Hậu Giang: Thành phố Vị Thanh đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba; Chùa Phổ Minh được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh


Đồng chí Nghiêm Xuân Thành (bìa phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Vị Thanh (Ảnh: Trung Quân).

Thành phố Vị Thanh đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

Tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND TP. Vị Thanh đã phát biểu, cùng với đồng bào cả nước, ôn lại những truyền thống hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử, TP. Vị Thanh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022); Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và Lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh về xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Phổ Minh.

Cách nay 47 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Đúng 5 giờ sáng ngày 1-5-1975, các cánh quân của ta đồng loạt nổ súng, tấn công vào thị xã theo nhiều hướng. Đến 9 giờ 30 phút, ngày 1-5-1975, giải phóng hoàn toàn thị xã Vị Thanh, là một trong các tỉnh lỵ giải phóng cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sự kiện giải phóng Vị Thanh, góp phần hoàn thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng tỉnh Cần Thơ, làm nên Đại thắng mùa xuân 1975.

Thành phố Vị Thanh, một trung tâm về chính trị, hành chính, kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Hậu Giang.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành tỉnh; sự hưởng ứng ủng hộ nhiệt tình của các nhà đầu tư; sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố có bước phát triển rõ nét, ổn định, mang dấu ấn của một giai đoạn phát triển mới.

Dù vẫn còn những khó khăn, thách thức đặt ra cho thành phố nhưng thành phố đã vận dụng sáng tạo trong thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy và nghị quyết các nhiệm kỳ của Đảng bộ thành phố để định ra hướng đi đúng, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tiềm năng, điều kiện thực tế của địa phương, TP. Vị Thanh có bước phát triển vượt bậc về phát triển đô thị. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, ngày càng bền vững, thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, góp phần tăng thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng, tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan và mở rộng không gian đô thị.

Hệ thống giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật được cải tạo, nâng cấp và xây mới kết nối các trục đường chính với nhau làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại (như: Dự án xây dựng 6 trục đường nội ô thành phố, đường Lê Quý Đôn nối dài, Dự án mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Vị Thanh: đang thi công đường Nguyễn Huệ nối dài và Đường 1/5,...).

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển toàn diện, đặc biệt là giáo dục và y tế luôn giữ vị trí dẫn đầu trong toàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm qua từng năm. Thành phố đã phấn đấu thực hiện được 5/5 phường văn minh đô thị; 4/4 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và 1 xã nông thôn mới nâng cao. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thành phố giai đoạn 2016-2020 đạt trên 20.000 tỷ đồng.

Sự phát triển đô thị đã mang lại cho người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống tốt hơn, dịch vụ xã hội được đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn. Kinh tế đô thị phát triển, thu nhập bình quân đầu người/năm tăng lên không ngừng, năm 2015 từ 42,64 triệu đồng/người/năm đến năm 2020 đạt 71,4 triệu đồng/người và tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động; đời sống văn hoá tinh thần của cư dân đô thị ngày càng được nâng cao.

Cùng với phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai toàn diện. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Từ năm 2010 đến nay TP. Vị Thanh được đánh giá là một trong 3 đơn vị đứng đầu phong trào thi đua cấp tỉnh; được tặng cờ thi đua của UBND tỉnh; được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.

Chùa Phổ Minh là “Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh”.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND TP. Vị Thanh chia sẻ, cùng góp lực lượng tham gia cách mạng, giải phòng hoàn toàn thị xã Vị Thanh năm 1975 phải kể đến nơi nuôi dưỡng lực lượng cách mạng, đó là Chùa Phổ Minh - Ngôi chùa tọa lạc trên đất Phường IV, bao quanh bởi các con rạch nối Kinh Xà No như Kinh 62, rạch Tràm Cửa, kinh Ngò Om.

Đây là một ngôi chùa gắn liền các phong trào yêu nước ngay từ đầu thế kỷ XX, đã trở thành cái nôi, một cứ địa cách mạng xuyên suốt nhiều thời kỳ lịch sử.     

Đặc biệt, gia tộc bà Trần Thị Loan, mẹ ruột của phu nhân nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Bà Loan khi đó đã nương nhờ cửa Phật, gầy dựng cơ sở cách mạng tại chùa, giác ngộ người dân tham gia cách mạng; bí mật hoạt động cách mạng thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trên địa bàn Vị Thanh và Giồng Riềng (Kiên Giang)…


Đồng Văn Thanh (bìa phải), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Chùa Phổ Minh (Ảnh: Báo Hậu Giang).


Cổng Chùa Phổ Minh (Ảnh: Báo Hậu Giang).

Những ngày thị xã Vị Thanh mới được giải phóng, Chùa Phổ Minh trở thành điểm ra mắt chính quyền cách mạng khu vực 1, thị xã Vị Thanh. Một số “nhà tu” là cán bộ hoạt động bí mật tại chùa, được phân công về đơn vị mới, thực hiện nhiệm vụ tại các xã, phường, khu vực trên thị xã Vị Thanh hoặc cơ quan của tỉnh Cần Thơ.

Qua thời điểm chiến tranh, đến thời hòa bình, gần nửa thế kỷ qua, ngay trong lòng đô thị Vị Thanh hiện đại - Phổ Minh vẫn tự hào là cơ sở thờ tự, có bề dày quá khứ hiển linh, một điểm sáng văn hóa gắn liền với sự nghiệp mở đất và đấu tranh giữ đất.

Chùa Phổ Minh hôm nay được trùng tu, xây mới bề thế, quy mô nhưng vẫn giữ được đường nét truyền thống. Vào các ngày rằm, dịp lễ hằng năm, hàng ngàn phật tử, khách hành hương đến chiêm bái, vãn cảnh. Ngôi cổ tự, một di sản - di tích bao hàm nhiều giá trị, giữa lòng TP. Vị Thanh, rất xứng đáng và xứng tầm trở thành “Khu Du lịch văn hóa tâm linh”.

Tại buổi Lễ, UBND tỉnh trao Bằng công nhận Chùa Phổ Minh là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.


Đại diện gia tộc họ Trần trao quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại buổi Lễ (Ảnh: Báo Hậu Giang).

Nhân dịp này, đại diện gia tộc họ Trần, Thiếu tướng Trần Quốc Liêm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh; bà Trần Thủy Cần, Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ, nguyên Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang và bà Trần Thanh Kiệm, phu nhân nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cùng các thành viên gia tộc họ Trần, đã trao 200 phần quà, gồm gạo và nhu yếu phẩm, cho các gia đình khó khăn trên địa bàn thành phố.

H.Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất