TP. Hồ Chí Minh: Kinh tế - xã hội đạt được nhiều khởi sắc trong tháng 2, 2 tháng đầu năm 2022; một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3

Buổi họp báo chiều ngày 7-3-2022 tại Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh.

Tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19

Thành phố yêu cầu tất cả các đơn vị tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ, theo đó mở rộng đối tượng quản lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế (gồm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ vắc-xin phòng COVID-19 trên 18 tuổi).

Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu COVID-19 trong năm 2022 nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lý giai đoạn hậu COVID-19, can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thành phố.

Thành phố tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” gắn với các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, lâu dài và bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch.

Để đảm bảo công tác thu dung, điều trị, chăm sóc F0 cách ly tại nhà và cộng đồng tại các địa phương phù hợp trong tình hình mới, nhất là khi số ca mắc mới có chiều hướng tăng cao sau khi học sinh đi học trực tiếp, Thành phố ban hành quy trình đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương trên địa bàn. Theo đó, Thành phố chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch đảm bảo khả năng chăm sóc F0 tại nhà của từng phường, xã, thị trấn trên địa bàn và khả năng thu dung, điều trị COVID-19 của các cơ sở thu dung, điều trị thuộc tuyến huyện; xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn. Xây dựng lộ trình tái cấu trúc các bệnh viện trong tình hình mới nhằm thực hiện song song 2 chức năng vừa khám, chữa bệnh thông thường, vừa thu dung, điều trị COVID-19.

Hiện nay, số ca nhiễm COVID-19 đang tăng nhưng số ca tử vong và ca nặng rất thấp; số ca tử vong thấp (dưới 5 ca/ngày) có ngày không ghi nhận ca tử vong. Tập trung chỉ đạo, hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng mùa xuân năm 2022 do Bộ Y tế phát động, 36 điểm tiêm cố định trên địa bàn Thành phố đã tổ chức tiêm vắc-xin xuyên Tết cho khoảng 13.000 người dân đang sinh sống trên địa bàn Thành phố. Lũy kế đến nay đã tiêm 20.190.000 mũi (trong đó mũi 2 là 7,34 triệu mũi; mũi 3 là 4,74 triệu mũi).

Thành phố đã tổ chức các hoạt động tri ân các lực lượng y bác sĩ nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Đối với việc học sinh đi học trực tiếp trở lại: từ ngày 14-2, học sinh Thành phố đã đồng loạt trở lại trường học. Hiện nay, các trường học đang linh hoạt chuyển đổi việc dạy và học trực tiếp, duy trì nhiều mô hình đứng lớp trước bối cảnh F0 trường học gia tăng.


Chánh Văn phòng UBND thành phố Đặng Quốc Toàn; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương chủ trì Họp báo.

Kinh tế - xã hội Thành phố đạt được nhiều khởi sắc

Trong tháng 2, đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, một số lĩnh vực kinh tế của Thành phố cũng đạt được nhiều khởi sắc:

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng có bước tăng trưởng, ước đạt khoảng hơn 89.000 tỷ đồng, cao hơn 0,4% so với tháng trước và tăng 0,9% so cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ giảm 3,1% so với tháng trước, ngành lưu trú và ăn uống tăng 18,1% so với tháng trước.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố 2 tháng đầu năm ước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 9,95 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ.


Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố 2 tháng đầu năm tăng 5,9% so với cùng kỳ.

- Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt gần 3.170.000 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước. Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt hơn 2.900.000 tỷ đồng, tăng 1,0% so với cuối tháng trước.

- Tổng khối lượng niêm yết đạt hơn 127,1 tỷ chứng khoán, tăng 3,13% so với tháng trước. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết đạt hơn 1.260.000 tỷ đồng, tăng 3,22% so với tháng trước.

- Hoạt động doanh nghiệp có bước phục hồi, có 588 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 62,94% so với tháng trước, giảm 15,52% so với cùng kỳ.

Giá cả xăng dầu, hàng hóa, nhiên nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng lên

Mặc dù kinh tế Thành phố đang dần phục hồi trở lại, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn vẫn đang được kiểm soát tốt, nhưng sự xuất hiện và các mức độ ảnh hưởng khác nhau của biến chủng mới (Omicron), đồng thời, giá cả xăng dầu, hàng hóa, nhiên nguyên vật liệu trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang có xu hướng tăng lên, gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 2 và dự báo trong suốt quý I năm 2022. Một số chỉ tiêu tăng trưởng giảm:

+ Tổng doanh thu du lịch tháng 2 ước đạt hơn 3.200 tỷ đồng, giảm 51,34% so với cùng kỳ.

+ Khối lượng vận tải hành khách công cộng 2 tháng ước đạt 12,7 triệu lượt hành khách, giảm 78,2% so với cùng kỳ.

+ Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 ước giảm 2,4% so với tháng trước nhưng tính chung 2 tháng đầu năm tăng 2,1% so với cùng kỳ.

+ Giá trị sản xuất trong Khu Công nghệ cao trong tháng ước đạt 1,571 tỷ USD, giảm 6,3% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu đạt 1,418 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ và giá trị nhập khẩu đạt 1,333 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ.

+ Có 4.700 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 68.678 tỷ đồng; so với tháng trước giảm 69,70% về số lượng, giảm 27,03% về số vốn; so với cùng kỳ:  tăng 21,57% về số lượng, giảm 43,37% về vốn.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hơn 88.000 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa tăng 19,07%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 1,35%.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; công tác tuyển, giao quân đạt kết quả rất tốt, 100% chỉ tiêu.

Dịch bệnh tăng do chủng Omicrom còn diễn biến phức tạp yêu cầu cần giám sát kỹ và có chủ trương, biện pháp phù hợp; thành lập doanh nghiệp mới tăng về số lượng nhưng giảm về vốn; việc chậm ban hành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 dẫn đến chậm tiến độ, gây khó khăn cho các chủ đầu tư. Xuất hiện một số yếu tố bất lợi: tăng giá xăng dầu, lạm phát, đặc biệt là tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp trong 2 tháng đầu năm. Đây là các thách thức Thành phố đang đối diện, cần tập trung để chỉ đạo xử lý có hiệu quả.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3-2022

Để quyết liệt triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành Thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Các sở, ban, ngành, quận, huyện tiếp tục bổ sung vào chương trình công tác năm 2022 các nội dung kết luận chỉ đạo tại phiên họp UBND thành phố ngày 4-3-2022 vừa qua; hoàn thành trong tháng 3-2022 để làm căn cứ quán triệt, triển khai thực hiện.

(2) Tập trung giám sát, kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhất là trong khu vực trường học và mở đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao đến 31-3-2022; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo theo quy định; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động phòng, chống dịch và trong công tác quản lý tại địa bàn.

(3) Tập trung triển khai các giải pháp thực hiện Chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Trong đó, tập trung công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp. Rà soát các Tổ công tác của UBND thành phố và các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn; rà soát, giải quyết từng vụ việc tồn đọng cụ thể của Thành phố, từng sở, ban, ngành, địa phương; phân nhóm vụ việc và có kế hoạch giải quyết.

- Giao Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (Sở Nội vụ) tham mưu hoàn thành trong tháng 3-2022 các nội dung: Rà soát, ban hành quy chế phối hợp xử lý thủ tục hành chính giữa các sở, ngành của Thành phố; Kiện toàn Tổ công tác của Chủ tịch UNBD thành phố kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố; Khẩn trương đưa vào hoạt động cổng dịch vụ công Thành phố: Theo dõi hằng tháng kết quả thực hiện các chỉ số thành phần PCI, PAPI, PAR Index, triển khai chỉ số DDCI. Đề nghị các ngành sau cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, không để các vụ việc bị vướng mắc, tồn đọng: Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng UBND thành phố.

(4) Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai các chính sách phục hồi kinh tế nhất là các chính sách về tài khóa, tiền tệ vừa được Quốc hội thông qua.

-  Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, các cơ quan liên quan tổ chức gặp gỡ, đối thoại, xác định các vướng mắc để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách.

-  Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Công thương hỗ trợ các doanh nghiệp về chuyển đổi số, triển khai chương trình thương mại điện tử.

-  Văn phòng UBND thành phố phối hợp với các sở, ngành hệ thống các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước để tham mưu Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại (dự kiến cuối tháng 3-2022); phối hợp tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp có đóng góp ngân sách lớn, các nhà đầu tư tiềm năng, phối hợp chuẩn bị Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, chuẩn bị tổ chức Diễn đàn kinh tế Thành phố.


Huyện Củ Chi sẽ không lên quận mà phát triển thành thành phố trực thuộc TP. Hồ Chí Minh.

(5) Tập trung triển khai các nội dung của Đề án Losgistic (thủ tục thành lập các trung tâm Logistic, số hóa, hỗ trợ doanh nghiệp logistic), tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch du lịch để sẵn sàng mở cửa du lịch từ ngày 15-3-2022. Giám sát và kịp thời xử lý các vướng mắc, tình huống phát sinh; kiểm soát tốt nguồn hàng hóa, giá cả để ổn định hoạt động sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng.

(6) Rà soát, tiếp tục có những giải pháp cho người lao động; làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội; tổ chức học trực tiếp an toàn; triển khai hiệu quả Chiến lược về y tế; tăng cường hệ thống y tế cơ sở.

(7) Tập trung hoàn thiện hồ sơ đường Vành đai 3 – TP. Hồ Chí Minh để kịp tiến độ trình Bộ Chính trị (dự kiến ngày 18-3-2022) và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến ngày 25-3-2022); khởi động công tác tổng kết thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội (xây dựng đề cương chi tiết, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy); hoàn thiện Đề án phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế trình Ban Thường vụ, trình Thường trực Chính phủ; hoàn thiện khung Chương trình phát triển nhà ở cho người lao động, người có thu nhập thấp, nhà ở thay thế nhà ven, trên sông kênh, rạch và nhà ở thay thế cho chung cư cũ.

(8) Tập trung triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trong kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ dự án Metro 1; chuẩn bị các điều kiện khởi công Metro 2 trong năm 2022; nghiên cứu, đề xuất khép kín đường Vành đai 2; rà soát các công trình, dự án khánh thành hoặc khởi công chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022), trong đó phấn đấu khởi công một vài dự án xây dựng, cải tạo chung cư cũ.

(9) Tiếp tục các biện pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh, tổ chức tiếp công dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại, thi hành án hành chính.

(10) Chuẩn bị chu đáo các nội dung trình HĐND thành phố tại phiên họp chuyên đề (trong tháng 3-2022). Trong đó, tập trung các nội dung: Nghị quyết về dự án đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chi Minh; Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn.

(11) Chuẩn bị công tác sơ kết, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội Thành phố quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2022. Lưu ý đánh giá kết quả thực hiện trên từng chỉ tiêu.

(12) Sở Tài chính rà soát, tổng hợp tất cả các khó khăn, vướng mắc của các địa phương về lĩnh vực tài chính, ngân sách khi thực hiện chính quyền đô thị, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo. Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh rà soát, tham mưu chỉ đạo vấn đề giá đất, tính thu thuế chuyển nhượng bất động sản. Tham mưu hoàn thành kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước. Rà soát xây dựng đề án sử dụng hiệu quả nhà, đất công.

(13) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công, tổ chức bộ máy đội quản lý trật tự xây dựng, y tế cơ sở,… tham mưu UBND thành phố chỉ đạo.

(14) Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu giải quyết về kiến nghị đối với việc thu phí sử dụng cảng biển.

(15) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp đánh giá công tác tổ chức đấu giá đất, rút kinh nghiệm và tiếp tục đề xuất biện pháp thực hiện, trong đó lưu ý công tác đối thoại với doanh nghiệp.

Hoàng Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất