Mùa hoa phượng
1. Tháng Năm, rợp trời hoa phượng đỏ. Tôi tin rằng câu hát này, bài hát này nhạc sĩ Lương Vĩnh không chỉ dành riêng tặng cho Hải Phòng quê hương ông, mà còn tặng cho Hà Nội và những thành phố của cả nước khi vào hè đường phố rợp đỏ hoa phượng. Tặng cho tất cả các ngôi trường và nhiều thế hệ, những ai đã một thời được là thầy, là trò. Hoa phượng, hoa của tuổi học đường, của bảng đen, phấn trắng và nhịp trống trường rung vang.

Thật ra, mọi người đã bồi hồi đón chờ hoa phượng từ lúc các đợt gió xuân thoang thoảng hơi nồm. Vào đầu tháng Tư, lá cây sồi già vàng ánh như những đồng tiền vàng đã quay tròn trong gió, một sớm mai trở dậy thấy ngát lên trong không gian mùi hoa sấu thơm sâu. Và tít trên các vòm cao của cây xanh trên các con đường phố lớn đã lấp ló sắc đỏ như son non của các gù phượng. Phượng đang chơi trò ú tim trên các ngọn cây suốt chiều dài các phố. Khi ánh nắng hè đổ ào xuống là phượng đỏ như đã nấp sẵn ở một nơi nào đó bỗng trở thành những dòng suối ào ạt chảy tràn xuống các mái tóc xanh của cây lá.

Mùa hè đến trang trọng và uy nghi với trời xanh và hoa phượng đỏ rực rỡ như một ánh hồi quang ngạo nghễ trong tiếng ve ran ran khúc hoan ca. Mùa hè, bản tổng phổ của sắc màu, âm thanh, đối chọi đến triệt để và hài hòa đến vô cùng. Làm sao có thể hình dung được khung cảnh mùa hè trên đất nước ta thiếu hoa phượng, trời xanh và nhạc ve!

Trong các sắc đỏ của hoa, thì hoa phượng là một biến ảo, một bí ẩn khôn cùng. Cái cung màu nồng ấm, hàm ẩn bao ý nghĩa nhân sinh này sao lại có thể có được một chu kỳ sinh học tự nhiên, một vòng đời sắc màu phong phú, kỳ ảo đến thế! Tôi yêu màu đỏ son khi phượng mới nở. Tôi thích sắc cờ đỏ tươi của phượng khi vào mùa. Tôi cũng hóa thành lửa cháy khát khao mãnh liệt của phượng khi mãn khai. Chẳng có thứ hoa nào nói được cảm hứng rộn rực sôi động của mùa hè như phượng, phượng ơi!

Phượng, hoa kỷ niệm một thời trai trẻ, mùa chia tay ấu thơ của học trò tuổi mười tám, đôi mươi.

Bao tháng ngày xa vắng trôi, còn đâu nếp trường xưa/ Say ngắm từng gian lớp xinh lòng xao xuyến tình thơ.

Phượng, hoa của một đất nước bốn mùa hoa tươi. Một đất nước vừa hào hùng vừa văn vẻ. Phượng rực rỡ một sắc đỏ cờ Đảng búa liềm dẫn dắt dân tộc ta từ những năm 30 của thế kỷ trước. Phượng đỏ một sắc quốc kỳ in máu chiến thắng mang hồn nước từ phong trào xô-viết Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Nam kỳ đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, thấm máu bao liệt sĩ anh hùng, phấp phới trên nóc hầm bại tướng Pháp Đờ Cát-xtơ-ri.

2. Hoa phượng không chỉ là hoa của thiên nhiên mà còn là hoa của những chiến thắng lẫy lừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Điện Biên Phủ kết thúc 9 năm kháng chiến thần kỳ, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Hoa của những cuộc đời son sắt theo lý tưởng của Đảng tận tụy vì nước, vì dân.

Năm 2015 này, kỷ niệm tròn 40 năm đất nước liền một dải, đúng mùa hoa phượng rợp trời, người ta nhớ ra rằng, Nhà văn Nguyễn Trần Thiết hồi là phóng viên báo Quân đội nhân dân đã từng hỏi cung bại tướng Đờ Cát-xtơ-ri năm 1954 ở lòng chảo Điện Biên, cũng lại là người phỏng vấn Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn ngày 30-4-1975, ngay tại Dinh Độc Lập. Sinh ra trong nghèo khổ, trong thân phận kẻ cày thuê, cuốc mướn, rồi đổi đời cùng Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhập ngũ, trong vai anh lính Cụ Hồ sau 19-8-1945. Trực tiếp cầm súng, có khi là giáo mác công đồn giặc. Lặn lội trong gian khó và máu lửa. Vào sinh ra tử. Trải qua chức trách từ anh tiểu đội trưởng, trung đội trưởng tới đại đội trưởng, rồi nhờ năng khiếu viết, được điều về làm phóng viên báo Quân đội nhân dân, tham gia hầu hết các chiến dịch lớn từ miền Bắc đánh Pháp đến miền Nam đánh Mỹ, cho đến khi đeo quân hàm đại tá, nay đã ở tuổi 86, nhận huy hiệu 66 tuổi đảng, với thành tựu là 93 tác phẩm văn chương đã xuất bản. Trong đó có thể kể một số cuốn: Chiến công thầm lặng, Viên tướng và hai bà vợ, Gia đình biệt động, Nữ tướng Phun-rô, Kẻ cuồng vọng mang mật kế Z, Viên chuẩn tướng, Mặt trận không tiếng súng, Truy tìm ổ quỷ, Hành trình đồng đô-la, Theo bước chân thần tốc, Cơn lốc Trường Sơn, Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng... Một sức nặng thời gian và một khối lượng lao động đồ sộ. Một đức kiên trì vô song. Một tình yêu bền vững với bút mực và cuộc đời! Những trang lịch sử oai hùng của dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: Cảm nghĩ của ông khi chứng kiến những giây phút hào hùng nhất của lịch sử, dân tộc, Đảng ta? Nguyễn Trần Thiết đáp:

- Thật tình là rất tự hào. Tôi sinh ra trước Cách mạng Tháng Tám trong nghèo khổ. ở làng quê xưa của tôi, ngay đến nhà lý trưởng, tôi cũng không dám bén mảng tới. Nay khác xưa nhiều. Cách mạng cho tôi vị thế lớn.

Phóng viên hỏi tiếp: Giữa hai lần tiếp xúc với Đờ Cát-xtơ-ri và Dương Văn Minh, có gì khác nhau? Nhà văn - người đảng viên già gật đầu, tủm tỉm:

- Khác nhau. Một đằng là lòng chảo Điện Biên trắng xóa màu cờ đầu hàng của quân đội Pháp. Một đằng là sắc cờ đỏ tươi chiến thắng tràn ngập phố phường đô thành Sài Gòn! Chắc bạn còn nhớ, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Nguyễn Mỹ đã có bài Cuộc chia ly màu đỏ nổi tiếng nói về cuộc lên đường hào hùng của chúng ta “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”. Còn đây là cuộc hội ngộ màu đỏ đầy cảm hứng lãng mạn và oai hùng của tôi, của tất cả chúng ta.

Mùa hoa phượng đỏ và mùa chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Một sự trùng hợp tuyệt đẹp của thiên nhiên và cuộc đời. Nhà văn - đại tá, người đảng viên 66 tuổi đảng Nguyễn Trần Thiết, con đẻ của cách mạng, một hình ảnh của sự kiêu hãnh, ngẩng cao đầu mà Đảng, cách mạng đã đem lại cho dân tộc, đất nước ta.

Phản hồi (2)

Trần Văn Lâm 25/05/2015

Tôi biết nhà văn Ma Văn Kháng từ Mùa lá rụng trong vườn. Nay gặp lại nhà văn ở bài này vẫn thấy mượt mà như thủa nào. Mong nhà văn tiếp tục cộng tác với Tạp chí và có nhiều bài như thế này trên Tạp chí để Xây dựng Đảng gần với mọi dạng người đọc hơn. Thú thật, đọc mãi nguyên tắc, mệt lắm!

Nguyễn Quân 23/05/2015

Bài quá hay của nhà văn Ma Văn Kháng. Bài viết về hoa phượng nhưng đọc rồi như thấy viết về con người Việt Nam anh hùng, mùa hoa phượng, mùa chiến thắng lẫy lừng của nhân dân Việt Nam. Cảm ơn nhà văn Ma Văn Kháng đã cống hiến một bài viết hay như một bản nhạc, một bài thơ. Tạp chí Xây dựng Đảng nên thường xuyên hơn có bài viết như thế này, nó làm cho Tạp chí đời hơn, nhân văn hơn, gần với cuộc sống của dân thường hơn.Hay nói cách khác, đại chúng hơn.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất