Ý nghĩa từ những phong trào
Để cùng các cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010, Hội LHPN đã phát động cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Qua hơn 10 năm, cuộc vận động đã trở thành “thương hiệu” của Hội LHPN Việt Nam với những kết quả nổi bật. Các tiêu chí 5 không, 3 sạch (Không đói nghèo; Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; Không có bạo lực gia đình; Không vi phạm chính sách dân số; Không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; Sạch nhà; Sạch bếp; Sạch ngõ) được Trung ương Hội giao cho hội LHPN các tỉnh, thành phố lựa chọn nội dung cụ thể phù hợp với thực tiễn. Một số địa phương có đặc thù riêng đã điều chỉnh tiêu chí như: Không có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Không khói thuốc; Sạch ruộng đồng... để phù hợp với đời sống nhân dân.
Nhờ triển khai linh hoạt, phù hợp, cuộc vận động được 100% cơ sở Hội đăng ký triển khai, qua đó đã thực hiện có hiệu quả hơn 15.000 phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Trên 8,4 triệu bà mẹ và 3 triệu ông bố có con dưới 16 tuổi đã được Hội tuyên truyền, tập huấn kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc và nuôi con tốt. Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc được duy trì ở nhiều địa phương. Hơn 55.000km đường hoa, cây xanh được các cấp Hội thực hiện; hơn 1,2 triệu hộ gia đình phụ nữ khó khăn được Hội vận động, giúp xây nhà tiêu hợp vệ sinh và công trình nước sạch… Hiệu quả “5 không, 3 sạch” lan toả từ mỗi gia đình đến cộng đồng làng xã đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Đồng chí Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Gia đình Xã hội Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ tới, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” sẽ tiếp tục được Trung ương Hội phát động với những đổi mới toàn diện hơn. Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tiếp tục quan tâm đến các vấn đề gia đình, phụ nữ, bình đẳng giới, đặc biệt là đối với các xã nông thôn mới nâng cao, xã kiểu mẫu. Trong đó đặt ra những mục tiêu cao hơn nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân và hộ gia đình được hưởng thụ tốt nhất những thành quả của Chương trình, bảo đảm bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Điều này đòi hỏi Hội LHPN Việt Nam phải nghiên cứu để nâng cao hơn các tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Theo đó, không chỉ góp phần thực hiện các mục tiêu của nông thôn mới nâng cao, mà còn góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động năm 2010 trên phạm vi toàn quốc với 8 tiêu chí.
Để chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức phát động đợt thi đua đặc biệt với chủ đề “130 công trình, phần việc vượt khó, sáng tạo, hiệu quả chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII”. Sau hơn 6 tháng phát động (từ tháng 10-2021), đợt thi đua đặc biệt được các cấp Hội hưởng ứng sôi nổi, nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa nhân văn đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng.
Tiêu biểu có thể kể đến như Công trình “Phụ nữ Quân đội lan tỏa yêu thương” của Ban Phụ nữ Quân đội. Ban Phụ nữ Quân đội đã tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả, thiết thực Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Phát huy tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và khẩu hiệu hành động “Mỗi hội viên là một chiến sĩ, mỗi gia đình hội viên là một pháo đài, mỗi tổ chức phụ nữ là một mũi tiến công chống dịch Covid”, đã có hàng ngàn cán bộ, hội viên phụ nữ Quân đội khắc phục khó khăn, tham gia tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là xung phong thực hiện nhiệm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam.
“Từ thu gom phế liệu đến triệu phần quà” là công trình mang ý nghĩa thiết thực trong giữ gìn vệ sinh môi trường “xanh - sạch - đẹp” của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa. Hoạt động đã giúp phụ nữ địa phương thay đổi thói quen bỏ rác, phân loại và thu gom rác thải nhựa. Việc thu gom rác thải tái chế đã được các cấp hội thực hiện từ nhiều năm nay nhưng chưa sâu rộng, đồng bộ, hướng đến chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội LHPN tỉnh đã chọn để chỉ đạo thực hiện đồng bộ toàn tỉnh, nhằm tạo sự lan tỏa. Số tiền thu được từ rác tái chế sẽ thực hiện chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, thăm hỏi, tặng quà trẻ em mồ côi, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng chí Ngô Thị Hồng Hảo, tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tặng quà cho trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn huyện Thường Xuân. Ảnh: TL.
Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thu gom rác thải tại hộ gia đình để gây quỹ như: bán phế liệu, sản phẩm từ vật liệu tái chế (đồ chơi, vật dụng, thủ công mỹ nghệ) để lấy tiền; sử dụng rác hữu cơ ủ phân vi sinh hoặc tái sử dụng chăn nuôi. Đồng thời tuyên truyền, vận động, xã hội hóa các nguồn kinh phí để thực hiện công trình. Với cách làm sáng tạo trên, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, các cấp Hội trong tỉnh đã trao 22.200 suất quà trị giá 6 tỷ đồng cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Với Công trình “Đồng hành cùng thành viên TYM vượt qua đại dịch Covid-19”, trong thời gian từ 1-10-2021 đến 20-1-2022, Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương (TYM) đã thực hiện 2 hoạt động đồng hành cùng phụ nữ vượt qua đại dịch Covid-19. Qua đó, hơn 3.400 thành viên đã được tiếp cận với sản phẩm vốn “Hỗ trợ thành viên ảnh hưởng dịch bệnh” để khôi phục sản xuất kinh doanh. Toàn thể cán bộ TYM chia sẻ khó khăn với thành viên bằng việc cùng tiết kiệm tối thiểu 5.000đ/ngày làm việc để tạo nguồn trao học bổng cho con thành viên. Kết quả, với tổng số tiền tiết kiệm được là 132.277.813 đồng, 40 em là con thành viên TYM có hoàn cảnh khó khăn đã được trao học bổng, góp phần hỗ trợ, động viên, giúp các em có thêm động lực tiếp tục vươn lên và theo đuổi ước mơ của bản thân mình.
Tổng Giám đốc TYM Nguyễn Thị Thu Hiền (bên trái) hỗ trợ cho địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: TL.
Nhiều công trình của cá nhân hội viên cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Công trình “Tiên phong trong chuyển đổi mô hình trang trại thành khu du lịch sinh thái - kết nối hỗ trợ phụ nữ bị tác động bởi đại dịch Covid-19” của hội viên Nguyễn Thị Thành, Chi hội Phú Quý, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Mô hình Trang trại tổng hợp có tổng diện tích 14ha trước đây được gia đình chị Thành trồng cao su, nay đã chuyển đổi sang trồng cam Cao Phong Vietgap, chanh đào, hồ tiêu cây ngắn ngày; diện tích còn lại gia đình chị đào ao thả cá, nuôi gà, cho hiệu quả kinh tế cao (1,7 tỷ đồng/năm). Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình trang trại của gia đình chị Thành còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương. Gần đây, chị vận động gia đình tiếp tục chuyển đổi mô hình trang trại thành khu du lịch sinh thái, đồng thời kết nối hỗ trợ, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động bị tác động bởi đại dịch Covid-19 (trong đó có 5 phụ nữ) với mức lương ổn định là 6 triệu đồng/người/tháng.
Công trình “Trao gửi yêu thương - sẻ chia với những mảnh đời khó” của Sư thầy Thích Tuệ Hạnh - Trụ trì chùa Sùng Bảo, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên mang đậm ý nghĩa nhân văn cũng được đông đảo hội viên tham gia hưởng ứng. Sư thầy đã kêu gọi các Phật tử, các nhà hảo tâm ủng hộ chương trình “Tết ấm yêu thương” cho trẻ em mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã. Nhiều suất quà, nhu yếu phẩm đã được trao đi; nhiều phụ nữ, trẻ em tàn tật, đơn thân được tặng xe lăn, quần áo ấm… Sư thầy còn nhận đỡ đầu cho 2 học sinh, trong đó 1 cháu là con của hội viên phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 1 cháu mồ côi cha mẹ.
Hàng nghìn công trình hay, hành động đẹp, việc làm ý nghĩa của các cấp Hội, hội viên, phụ nữ trong cả nước đã tạo nên phong trào sâu rộng, lan toả ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng. Đó là những hành động, kết quả thiết thực nhất chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII của Hội LHPN Việt Nam.
Những định hướng mới
Những kết quả mang dấu ấn của các cấp Hội nhiệm kỳ qua là nền tảng vững chắc, tạo đà, tiếp sức cho những thành tựu của Hội trong nhiệm kỳ mới. Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ là dấu mốc phát triển mới của Hội với những đổi mới, bứt phá mang dấu ấn của phụ nữ Việt Nam thời đại mới.
Lần đầu tiên Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định 5 quan điểm phát triển, có tính định hướng trong xây dựng toàn bộ phương hướng nhiệm kỳ mới và nhiều năm tiếp theo. Thứ nhất là bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, căn cứ thực tiễn và yêu cầu của phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới, là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng hoạt động Hội, thực hiện tốt chức năng đại diện, vai trò nòng cốt chính trị trong công tác phụ nữ của tổ chức Hội. Hai là, lấy phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt; lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu; lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội. Ba là, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội. Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện là nhiệm vụ then chốt để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Và quan điểm thứ năm là xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi vận động phụ nữ, có khát vọng cống hiến là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội.
Cùng với 5 quan điểm phát triển, Trung ương Hội tập trung nguồn lực thực hiện 2 khâu đột phá mang tính chất giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ. Đó là đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin và tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh.
Dự kiến cuối nhiệm kỳ, cấp Trung ương Hội sẽ đề xuất thành công ít nhất 5 chính sách, đề án và 2 chương trình có tác động rộng đến các đối tượng phụ nữ, giúp giải quyết một số vấn đề đặt ra đối với các nhóm phụ nữ đặc thù. Các chính sách, đề án, chương trình nhằm góp phần thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu của chương trình chuyển đổi số của Chính phủ.
Những ngày này, cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước đang hòa chung không khí thi đua sôi nổi hướng về chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027. Với sự cố gắng, nỗ lực, phấn đấu vươn lên không ngừng của phụ nữ nói chung, sự đoàn kết, đồng lòng của các cấp Hội nói riêng, tin rằng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sẽ thành công tốt đẹp, để Hội tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp phụ nữ, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng, đất nước ngày càng vững mạnh.
Bảo Yến