Ngày 9-12, Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972 - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại” diễn ra tại hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội.
Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 - 12-2022), hội thảo làm rõ bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế; phân tích âm mưu, thủ đoạn, kế hoạch tác chiến của đế quốc Mỹ khi tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và các địa bàn lân cận; đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng khi mở Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng.
Qua đó, Hội thảo khẳng định tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học kinh nghiệm nhằm vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Khai mạc tại Hội thảo, Thượng tướng, tiến sỹ Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, điểm lại dấu mốc lịch sử cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng máy bay B52 vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số tỉnh, thành ở miền Bắc, hòng giành thắng lợi áp đảo về quân sự, làm xoay chuyển tình thế trên bàn đàm phán tại Pa-ri có lợi cho Mỹ.
Tuy nhiên, với ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, trong 12 ngày đêm (từ ngày 18-12 đến ngày 29-12-1972), quân và dân miền Bắc đã tiến hành Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, đánh bại cuộc tập kích của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không,” buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký kết Hiệp định Pa-ri, rút hết quân viễn chinh về nước, góp phần tạo bước ngoặt quyết định và thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nỗ lực đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
“50 năm đã trôi qua, nhưng âm hưởng hào hùng của chiến thắng vẫn còn vang vọng, là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chiến thắng ‘Điện Biên Phủ trên không’ đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam, trong đó nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu đó vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay”, Thượng tướng, tiến sỹ Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận xét các tham luận đã cung cấp nhiều tài liệu quý về Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Tuy nhiên, nhiều tài liệu về sự kiện lịch sử này vẫn còn tản mát trong các kho lưu trữ hay đọng lại trong ký ức của các nhân chứng. Do đó, Thượng tướng Lê Huy Vịnh bày tỏ mong muốn các cơ quan, đơn vị tích cực sưu tầm, khai thác bổ sung vào công trình nghiên cứu, làm phong phú thêm thông tin về sự kiện lịch sử quan trọng này.
Ông cũng đề nghị các cơ quan, học viện trong lực lượng vũ trang tham khảo, nghiên cứu, sử dụng các tham luận vào quá trình giáo dục - đào tạo, huấn luyện tại đơn vị mình.
Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho hay kết quả Hội thảo một lần nữa góp phần làm sâu sắc tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử từ kỳ tích của những ngày rực lửa cuối tháng 12-1972; nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
“Những bài tham luận, những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử cũng là bằng chứng xác thực nhất để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận các thành tựu cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch; góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay”, Trung tướng Trịnh Văn Quyết bày tỏ.
Nguồn: TTXVN