Ký ức về những chuyến đi
Đồng chí Nguyễn Đức Duân (thứ hai, bên trái) trong một buổi làm việc tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội tháng 10-2011.

Từ chỗ là tờ nội san, lưu hành nội bộ Ngành Tổ chức, Xây dựng Đảng đã trở thành một tạp chí phát hành rộng rãi trong toàn Đảng với chức năng vừa nghiên cứu, hướng dẫn, vừa là diễn đàn của các tổ chức đảng, đảng viên về công tác tổ chức xây dựng đảng. Không chỉ thế, tháng 8-1998, song hành cùng Tạp chí in, Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử là một trong số rất ít tờ báo, tạp chí trong nước (ở thời điểm đó) có mặt trên mạng thông tin toàn cầu. Từ đó, không gian và đối tượng bạn đọc của Tạp chí đã được mở rộng ra toàn thế giới. Tôi tự hào được là một thành viên của “Gia đình Tạp chí Xây dựng Đảng”, góp phần nhỏ bé của mình vào sự thành công đó.  

Gần 40 năm làm phóng viên, biên tập viên của Tạp chí, tôi không nhớ đã cùng đồng nghiệp trong Toà soạn có bao nhiêu chuyến đi nghiên cứu, viết về công tác tổ chức xây dựng đảng ở các ngành, địa phương và cơ sở. Chuyến đi nghiên cứu viết bài về công tác xây dựng đảng ở các xã, huyện vùng cao, biên giới Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên tỉnh Hà Giang; đi làm số tạp chí chuyên đề về tỉnh Tuyên Quang - quê hương cách mạng Tân Trào. Nhớ những ngày trèo đèo, lội suối lên các huyện Sìn Hồ, Mường Tè, Mường Nhé của tỉnh vùng cao biên giới Lai Châu, Điện Biên đến tận xã A Pa Chải của đồng bào Hà Nhì và đồn Biên phòng Leng Sui Xìn nơi ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào mà ở đó, một con gà gáy ba nước nghe. Tôi cùng những đồng nghiệp của Toà soạn có nhiều chuyến công tác vào miền Trung, Tây Nguyên, từng được sống những ngày nắng nóng “như rang” ở đất nho và thanh long Ninh Thuận; được vượt đèo Ngoạn Mục quanh co với những cua gấp khúc lên Đà Lạt (Lâm Đồng) nơi một ngày có thời tiết của bốn mùa; được đến vùng đồng bào dân tôc Jrai ở Ia Băng, Ia Mơ là những xã vùng sâu, vùng  xa  của tỉnh Gia Rai. Tôi cũng được cùng đồng nghiệp trong Tòa soạn có không ít chuyến đi đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bát ngát cây trái và lúa, tôm, ra tận Năm Căn, Đất Mũi đứng trước đài biểu tượng mũi Cà Mau là hình ảnh “Con tàu lướt sóng hướng ra biển” ngắm nhìn biển trời ở vùng đất thiêng liêng cực Nam Tổ quốc. Nhớ những buổi làm việc, tiếp xúc thú vị với cấp uỷ, đảng viên cơ sở ngay trong những lán canh giữa rừng đước, rừng chàm bát ngát. Nối tiếp những chuyến đi miệt mài đến mọi miền đất nước như thế, cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong Toà soạn đã góp phần làm cho nội dung tuyên truyền về công tác tổ chức xây dựng đảng trên Tạp chí sâu sát, sinh động về nội dung, phong phú, đa dạng các loại hình tổ chức đảng trên khắp các vùng miền đất nước.    

Mỗi một chuyến đi đều để lại trong tôi nhiều dấu ấn khó quên. Bên cạnh chuyến đi đầu tiên, chuyến đi cùng đồng nghiệp Công Huyên đi nghiên cứu viết về Đảng bộ xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) vào đầu năm 1998 cũng khiến tôi nhớ mãi. Trong năm 1996, nhất là từ tháng 5 đến tháng 11-1997 tình hình mất ổn định ở Thái Bình diễn ra trên diện rộng với hằng trăm xã. Riêng huyện Quỳnh Phụ có 38 xã thì tới 35 xã mất ổn định, nhân dân kéo lên xã, lên huyện khiếu kiện đông người, dài ngày. Ở một số xã, những phần tử quá khích đã kích động dân xông vào đập phá trụ sở chính quyền, đốt nhà và xe máy, vây ép, bắt giữ cán bộ xã, huyện trái pháp luật. Chỉ có 3 xã, đặc biệt là xã An Đồng không có hiện tượng đó, làng quê vẫn yên bình, nhân dân vẫn vững lòng ở tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng bộ. Vì thế, Ban Biên tập giao cho tôi và đồng chí Công Huyên về nghiên cứu, tìm hiểu để viết bài lý giải về “hiện tượng An Đồng”. 

Trước đây, những chuyến đi công tác về địa phương và cơ sở, chúng tôi được ô tô cơ quan đưa về làm việc với tỉnh rồi từ tỉnh về huyện. Sau khi làm việc với huyện, thường có đồng chí uỷ viên thường vụ, trưởng ban hoặc đồng chí huyện uỷ viên, phó trưởng ban tổ chức huyện uỷ đi cùng về xã. Thời gian làm việc ở xã, nhiều cũng chỉ một ngày, ít là một buổi. Lần này, không theo thông lệ cũ, tôi và Công Huyên đi thẳng về huyện Quỳnh Phụ. Ở thời điểm đó, để tránh cái nhìn không mấy thiện cảm của người dân với các “quan” ngồi ô tô từ trên về nên sau khi làm việc với Thường trực Huyện uỷ, chúng tôi để ô tô lại huyện rồi đi xe ôm về xã An Đồng. Để khai thác thông tin, khi làm việc với Bí thư Đảng uỷ Nguyễn Văn Loát và các đồng chí trong Ban Thường vụ, chúng tôi trao đổi tìm hiểu xoay quanh chủ đề: Vì sao nhiều xã trong tỉnh, trong huyện mất ổn định, nhân dân kéo lên cấp trên khiếu kiện tập thể nhiều ngày, tố cáo cán bộ cơ sở tham nhũng, tiêu cực mà An Đồng sống giữa một vùng “biển động dữ dội” như vậy nhưng vẫn bình lặng, yên vui?  

Rồi cũng với câu hỏi đó, chúng tôi dành 2 buổi tối dự sinh hoạt ở 2 chi bộ, cùng bàn thảo, đối thoại với các đảng viên để nghe họ giải đáp bằng thực tế từ chính chi bộ mình. Tôi và Công Huyên ở lại An Đồng 2 ngày, 2 đêm, xã không có nhà khách nên chúng tôi được ăn, nghỉ ở nhà dân. Vì thế, chúng tôi có điều kiện tiếp xúc, trò chuyện với dân; hỏi và nghe họ nói về tiêu cực, tham nhũng ở địa phương; những suy nghĩ, đánh giá của họ về cán bộ, đảng viên trong làng, trong xóm của mình.

Bằng những cách tiếp cận thực tế như vậy, chúng tôi hiểu rõ hơn về Đảng bộ và nhân dân An Đồng, có căn cứ để lý giải vì sao trong lúc tình hình mất ổn định ở tỉnh, ở huyện diễn ra gay gắt như vậy mà ở An Đồng vẫn bình lặng, yên vui. Ở đây mọi công việc sản xuất - kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến thiết đồng ruộng cũng như các hoạt động văn hoá thể thao vẫn diễn ra bình thường. Đảng bộ An Đồng từ năm 1978 đến thời điểm đó (năm 1998) liên tục đạt danh hiệu “Đảng bộ TSVM”, nhiều năm đạt TSVM tiêu biểu; đã 2 lần được Tỉnh uỷ Thái Bình tặng Cờ “Đảng bộ TSVM tiêu biểu” (đạt danh hiệu TSVM tiêu biểu 5 năm liên tục thì được Tỉnh uỷ tặng cờ).

Thực ra, không phải An Đồng không có tham nhũng, tiêu cực, không có các tệ nan xã hội và nỗi bức xúc của nhân dân. Đầu những năm 1980, An Đồng từng là một đảng bộ kém nát. Không ít cán bộ chủ chốt thoái hoá biến chất, tham ô trục lợi, thu vén cá nhân, chè chén bê tha, nhân dân tức giận, oán ghét gọi là “bộ máy cổ rụt”, “ổ chuột độc”. Ngoài xã hội, bọn lưu manh, trộm cướp hoành hành coi thường pháp luật và chính quyền địa phương. Đêm đến gà, vịt người dân phải nhốt vào buồng, chuồng lợn phải rào kín, khoá chặt, trông thấy bọn lưu manh ăn cắp của cải, đồ đạc cũng không dám tố giác. Chính trong bối cảnh tưởng như phải buông xuôi đó, thì những đảng viên chân chính ở An Đồng “tỉnh giấc”, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, dựa vào quần chúng quyết tâm tiến hành củng cố tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, gắn làm trong sạch đảng với xây dựng môi trường xã hội lành mạnh theo phương châm gắn xây với chống, xây tích cực, chống kiên quyết. Mở đầu cho cuộc “chiến đấu” đó là việc kiện toàn tổ chức và nhân sự ở Đại hội Đảng bộ cuối năm 1981: thay thế 9/15 đảng uỷ viên, 4/5 uỷ viên Ban Thường vụ đã tăng thêm sức mạnh lãnh đạo của Đảng uỷ.
 
Cuộc đấu tranh này được Đảng uỷ chỉ đạo kiên quyêt, tiến hành thường xuyên, liên tục, có những lúc gay gắt, quyết liệt. Một số cán bộ, đảng viên có dính líu đến những vụ tiêu cực cố kết với những phần tử xấu, những đảng viên đã bị khai trừ Đảng tung tin, bịa đặt, nói xấu, vu cáo những đồng chí lãnh đạo mới trong Đảng uỷ; đe doạ giết và đốt nhà Bí thư, Phó bí thư Đảng uỷ và Trưởng ban Kiểm soát của hợp tác xã. Nhưng các đồng chí này không nhụt trí, vẫn kiên quyết chỉ đạo kiểm tra làm sáng tỏ những vụ tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ đảng, trong hợp tác xã. Điển hình là vụ đảng viên Kế toán trưởng hợp tác xã móc nối với 89 hộ xã viên (có 19 gia đình đảng viên) thông qua khâu phân phối thóc ở đội sản xuất tham ô gần 45 tấn thóc. Vụ này, 11 đảng viên bị khai trừ đảng, kỷ luật bằng các hình thức khác 9, trong đó có 1 uỷ viên ban thường vụ đảng uỷ, 4 đảng uỷ viên, cách chức Chủ nhiệm hợp tác xã, truy tố trước pháp luật 5 đối tượng, trong đó có Kế toán trưởng. Chỉ tính từ năm 1980 đến năm 1993, Đảng bộ xã An Đồng đã khai trừ và đưa ra khỏi Đảng dưới các hình thức 144 đảng viên (có 24,3% là cán bộ từ chi uỷ viên đến chủ chốt cấp xã, trong đó có 1 bí thư và 3 ủy viên thường vụ đảng uỷ). Phần đông trong số này do thoái hoá, biến chất, tham nhũng, tiêu cực; số còn lại giảm sút ý chí chiến đấu, ý thức tổ chức kỷ luật kém. 

Cùng với đó, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh chống tiêu cực và các tệ nạn ngoài xã hội do Đảng uỷ và chính quyền xã phát động cũng đã truy quét, đưa đi cải tạo tập trung hoặc tại chỗ 65 đối tượng, truy tố trước pháp luật 7 tên, phá hằng chục ổ nhóm lưu manh. Nhờ đó, tiêu cực được đẩy lùi, trật tự xã hội được lập lại, nhân dân tin tưởng, phấn khởi. Song hành cùng với chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và ngoài xã hội có hiệu quả, việc lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phá thế thuần nông, phát triển sản xuất hàng hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nhân dân đã có bước tiến bộ mới. Tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 56% trong cơ cấu kinh tế của xã. Năng suất lúa từ 7 tấn/ha tăng lên từ 11 đến 12 tấn/ha/năm; thu nhập bằng tiền bình quần đầu người một năm đạt 2,6 triệu đồng; bình quân đầu người về lương thực là 640kg (thời điểm năm 1998).

Khi hỏi về chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần từ cán bộ, đảng viên đến người dân đều thừa nhận: "So với mươi mười lăm năm về trước thì nay khác xa rồi”… Kết thúc chuyến nghiên cứu, tôi và Công Huyên lại đi xe ôm về huyện, rồi đem theo thành công, niềm vui, và lý lẽ cho lời giải “hiện tượng An Đồng” trở lại Hà Nội. Công Huyên đươc giao chấp bút, còn tôi chịu trách nhiệm biên tập, hoàn chỉnh bài viết. Chúng tôi thống nhất lấy tiêu đề: ”Đi tìm lời giải cho hiện tượng An Đồng” mà nó đã được nung nấu ngay từ khi chúng tôi rời Hà Nội về Thái Bình. Bài viết được Ban Biên tập cho đăng ngay trên Tạp chí Xây dựng Đảng số 4-1998 và khi bình xét chất lượng số Tạp chí này, bài viết được tập thể toà soạn xếp loại chất lượng xuất sắc.

Nghĩ về chuyến đi, về cách tiếp cận thực tế, về chất lượng bài viết, tôi lại nhớ đến lời dạy của Bác Hồ: “…Muốn có tài liệu thì phải tìm; tức là: Nghe. Hỏi. Thấy (đi). Mình phải đi đến, xem xét mà thấy. Ghi. Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy… để viết”. Tôi nghiệm ra: Cuộc đời của người làm báo nên ít ngồi bàn giấy; phải đi, phải hỏi, phải đọc, phải sống ở “đầu nguồn nguyên liệu cuộc sống” để suy nghĩ và viết. Chỉ như vậy mới có bài viết hay, đem lại hiệu quả xã hội với sức lan toả rộng lớn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất