|
Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).
|
Kiến nghị nhiều giải pháp
Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: “Nhiều bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế? Việc thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các bệnh viện và người bệnh? Sở Y tế thành phố có những giải pháp gì hỗ trợ các bệnh viện giải quyết khó khăn đó?”.
Trả lời câu hỏi này, đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5-11-2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và Công văn số 4346/UBND-VX ngày 18-11-2022 của UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã có Công văn số 8558/SYT-KHTC ngày 30-11-2022 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP đến tất cả các đơn vị trực thuộc.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cơ sở y tế của Ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể là:
- Không xác định được giá dự toán của gói thầu.
- Thực tế, tại các cơ sở y tế TP. Hồ Chí Minh có khoảng 10% số lượng mặt hàng vật tư y tế, trang thiết bị là hàng đặc thù, riêng biệt hoặc dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành...) các trang thiết bị đặc thù, riêng biệt (chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất) nên cơ sở y tế không thể có được 3 báo giá; việc thẩm định giá cũng không thực hiện được vì các tổ chức thẩm định giá hiện nay không nhận thực hiện thẩm định giá trang thiết bị y tế, các dịch vụ phi tư vấn; rất nhiều trang thiết bị, dịch vụ không có giá trúng thầu của các gói thầu tương tự trong thời gian không quá 90 ngày, kể cả dựa vào kết quả được công bố trên cổng công khai kết quả đấu thầu của Bộ Y tế; Giá kê khai và công khai của trang thiết bị y tế trên cổng thông tin chưa thực hiện đầy đủ chi tiết cấu hình, tính năng, chưa được kiểm soát nên việc các cơ sở y tế tham khảo để xây dựng giá dự toán gói thầu cũng không đầy đủ, phù hợp.
- Hết hạn giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị.
Bên cạnh đó, hiện nay rất nhiều trang thiết bị (hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế kỹ thuật cao) theo quy định phải có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp nhưng đến nay các giấy trên đã hết hạn từ ngày 1-1-2023 theo khoản 2 Điều 76 Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 8-11-2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế nhưng vẫn chưa được Bộ Y tế cấp mới/gia hạn nên các sản phẩm hàng hóa dự thầu không thể trúng thầu (không đáp ứng được tiêu chí kỹ thuật về giấy phép nhập khẩu/giấy chứng nhận đăng ký lưu hành). Vì vậy, cơ sở y tế không thực hiện được việc mua sắm trang thiết bị.
- Thực hiện đấu thầu qua mạng: với quy định này thì tất cả các gói thầu mua sắm hàng hóa của các cơ sở y tế đều phải thực hiện đấu thầu qua mạng, kể cả các gói thầu mua sắm thuốc, gói thầu mua sắm vật tư y tế với hàng trăm đến hàng ngàn mặt hàng/gói thầu và được chia thành nhiều phần với hồ sơ tài liệu kỹ thuật của hàng hóa rất nhiều (hằng năm cơ sở y tế Ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh có hàng ngàn gói thầu, trong đó có đến hàng trăm gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế gồm nhiều phần với quy mô lớn). Trong khi đó, hạ tầng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng được, như khi đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu; kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có danh mục hàng hóa nhiều thường bị gián đoạn, nếu gói thầu trên 300 khoản là gần như không đăng tải được.
Với những khó khăn trên, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh kiến nghị:
- Tiếp tục cho phép thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật theo hình thức máy đặt cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quy định, hướng dẫn hình thức tổ chức phù hợp và cơ sở y tế đảm bảo được đầy đủ trang thiết bị nhằm đảm bảo liên tục hoạt động khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh, người dân.
- Xem xét, chấp thuận hình thức máy đặt theo kết quả trúng thầu hóa chất, vật tư y tế được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu để đảm bảo trang thiết bị cho cơ sở y tế.
- Bổ sung quy định về căn cứ xác định giá gói thầu của các gói thầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành...) trang thiết bị có tính chất đặc thù, riêng biệt.
- Sớm cấp giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị; cấp tài khoản cho các cơ sở y tế TP. Hồ Chí Minh để thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định (Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã có Công văn số 1336/SYT-KHTC ngày 28-2-2022 về đăng ký danh sách các đơn vị thực hiện đăng tải hình thức thực hiện đấu thầu trang thiết bị y tế theo Thông tư 14/2020/TT-BYT gửi Bộ Y tế).
- Trong thời gian chờ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được hoàn thiện, đáp ứng được việc đấu thầu qua mạng đối với tất cả các gói thầu thì cho phép các cơ sở y tế được thực hiện đấu thầu thông thường (không qua mạng) đối với các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế gồm nhiều phần để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế được đầy đủ, kịp thời cho công tác khám, chữa bệnh.
|
Đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).
|
Bệnh viêm cơ tim siêu vi trẻ em thường xảy ra vào các tháng 1, 2, 3
Cũng tại buổi họp báo, với câu hỏi: “Nhiều trường hợp nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim ở trẻ đã và đang được phát hiện ở TP. Hồ Chí Minh. Với trang thiết bị máy móc hiện đại (như ECMO) thì các trường hợp tử vong nay đã giảm đáng kể nhưng đây vẫn là bệnh lý nguy hiểm, dễ gây hoang mang dư luận... Vậy, Sở Y tế thành phố có những cảnh báo gì để phụ huynh/người dân an tâm hơn?
Trả lời câu hỏi này, đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như chia sẻ: Hằng năm, Sở Y tế thành phố ghi nhận 1 đến 3 trường hợp viêm cơ tim siêu vi, thường xảy ra vào các tháng 1, 2, 3. Hiện tại, số ca bệnh nhi bị viêm cơ tim được Sở Y tế ghi nhận là 3 trường hợp, trong đó 1 trường hợp chuẩn bị xuất viện, 2 trường hợp lâm sàng ổn. Chưa có xu hướng tăng về viêm cơ tim tại trẻ em thành phố, các bệnh viện Nhi của Thành phố triển khai hàng loạt kỹ thuật hồi sức chuyên sâu.
Vào đầu tháng 2, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã cứu sống 1 trường hợp bệnh nhi 13 tuổi từ Kiên Giang chuyển đến với chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp, tim đã ngừng đập. Ngay lập tức, quy trình báo động đỏ nội viện của bệnh viện được kích hoạt. Các bác sĩ khoa Cấp cứu phối hợp với các đồng nghiệp khoa Tim mạch nhanh chóng hồi sức và đặt máy tạo nhịp tạm thời để duy trì nhịp tim cho bé. Và để bảo vệ não và điều trị tổn thương gan thận, quy trình hạ thân nhiệt và lọc máu liên tục đã được tiến hành đồng thời. Cùng lúc đó, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực được huy động sẵn sàng để thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân.
Việc Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã cứu sống bệnh nhân trong trường hợp này là nhờ sự nỗ lực vượt bậc của tập thể nhân viên y tế bệnh viện trong triển khai các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu với kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều năm. Thành công này được xem như món quà tinh thần vô giá nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 dành tặng cho bệnh nhân, gia đình bệnh nhân.
Ngành Y tế thành phố sẽ nỗ lực phấn đấu, tiếp tục phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu hơn nữa, đặc biệt là lĩnh vực chuyên khoa Nhi, góp phần xây dựng hệ thống y tế Thành phố ngày càng lớn mạnh, trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực Đông Nam Á trong thời gian không xa – đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như chia sẻ.
Hoàng Hào