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi, theo phương thức mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi. Lộ trình này sẽ áp dụng đối với lao động tại khu vực nhà nước bắt đầu từ năm 2016 và các đối tượng còn lại từ năm 2020.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật sửa đổi lần này, tuổi nghỉ hưu đối với nhóm lao động độc hại, nguy hiểm vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.
Theo thống kê của Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) năm 2010, thì tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 tuổi. Trong khi đó, năm 1960, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chỉ khoảng 40 tuổi. Và kể từ khi Điều lệ tạm thời về BHXH năm 1961 quy định, tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, thì đến nay sau gần 50 năm, tuổi nghỉ hưu của chúng ta không thay đổi.
Do vậy, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình là 1 trong những giải pháp cần thiết trong thời điểm này nhằm tiến tới đảm bảo cân đối Quỹ BHXH.
3- Trong những năm gần đây, vấn đề “đóng ít, hưởng nhiều” là một trong những bất cập nổi cộm của chế độ hưu trí. Tuổi nghỉ hưu thực tế tại Việt Nam là 54,2 và thời gian đóng BHXH chỉ từ 23 - 28 năm trong khi đó thời gian hưởng lương hưu thậm chí còn dài hơn. Như vậy, tỷ lệ giữa thời gian làm việc và thời gian hưởng lương hưu là không bền vững.
Ngoài ra, việc tính lương hưu như hiện nay đang có sự khác nhau giữa NLĐ trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Tiền lương đóng BHXH của NLĐ khu vực ngoài nhà nước trong cả một quá trình lúc cao lúc thấp, tiền lương hưu lại tính theo bình quân lương của toàn bộ quá trình và được điều chỉnh theo chỉ số giá; nhưng ở khu vực nhà nước, về cơ bản xu thế tiền lương là đi lên và khi nghỉ hưu lại chỉ lấy bình quân tiền lương đóng BHXH trong khoảng 10 năm cuối (tùy thuộc vào năm NLĐ tham gia BH). Như vậy, trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước có sự không công bằng, lần sửa đổi Luật này chúng tôi mong muốn tạo được sự bình đẳng trong quá trình đóng và hưởng giữa hai khu vực này.
Do vậy, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu, cũng được sửa đổi theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH, 15 năm đóng BHXH được tính là 45%, sau đó từ năm thứ 16 trở đi mỗi năm nam cộng 2%, nữ cộng 3% cho đến khi đạt 75% (nam 30 năm, nữ 25 năm). Đồng thời, tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2%/năm nghỉ hưu trước tuổi.
Đối với NLĐ tham gia BHXH tại khu vực nhà nước, từ sau khi Luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến tháng 7 năm 2015) thì khi nghỉ hưu (sớm nhất là 20 năm sau) công thức tính lương hưu cũng sẽ được tính là bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH như đối với lao động ngoài khu vực nhà nước.
Những giải pháp nêu trên là mục tiêu hướng tưới sự cân đối và đảm bảo bình đẳng của chính sách nhưng trên thực tế, sẽ có xung đột lợi ích và gây dư luận, nếu dự thảo Luật BHXH sửa đổi được thông qua. Vậy Bộ LĐ-TB&XH đã tính tới những bất cập này chưa?
Thực tế, tại Việt Nam tỷ lệ hưởng lương hưu hiện nay là quá cao, ở mức 75%- là mức mà các chuyên gia trên thế giới khuyến nghị chúng ta cần thay đổi. Theo các chuyên gia, Việt Nam nên bỏ mức hưởng trần 75% và áp dụng cách tính mỗi năm đóng BHXH được hưởng là 1,5% hoặc nhiều nhất là 2%. Vì, thông thường, hệ thống hưu trí ở các nước trên thế giới chỉ cho phép tỷ lệ hưởng trong khoảng từ 40-60%.
Trước những bất cập của chính sách BHXH và khuyến nghị mà ILO đưa ra, thì Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức lấy ý kiến và cân nhắc một cách toàn diện, vì nếu thay đổi một cách kiên quyết như khuyến nghị của ILO sẽ không phù hợp với tình hình xã hội và tâm thế của NLĐ cũng như NSDLĐ ở nước ta. Do vậy, chúng tôi đã thống nhất đưa ra những giải pháp thay đổi dần dần, theo lộ trình để tránh xáo động trong xã hội.
Đặc biệt, NLĐ trong khu vực nhà nước cần hiểu rõ, về cơ bản, NLĐ trong khu vực này, nếu tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi được áp dụng vẫn hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH hiện hành; chỉ NLĐ trong khu vực nhà nước tham gia BHXH sau khi Luật sửa đổi được thông qua thì khi nghỉ hưu mới tính bình quân cả quá trình. Cụ thể, NLĐ thuộc khu vực nhà nước bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-7-2015 trở đi (thời điểm dự kiến Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thi hành) thì khi nghỉ hưu mức bình quân tiền lương, tháng đóng BHXH để tính lương hưu là bình quân tiền lương tháng đóng của toàn bộ quá trình tham gia BHXH. Theo quy định, điều kiện về thời gian đóng BHXH phải từ 20 năm trở lên, nên người sớm nhất thuộc khu vực nhà nước nghỉ hưu từ tháng 8-2035 mới áp dụng quy định này.
Trên thực tế, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, đối với một số bộ phận NLĐ có năng lực và có khả năng tiếp tục đóng góp sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhưng mặt khác, có rất nhiều ý kiến lo ngại nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì chất lượng lao động sẽ kém hiệu quả, mặt khác lại tác động tiêu cực tới cơ hội việc làm của các lao động trẻ. Bộ LĐ-TB&XH có ý kiến gì về vấn đề này không?
Nếu dự thảo Luật BHXH sửa đổi được thông qua thì chỉ từ năm 2016, lao động khu vực nhà nước mới bắt đầu thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Mà việc thay đổi này rất chậm, nên hầu như tác động rất ít tới thị trường lao động, hay cơ hội việc làm của giới trẻ. Ví dụ, nếu dự thảo Luật được thông qua thì từ tháng 1 đến tháng 4-2016 sẽ không có cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu. Sau đó, những người đủ điều kiện về hưu tháng 1-2016 sẽ chuyển sang hưởng lương hưu từ tháng 5-2016, những người đủ điều kiện về hưu tháng 2-2016 sẽ chuyển sang hưởng lương hưu từ tháng 6/2016… Khu vực ngoài nhà nước, đến năm 2020 mới bắt đầu áp dụng lộ trình này.
Do đó, với lộ trình tăng tuổi hưu theo những bước rất nhỏ như vậy, chúng tôi cho rằng nó sẽ tác động rất chậm tới thị trường lao động của nước ta.
Mặt khác, khi trao đổi với các chuyên gia quốc tế trong quá trình xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi, về việc giữ lại người già có ảnh hưởng tới lớp trẻ hay không, đặc biệt trong khu vực ngoài nhà nước, thì các chuyên gia đều khẳng định: đa phần ở các nước trên thế giời, nếu giữ lại người già trong hệ thống, thì với năng lực và bề dày kinh nghiệm của mình, chính họ lại góp phần tạo việc làm cho giới trẻ từ những sáng kiến, đóng góp của họ trong quá trình sản xuất kinh doanh, hay quản lý. Vì vậy, chúng tôi mong muốn nhìn thấy mặt tích cực đó trong lần sửa đổi chính sách BHXH lần này ở nước ta.
Về bản chất, xã hội vận động không ngừng nên chính sách không thể đứng yên một chỗ. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải điều chỉnh chính sách theo từng thời điểm khi bắt đầu nhận thấy chính sách rơi vào tình trạng bất cập. Không có chính sách nào là vĩnh viễn bất biến.
Xin cảm ơn đồng chí đã chia sẻ!
Trọng Nguyễn
(thực hiện)