Cách đây 129 năm, ngày 1-5-1886, do yêu sách “ngày làm việc 8 giờ” không được đáp ứng đầy đủ, giới công nhân (CN) trên toàn nước Mỹ đã bãi công. Dù bị đàn áp đẫm máu, hàng trăm CN chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt nhưng cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi, buộc giới chủ phải công nhận chế độ ngày làm việc 8 giờ. Thắng lợi đó đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của CN Mỹ và nhiều nước trên thế giới, trở thành mốc son trong lịch sử giai cấp CN và phong trào Công đoàn tiến bộ quốc tế. Ngày 1-5 đã được Quốc tế Cộng sản II chọn làm Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Ở Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3-2-1930, trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, đóng vai trò nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Phong trào đấu tranh ngày 1-5-1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931. Từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc chí Nam, nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân và nông dân mít tinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Đây là lần đầu tiên, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc đoàn kết đấu tranh tỏ rõ sức mạnh vô địch, sứ mệnh lịch sử, nghị lực phi thường của khối liên minh công - nông.
Trong cao trào cách mạng 1936-1939, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai. Đặc biệt là cuộc mít tinh ngày 1-5-1938 tại Hà Nội có gần 3 vạn công nhân lao động tham gia. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 19-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 56 quyết định để công nhân lao động cả nước nghỉ hưởng lương Ngày Quốc tế Lao động. Ngày 1-5-1946, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn người lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi:“Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết Lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.
Nghị quyết 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Đảng ta xác định: “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”, đồng thời đề ra mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân trong thời gian tới là: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước; có tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết hợp tác quốc tế; thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; ngày càng được trí thức hóa: có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức; thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong công nghiệp và kỷ luật cao”.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI chỉ rõ: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là qua 30 năm đổi mới, cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông bộ phận công nhân trí thức; đang tiếp tục phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hoạt động của tổ chức công đoàn (CĐ) ngày càng phát triển sâu rộng, thiết thực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động. CĐ đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng chủ trương, chính sách pháp luật thể hiện được chức năng lớn của CĐ là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động (NLĐ) và đạt được những kết quả quan trọng. Phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” lan tỏa mạnh mẽ. Hoạt động chăm lo cho NLĐ được các cấp CĐ tập trung thực hiện với nhiều hoạt động phong phú. Bên cạnh đó, các cấp CĐ tiếp tục có nhiều biện pháp thích hợp để kịp thời giải quyết các bức xúc của NLĐ, ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội, góp phần tạo ra môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn, trên cơ sở đó huy động được nhiều nguồn lực góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
Ngày Quốc tế Lao động năm nay bắt đầu thời điểm Tháng Công nhân 2015 với chủ đề "Công đoàn tiếp tục đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; vì việc làm, đời sống của người lao động". Năm nay, bước sang năm thứ tư triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 77-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chọn tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân”. Người lao động đang đón nhận những niềm vui mà công đoàn, doanh nghiệp, người sử dụng lao động dành cho họ. Đó là những “Ngày hội công nhân lao động” ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; phong trào “Ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”, gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề bức xúc cho công nhân; hoạt động tôn vinh những công nhân giỏi nghề, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 năm nay càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kỷ niệm 40 Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Liên Minh