* SÔNG HOÀNG LONG:
Sông Hoàng Long là phụ lưu của sông Đáy, trên đất Ninh Bình. Có truyền thuyết: Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, trong một trận đánh, ông bị mắc lừa nên thua chạy đến bờ sông thì hết đường, bỗng nhiên có con rồng vàng xuất hiện đưa ông sang sông. Từ đó dòng sông chảy qua đất Hoa Lư được gọi là sông Hoàng Long (Rồng Vàng).
* THĂNG LONG THÀNH:
Vào năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La. Tương truyền khi thuyền ngự đến bến thành có rồng vàng hiện ra. Nhân đây, nhà vua đổi tên thành là thành Thăng Long (Rồng bay), tức Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Thăng Long - Hà Nội đã ghi bao chiến công lẫy lừng của dân tộc:
Đêm 28-1-1789 (mùng 3 Tết Kỷ Dậu) quân Tây Sơn do Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ thống lĩnh đã hạ đồn Hạ Hồi. Ngày 30-1-1789 (mùng 5 Tết Kỷ Dậu) hạ đồn Ngọc Hồi và Đống Đa. Chỉ trong 5 ngày đêm, quân Tây Sơn đã quét sạch 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược khỏi đất nước.
Cuối năm 1972, quân và dân Hà Nội đã làm nên một Điện Biên Phủ trên không, bắn rơi hơn 30 pháo đài bay B52 của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, công nhận nền độc lập của Việt Nam.
* VỊNH HẠ LONG:
Là một quần thể gồm chừng 2.000 đảo to nhỏ. Tương truyền đây là những viên ngọc của rồng mẹ và rồng con (do Ngọc Hoàng sai xuống) phun ra để ngăn chặn bước tiến của giặc ngoại xâm. Hạ Long là nơi rồng mẹ xuống. Bái Tử Long là nơi đàn con xuống. Bạch Long Vĩ là đuôi của rồng trắng vẫy. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, quân và dân đảo Bạch Long Vĩ đã anh dũng bắn rơi nhiều máy bay, bắn cháy tàu chiến của giặc.
Năm 1995, Vịnh Hạ Long được Unesco công nhận và xếp hạng kỳ quan thiên nhiên thế giới và mới đây lại được bình chọn là một trong bảy kỳ quan mới của di sản thiên nhiên thế giới.
* BẾN NHÀ RỒNG:
Nằm ở ngã ba sông Sài Gòn, đầu đường Nguyễn Tất Thành. Đây là một lâu đài kiến trúc theo kiểu châu Âu. Riêng mái nhà theo kiến trúc Việt Nam, có hai con rồng “Hướng long tranh châu” trên nóc. Vì bến có ngôi nhà đắp nổi hai con rồng, nên dân gian quen gọi là Bến Nhà Rồng. Nay Nhà Rồng trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh.
* CẦU HÀM RỒNG:
Cầu bắc qua Sông Mã (Thanh Hóa), bên này là núi Rồng, bên kia là núi Ngọc. Vì thế cầu có tên là Hàm Rồng. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cầu liên tục bị đánh phá. Để bảo vệ cây cầu nối liền đường huyết mạch Bắc - Nam, quân và dân Hàm Rồng đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi cả trăm máy bay địch.
* SÔNG CỬU LONG:
Sông Mê Kông dài 4.220km, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Thái Lan, Căm-pu-chia rồi chia làm hai nhánh trước khi đổ vào đồng bằng Nam bộ, Việt Nam. Nhánh phía bắc gọi là Tiền Giang, nhánh phía nam gọi là Hậu Giang. Tiền Giang nhận 2/3 lưu lượng nước và đổ ra biển qua 6 cửa: cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu. Hậu Giang đổ ra biển qua ba cửa: cửa Bát Xắc, cửa Định An, cửa Tranh Đề. Như vậy là ở địa phận Việt Nam, sông Mê Kông đã chia thành 9 nhánh đổ ra biển, giống như chín con rồng nặng trĩu phù sa. Vì vậy được gọi là sông Cửu Long hay Cửu Long giang.
Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và sông Cửu Long nói riêng đã ghi nhiều chiến công hiển hách của dân tộc ta trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Tháng 1-1785 (năm Giáp Thìn), quân ta do Nguyễn Huệ chỉ huy đã tiêu diệt 4 vạn quân Xiêm và quân Nguyễn ánh, cùng 300 chiếc thuyền ở đoạn sông Rạch Gầm - Xoài Mút của sông Tiền nên được gọi là chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.
Vân Hà (sưu tầm)