|
Bác Hồ và đồng chí Trần Hữu Dực tại Hội nghị thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Bộ Công an (tháng 10-1966).
|
“Bây giờ Phan Thiết chúng tôi xin chịu thua anh”
Đồng chí Trần Hữu Dực (1910-1993) - người con của mảnh đất Triệu Phong, Quảng Trị - sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, ông đã sớm bộc lộ tư chất của người chiến sĩ cộng sản, một lòng, một dạ đi theo con đường của các bậc tiền bối cách mạng, nguyện hiến dâng tuổi trẻ và cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời cách mạng sôi nổi, gan dạ, dũng cảm của ông đã được ông ghi lại cụ thể, chi tiết trong gần 400 trang với 17 chương trong cuốn hồi ký “Bước qua đầu thù” do NXB Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành năm 1996, tái bản năm 2020. Trong thời gian hoạt động cách mạng 1926-1945, ông đã bị Pháp bắt 4 lần và bị kết án tổng số 29 năm tù giam và 22 năm quản thúc, từng trải qua các nhà tù khét tiếng tàn độc của đế quốc thực dân như nhà tù Quảng Trị, nhà đày Lao Bảo, nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong những lần bị bắt giữ, mặc cho những lời dụ dỗ ngon ngọt, mặc cho đòn roi của kẻ thù nhưng tinh thần, khí chất của người cộng sản trong ông luôn thật vững vàng.
Có một câu chuyện mà nhiều người biết, đó là ông bị bắt tại Ninh Thuận (tháng 9-1941), ông đã bị địch tra tấn liên tục trong 30 ngày, cuối cùng Chánh mật thám Bình Thuận phải thốt lên “đủ rồi, anh đã thức 15 ngày đêm, khai thế thì biết rồi, bây giờ Phan Thiết chúng tôi xin chịu thua anh”. Dù ở nhà lao nào, ông Trần Hữu Dực luôn là nòng cốt lãnh đạo tổ chức ở trong tù để củng cố tinh thần đấu tranh của các đồng chí mình và hiên ngang bước qua đầu thù. Sáng ngày mồng một Tết Âm lịch năm 1944, các chiến sĩ cộng sản bị địch giam cầm đã tổ chức cuộc duyệt binh, chào cờ Tổ quốc ngay trong nhà đày Buôn Mê Thuột do Trần Hữu Dực cùng các đồng chí trong nhà đày tổ chức với sự tham gia của hàng trăm tù nhân đóng vai bộ đội, nhân dân, cán bộ lãnh đạo. Kết quả cuộc duyệt binh rất mỹ mãn, để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm chí mọi người. Trong lịch sử đấu tranh với kẻ thù tại các nhà tù, nhà giam của thực dân Pháp, đây là lần đầu tiên có cuộc mít-tinh chào cờ Tổ quốc ngay trong nơi giam cầm, mang ý nghĩa tiến công cách mạng, vững lòng tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tinh thần, khí chất của ông đã được Giáo sư Vũ Khiêu khái quát qua bốn câu đối nhân dịp khánh thành nhà lưu niệm của ông tại quê nhà Quảng Trị: “Kiên cường bất khuất, trăm vòng lửa thép vững tâm can/ Cần kiệm thanh liêm, một tấm lòng son soi nhiệt nguyệt/ Mười lăm tuổi ra đi, sức trẻ tài cao, vào tử ra sinh cùng Tổ quốc/ Một trăm năm nhìn lại, gan vàng da sắt đồng cam cộng khổ với nhân dân”. Nhận xét về đồng chí Trần Hữu Dực, đồng chí Trần Việt Phương - nguyên Thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhớ lại: “Tôi được biết ông Trần Hữu Dực từ trên rừng Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp năm 1949. Lúc ấy, ông Trần Hữu Dực là một ủy viên của Đảng, Đoàn Chính phủ. Con người ấy mắt nhìn, chân đi, miệng nói, óc nghĩ, tâm ghi và tay làm. Tức là một con người toàn thân hoạt động và suốt đời từng giây từng phút một, rất hiếm tìm được một con người như thế. Con người ấy là con người sống với cuộc đời, thấm đẫm chất của con người trên cuộc đời này nhưng dám bay bổng trên bầu trời lý tưởng của mình vì dân, vì nước, vì các dân tộc khác. Đồng chí ấy được đồng chí Phạm Văn Đồng rất kính trọng”.
Người nào tự mình thắng mình mới là người hùng kiệt
Bài học lớn, được Trần Hữu Dực rút ra trong quá trình hoạt động là lòng kiên trì, rèn luyện nhận thức lý luận. Ông cho rằng phẩm chất cao đẹp phải đi đôi với kiến thức rộng, bởi thiếu nó thì hoạt động vô nghĩa, không có phương hướng. Trong tu dưỡng, rèn luyện bản thân, Trần Hữu Dực lấy câu nói nổi tiếng của danh nhân Trần Quốc Tuấn “Tự tri giả anh. Tự thắng giả hùng” tạm dịch là: “Người nào tự biết mình mới là người anh minh. Người nào tự mình thắng mình mới là người hùng kiệt” để làm phương châm sống. Chính phương châm sống này, đã lý giải vì sao khi ông trở thành Chủ tịch Trung Bộ, trong lúc “Một số người thi nhau đem con ra thành phố ở những ngôi nhà sang trọng, thậm chí có người cưới vợ ngay trong toà nhà Khâm sứ, yến tiệc linh đình…”([1]) thì Trần Hữu Dực vẫn để vợ con ở quê. Mặc dù, ai cũng biết rằng, ông rất thương và biết ơn vợ, người đã hơn 13 năm phải làm vợ của người tù cộng sản, phải dành những năm tháng tuổi trẻ của một thời con gái cho sự nhớ thương người chồng xa cách biền biệt.
Có một vài câu chuyện, sau này ông kể lại, thêm một lần nữa cho chúng ta thấy phẩm chất đáng quý đó của Trần Hữu Dực: “Có một lần, vợ tôi đưa đứa con trai 7 tuổi vào thăm tôi. Tôi đã bố trí một buổi đưa vợ tôi vào thăm cung điện nhà Vua, dẫn vợ tôi đi thăm khắp toà Khâm sứ sang trọng và lộng lẫy… Khi tôi đưa vợ con vào phòng nghỉ riêng của toà Khâm sứ Trung kỳ, bấy giờ là phòng nghỉ riêng của Chủ tịch Trung Bộ, vợ tôi đã thốt lên kinh ngạc: “Nhà mình được ở đây à?”. Tôi đã vui vẻ trả lời ngay: “Không! nhà mình vẫn ở Dương Lệ Đông, Quảng Trị. Ngày mai, hai mẹ con lại về đấy”…([2]) . Khi ông ở cương vị Phó Thủ tướng, hằng ngày đi làm được xe ô tô đưa đón, còn bà thì đi xe đạp (mặc dù bà cũng làm việc ở Phủ Thủ tướng). Nhiều người bảo sao không để vợ cùng đi, ông bảo: “Cùng đi sao được, ô tô và lái xe là tiêu chuẩn của Nhà nước phục vụ Phó Thủ tướng chứ không phải phục vụ gia đình”([3]). Ngay cả khi vợ con ốm đau, đi khám bệnh, ông cũng không dùng ô tô của cơ quan.
Đi sát thực tế, lắng nghe nhân dân
Tháng 6-1945, khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, đồng chí Trần Hữu Dực đã lao ngay vào công việc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị. Bằng trí tuệ và khả năng công tác thực tiễn của mình, ông đã cùng tập thể Ủy ban khởi nghĩa do ông làm Chủ tịch lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa Quảng Trị nhanh gọn. Giữa năm 1948, ông được Trung ương Đảng và Chính phủ điều ra Việt Bắc, từ đó ông đảm nhận chức vụ Ủy viên Đảng đoàn Chính phủ, Bí thư đầu tiên của Liên Chi ủy cơ quan Trung ương, nơi Bác Hồ sinh hoạt đảng tại Liên chi cơ quan Trung ương. Năm 1950, ông được Bác Hồ ký bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Quân đội Nhân dân Việt Nam (nay là Tổng cục Hậu cần). Ông tham gia các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh và chỉ đạo đảm bảo hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Năm 1972-1973, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra rất ác liệt, ông được bí mật cử vào chiến trường Trị Thiên, giữ chức vụ Bí thư Khu ủy Trị Thiên.
Gần 4 thập kỷ làm việc ở Trung ương, là Ủy viên BCH Trung ương khóa I, II, III và IV, Trần Hữu Dực đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, như: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Trưởng Ban Công tác Nông thôn của Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông trường, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Bí thư Khu ủy Trị Thiên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII (41 năm). Trên mọi cương vị, ông tận tụy ngày đêm, nắm chắc tình hình, đi sát thực tế, lắng nghe nhân dân, gần gũi cán bộ, hiểu rõ, bản thân nêu gương, phát huy tập thể, từ đó mà hoàn thành mọi nhiệm vụ. Suốt cuộc đời từ khi trai trẻ đến khi cao tuổi, Trần Hữu Dực luôn luôn là người cán bộ lòng trung, tâm sáng, mắt nhìn tai nghe, óc nghĩ, miệng nói, tay làm. Suốt cuộc đời mình, ông luôn sống theo đúng lời dạy của Bác Hồ “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Ông luôn sống trung thực, thẳng thắn, giản dị, khiêm tốn. Ông căm ghét những kẻ cơ hội, tham nhũng, quan liêu, sa đọa về phẩm chất.
Trong đời thường, dù trăm công nghìn việc nhưng hằng năm Trần Hữu Dực đều dành thời gian về thăm quê hương. Mỗi lần về dù thời gian chỉ có một hai hôm, ngoài làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, ông dành thời gian đi thăm người dân trong thôn. Tại đây, ông dặn dò bà con phải biết tự lực cánh sinh, vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Có hôm, ông còn đưa một số người dân lên tận cánh rừng miền Tây Triệu Hải rồi nói: “Đất nước vừa mới đi qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc, nay hòa bình rồi bà con chúng ta phải biết trồng rừng để bảo vệ môi sinh môi trường và phát triển kinh tế. Ở đất nước Cu Ba phát triển được là nhờ khai thác hiệu quả đất rừng và trồng mía đường. Đối với con em quê hương, cần phải đến trường, có kiến thức mới xây dựng và làm chủ được cuộc sống mới”.
Suốt cuộc đời Trần Hữu Dực trung thành với lý tưởng yêu nước và cộng sản, không ngừng phấn đấu cho lý tưởng mà ông đã nguyện đi theo từ tuổi đôi mươi. Ở tuổi 83, đến giây phút cuối cùng, ông vẫn một lòng son sắt với lý tưởng đó. Đêm ngày 19-8-1993, trên bàn làm việc của ông là những trang cuối cùng của tập hồi ký “Bước qua đầu thù” ông vừa kịp để lại cho bạn bè, đồng chí và các thế hệ mai sau. Có thể nói đây là lời tâm huyết cuối cùng của Trần Hữu Dực trước lúc lên đường đi xa.
“Ngày nay, sau khi cách mạng thắng lợi, bên cạnh những thành tích vĩ đại còn tồn tại những khuyết điểm nghiêm trọng. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mà tham lam địa vị, trụy lạc, dốt nát, bè cánh, lười biếng, lãng phí, thấy có chút danh lợi riêng tư nào là vơ lấy bất chấp liêm sỉ, làm ra ít mà phá phách nhiều, đưa đến kiệt sức nhân dân, đất nước bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa, làm lợi cho địch, là điều trái ngược với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, là không phải người cộng sản.
Do đó, để cách mạng thắng lợi triệt để, nhân dân có hạnh phúc đầy đủ, giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân cách mạng tiến bộ khác phải bằng mọi cách chiến thắng mọi kẻ thù, trước hết là kẻ thù nằm ngay trong bản thân mình, làm cho kẻ thù hết chổ ẩn náu, không có lối thoát, vừa tự cứu mình, vừa góp phần xây dựng đất nước đi lên”...
Những lời tâm huyết của Trần Hữu Dực, một bậc tiền bối của Đảng ta, một con người ưu tú của dân tộc ta là lời nhắn nhủ tất cả chúng ta hôm nay.
([1]) Trần Hữu Dực, Bước qua đầu thù, sđd, tr.66-67.
([2]) Trần Hữu Dực, Bước qua đầu thù, sđd, tr.67.
([3]) Trần Hữu Dực, Bước qua đầu thù, sđd, tr.67.
Ngô Tấn Đạt