Nghiên cứu mô hình phù hợp để thúc đẩy phát triển
Tọa đàm thu hút sự tham gia của lãnh đạo một số tỉnh thành; các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, tập trung phân tích, làm rõ: Về đơn vị hành chính nên chia thành 3 cấp như hiện nay hay chia thành 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở), hoặc đa dạng hóa trong việc chia đơn vị hành chính?; cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hình thành mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; cơ chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương sao cho vừa bảo đảm quyền quản lý thống nhất của trung ương, vừa bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương; tính chất của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước hay chỉ là cơ quan đại diện cho nhân dân địa phương?; các quy định chế định chính quyền địa phương trong Hiến pháp như thế nào?...

Chính quyền địa phương nên chỉ có 2 cấp

Theo đề xuất của Chính phủ về chương chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mục tiêu của xây dựng chính quyền địa phương nhằm tạo nền tảng hiến định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nguồn lực và chế độ trách nhiệm của chính quyền địa phương nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992 liên quan đến chính quyền địa phương, bảo đảm sự đổi mới đồng bộ về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước, đồng thời bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền địa phương trong phạm vi thẩm quyền và nguồn lực được giao.

Theo PGS,TS. Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quãng Ninh, một trong những bất cập lớn nhất hiện nay là chưa có sự phân biệt một cách cơ bản sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và nông thôn. Các quy định pháp lý hiện hành còn quy định mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của HĐND, UBND áp dụng chung cho tất cả các chính quyền địa phương trong cả nước. Hệ quả là có địa phương không phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình; có địa phương thì lại không đủ điều kiện để thực hiện chuẩn chung. Đô thị và nông thôn là hai loại hình kinh tế - xã hội với những đặc trưng khác nhau về vị trí vai trò, hạ tầng kỹ thuật, xã hội, địa giới hành chính, dân cư, cơ cấu kinh tế, trình độ phát triển, lối sống, quản lý,… vì vậy nội dung và hình thức tổ chức thực hiện quản lý nhà nước ở đô thị cũng cần phải có những đặc trưng khác rất nhiều với nông thôn. “Theo tôi, mô hình chính quyền ở đô thị nên là chính quyền 2 cấp, ở nông thôn và chính quyền 3 cấp; chính quyền đơn vị hành chính ở hải đảo và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo mô hình chính quyền 1 cấp và không tổ chức HĐND” - đồng chí Phạm Minh Chính đề xuất.

TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, vấn đề cần đổi mới căn bản tổ chức nền hành chính quốc gia nên cần thống nhất quan điểm tổ chức chính quyền địa phương chỉ có 2 cấp, với cơ chế phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm một cách minh bạch. “Đã là một cấp chính quyền phải có đủ thẩm quyền quyết định những vấn đề an sinh của cộng đồng dân cư, quyết định, huy động các nguồn lực của cộng đồng dân cư địa phương. Do đó dưới cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức thêm chính quyền cơ sở có địa vị pháp lý giống nhau dù tên gọi khác nhau như thành phố, thị xã, thị trấn, xã” - TS. Trần Du Lịch nêu quan điểm. Theo đồng chí, việc thay mô hình 3 cấp chính quyền địa phương hiện hành, nhưng không có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thành 2 cấp chính quyền nhưng có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, được quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình sẽ xóa được tình trạng dân chủ hình thức, bảo đảm được tính chất chính quyền của dân, do dân, vì dân. Mặt khác, việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tạo điều kiện tổ chức lại hệ thống chính trị tương ứng của mỗi cấp, tinh gọn bộ máy hành chính, tạo điều kiện để cải thiện tiền lương cho cán bộ, công chức.

“Chính quyền địa phương là pháp nhân công quyền”

GS,TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM băn khoăn và trăn trở trước câu hỏi: Các cơ quan của chính quyền địa phương (trong đó có HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước hay cơ quan đại diện cho người dân? “Chúng tôi cho rằng, các cơ quan của chính quyền địa phương phải là cơ quan đại diện để thực hiện quyền lực của nhân dân. Nếu chúng ta khẳng định đó là cơ quan quyền lực nhưng quyền lực mà không đại diện cho ý chí của người dân thì quyền lực đó để làm gì” – GS,TS. Mai Hồng Quỳ bày tỏ.

Về phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ, GS,TS. Mai Hồng Quỳ đề nghị, phải có phần mở trong các phương án của chương Chính quyền địa phương. “Các phương án hiện nay có hạn chế nếu như chúng ta quy định một cách cứng không có biên độ nào cả. Chúng ta quy định phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ thành tỉnh và các TP trực thuộc Trung ương và các cấp sau đó mà không mở ra một biên độ thì rất khó mở đường cho các mô hình chính quyền mới” – GS,TS. Mai Hồng Quỳ lý giải.

Lấy ví dụ từ mô hình chính quyền đô thị ở TPHCM, GS,TS. Mai Hồng Quỳ nhận định: Nếu Hiến pháp lần này không được sửa, không quy định một cửa mở thì mô hình ở TPHCM rất khó có khả thi vì về sau lại đụng vào Hiến pháp, đụng vào các văn bản. Do đó, Hiến pháp nên phân định rõ việc phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ và mô hình tổ chức chính quyền ở các đơn vị hành chính lãnh thổ là hai vấn đề liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng không đồng nhất với nhau.

“Hiến pháp chỉ nên quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, còn tất cả những vấn đề chi tiết, về tiêu chí thành lập, tiêu chí xác nhập, tiêu chí để đưa ra các mô hình mới ta nên để luật quy định. Khi đó, sẽ dễ dàng giải quyết các vấn đề mà mô hình của TPHCM hay các tỉnh thành khác đang gặp phải” – GS,TS. Mai Hồng Quỳ nói.

Về quy định “Chính quyền địa phương là pháp nhân công quyền”, TS. Trần Du Lịch đồng tình với chế định này và xem đây là một đổi mới rất quan trọng về địa vị pháp lý của chính quyền địa phương. Đồng chí lý giải: “Theo các quy định hiện hành, thì chúng ta sử dụng khái niệm nhà nước để chỉ cho trung ương lẫn địa phương trên tất cả các lĩnh vực như ngân sách, tài sản, thẩm quyền,… Từ đó phân cấp nên nó trở thành nguyên nhân của cơ chế xin - cho, thiếu địa chỉ rõ ràng, đặc biệt vô cùng phức tạp về thủ tục hành chính nhưng lại tạo quá nhiều kẽ hở để tiêu cực”.

Theo TS. Trần Du Lịch, khi xác định chính quyền địa phương là pháp nhân công quyền thì sẽ dẫn đến việc phân định rõ ràng giữa ngân sách quốc gia do chính quyền trung ương đại diện và ngân sách địa phương thuộc chính quyền địa phương (do HĐND quyết định). Ngân sách quốc gia trợ cấp cho địa phương dù 1 đồng cũng phải do Quốc hội quyết định và giám sát thực thi; ngân sách địa phương dù một trăm đồng vẫn thuộc thẩm quyền của HĐND địa phương mà Quốc hội không can thiệp. Tài sản quốc gia tọa lạc tại một địa phương do Chính phủ quản lý; tài sản của địa phương do chính quyền địa phương tự quản lý và tự chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương. Sự đổi mới này sẽ tạo cơ sở pháp lý để sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Quản lý nợ công, xây dựng dự thảo Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước,…

Đem lại lợi ích thiết thực cho người dân

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Chế định chính quyền địa phương có vị trí quan trọng trong các quy định của Hiến pháp ở nước ta, từ Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và đến Hiến pháp năm 1992. Trong nhiều năm nay, khi bàn về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, vấn đề tổ chức chính quyền địa phương luôn được quan tâm đặc biệt. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được đặt ra, tìm phương án phù hợp để quy định trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp lần này. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là phù hợp với tình hình phát triển về mọi mặt của đất nước, tuy nhiên, quá trình sửa đổi phải tiếp thu cho được những tinh hoa của nhân loại, của chính chúng ta qua mấy lần sửa đổi.

Trước nhiều ý kiến trong tọa đàm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, chính quyền địa phương là một trong những nội dung quan trọng và khó nhất trong sửa Hiến pháp 1992. Việc nghiên cứu chế định chính quyền địa phương phải đảm bảo gắn kết giữa chính quyền với cơ sở và nhân dân, sao cho gần dân hơn, hiểu dân hơn và qua bộ máy Nhà nước, người dân thể hiện được quyền làm chủ của mình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tọa đàm đã thu được nhiều ý kiến thiết thực, khoa học, có ý nghĩa, góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện chế định chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đề nghị Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để soạn lại.

Riêng đối với mô hình chính quyền đô thị TPHCM, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, có 2 phương án cho TPHCM lựa chọn: Hoặc quận vẫn tổ chức HĐND, phường bỏ hoặc quận - phường không tổ chức HĐND thì huyện và xã phải tổ chức “vì ở đây đang nông thôn thật và chưa biết bao giờ mới đô thị hóa”.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thành công hay không là ở việc phân cấp quyền hạn, trách nhiệm và tổ chức quản lý của TPPHCM. Vì thế, TPHCM nên tập trung vào vấn đề phân cấp chức năng, quyền hạn rộng hơn, tổ chức lại bộ máy sao cho hiệu lực, hiệu quả và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất