Kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong quý I-2022 khởi sắc với nhiều điểm sáng


Toàn cảnh buổi họp (Ảnh: Trung tâm báo chí TP. Hồ Chí Minh).

Phát biểu tại buổi họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Chúng ta vừa trải qua một năm 2021 với những thử thách quá lớn đối với thành phố, vì vậy, những kết quả đạt được trong quý I-2022 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Thành phố chúng ta đã trải qua những ngày tháng khốc liệt nhất, đó là thời điểm quý III, IV năm 2021, chúng ta phải tăng tốc, dồn sức, nỗ lực ở cấp độ cao nhất mới có thể kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và đến quý I-2022, kinh tế Thành phố từng bước đã được phục hồi và tăng trưởng. Những số liệu về tăng trưởng kinh tế Thành phố trong quý I-2022 đã chứng minh cho sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Vừa rồi, Ban Thường vụ Thành ủy họp và nghe báo cáo cũng đã rất trân trọng, ghi nhận, đánh giá rất cao sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng; các đồng chí đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND… đã huy động được sức mạnh tổng hợp, lao động sáng tạo và góp phần làm nên những kết quả như thế. Đây là sự khởi đầu thuận lợi rất phấn khởi, tuy nhiên chúng ta cũng không nên chủ quan bởi vì thời điểm hiện nay chúng ta phải đối diện với nhiều thách thức mới trong năm 2022. Hiện nay, nền kinh tế đất nước chúng ta hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, Thành phố chúng ta rất nhạy cảm khi trực tiếp và gián tiếp bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của thế giới và khu vực mà chúng ta không thể lường trước được như tình hình biến động của giá cả xăng dầu, tình hình giá cả lạm phát, tình hình dịch bệnh COVID-19”.


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi họp.

Kinh tế Thành phố khởi sắc với nhiều điểm sáng

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Thành phố quý I-2022 của UBND thành phố: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý I-2022 ước tính tăng 1,88% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 5,46% của quý I-2021 nhưng cao hơn 0,79 điểm phần trăm so với mức tăng của quý I-2020. Từ mức giảm sâu ở quý III, IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64% đến nay, kinh tế Thành phố đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương, sau thời gian “bạo bệnh chưa có tiền lệ” đã có bước hồi phục và đứng lên khởi sắc cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp kinh tế Thành phố khá tốt.

Về lĩnh vực dịch vụ: tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước đạt 92.690 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, tăng 8,35% so với tháng trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 266.942 tỷ đồng, giảm 4,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,2%).

Qua 3 tháng đầu năm 2022, kinh tế Thành phố đã ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi khá tích cực. Trên 98% các cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố đã mở cửa nhà máy, phân xưởng sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, không bị đứt gãy, các cấp chính quyền chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh đang dần phục hồi một cách cơ bản, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, tuy với tốc độ chậm hơn và không đồng đều giữa các ngành.

TP. Hồ Chí Minh vẫn duy trì chương trình bình ổn thị trường với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; một số hàng hóa có lượng hàng chiếm tới 30-50% thị phần. Tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các hệ thống phân phối và các cơ sở sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và tiểu thương tại các chợ chịu tác động của dịch bệnh, triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình bình ổn thị trường, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối của Thành phố với nguồn hàng tại các địa phương, khôi phục hoạt động các chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường.

Về xuất - nhập khẩu: mặc dù hoạt động xuất khẩu của Thành phố vẫn chịu tác động của đại dịch COVID-19, biến động địa chính trị tại một số thị trường nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I tiếp tục duy trì đà phục hồi. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước 3 tháng đầu năm ước đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,2%). Trong đó, nhóm nông - lâm - thủy sản đạt mức kim ngạch xuất khẩu cao, ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 51,3% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 3 tháng ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,7%).

Về du lịch: Tổng doanh thu quý I ước đạt 20.377 tỷ đồng, giảm 11,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 23.103 tỷ đồng), đạt 30,14% so với kế hoạch năm 2022. Khách du lịch nội địa đến TP. Hồ Chí Minh ước đạt khoảng 4.852.000 lượt, giảm 0,1% so cùng kỳ. Thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch tổ chức Chương trình hiến kế khôi phục du lịch TP. Hồ Chí Minh. Xây dựng Kế hoạch tổ chức chương trình chuẩn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị lần III (giai đoạn 2022-2024)”. Tích cực truyền thông việc tái khởi động ngành Du lịch thành phố với thông điệp: “Du lịch an toàn”, “An toàn trong từng trải nghiệm”, “Người thành phố đi du lịch Thành phố” trên các kênh thông tin của Sở Du lịch và các đối tác trong và ngoài nước, các kênh truyền thông của doanh nghiệp, các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí và các kênh truyền thông của các tỉnh, thành phố trong các cụm liên kết phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh.

Lĩnh vực công nghiệp: bước vào năm 2022, hầu hết doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động sản xuất trở lại sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh COVID-19 và thực hiện tốt phòng dịch COVID-19. Các đơn vị triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025, khôi phục tối đa các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại trên địa bàn, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Khắc phục, hạn chế các gián đoạn (đứt gãy) chuỗi cung ứng từ sản xuất, lưu thông, phân phối đến tiêu dùng; đảm bảo nguồn hàng, cung ứng đầy đủ, kịp thời với giá hợp lý các loại hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu đến tay người tiêu dùng; Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh theo hướng hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao và đẩy mạnh xuất khẩu; đặc biệt là các ngành kinh tế động lực (logistics, thương mại điện tử,…), công nghệ cao và thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Thành phố tháng 3 ước tăng 5,53% so với cùng kỳ, tăng 25,91% so với tháng trước. Tính chung 3 tháng đầu năm ước tăng 1,04% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,8%). Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu (ngành sản xuất hàng điện tử, ngành hóa dược - cao su - nhựa, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, ngành cơ khí) ước tăng 5,39% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,5%).

Khu công nghệ cao: Trong quý I-2022, kết quả giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao ước đạt 5,147 tỷ USD, tăng 2,26% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu đạt 5,103 tỷ USD (tăng 8,27% so với cùng kỳ) và giá trị nhập khẩu đạt 4,811 tỷ USD (tăng 11,96% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, ước giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao đạt 112,229 tỷ USD, giá trị xuất khẩu là 107,113 tỷ USD và nhập khẩu là 100,543 tỷ USD. Lũy kế đến nay, Khu công nghệ cao có 163 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn là 45.231,631 tỷ đồng/112 dự án trong nước và 9,21 tỷ USD/51 dự án nước ngoài. 

Lĩnh vực nông nghiệp: Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp 3 tháng đầu năm ước tăng 0,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,65%); trong đó, trồng trọt tăng 1,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,4%), chăn nuôi giảm 0,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,9%), thủy sản tăng 0,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,8%).

Tình hình thực hiện vốn đầu tư công: Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Thành phố được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 109/NQ-HĐND ngày 9-12-2021 với tổng số vốn là 44.987,640 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 2.479,640 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 42.508 tỷ đồng, trong đó phân bổ chi tiết với tổng số vốn là 29.464,008 tỷ đồng và dự phòng Kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 13.043,992 tỷ đồng

Đăng ký doanh nghiệp: Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung ước đạt 282.975 tỷ đồng, tăng 2,78% so với cùng kỳ. Trong đó có 9.150 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 145.931 tỷ đồng (tăng 27,86% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7,32% về vốn đăng ký so với cùng kỳ); 17.335 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, vốn điều chỉnh bổ sung tăng 137.044 tỷ đồng, tăng 16,26% so với cùng kỳ.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI): Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút ước đạt 406,58 triệu USD, ước giảm khoảng 40,09% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ. Trong đó các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 127 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 102,37 triệu USD (giảm 12,79% so với cùng kỳ).

Có 30 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 9,4 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), giảm 96,87% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ. Thành phố cũng chấp thuận cho 504 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 294,8 triệu USD (tăng 12,94% về vốn so với cùng kỳ). Bên cạnh những dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng, đến nay có 43 dự án đề nghị chấm dứt hoạt động.

Tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính): ước thực hiện 121.037,71 tỷ đồng, đạt 31,31%  dự toán và tăng 9,41% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa ước thực hiện 89.527,603 tỷ đồng, đạt 33,15%  dự toán, tăng 10,42% so với cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 31.500 tỷ đồng, đạt 27,04%  dự toán, tăng 6,65% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng): ước thực hiện 9.327,469 tỷ đồng, đạt 9,36% dự toán, giảm 33,81% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư là 790,560 tỷ đồng, đạt 1,82% dự toán, bằng 17,92% so với cùng kỳ; chi thường xuyên là 8.183,719 tỷ đồng, đạt 16,82% dự toán, tăng 3,36% so với cùng kỳ.

Hoàng Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất